Mệnh lệnh từ trái tim người lính

24/10/2024 09:00 GMT+7

Có một người lính, là cựu chiến binh chống Mỹ, năm nay đã ngoài 70 vẫn cặm cụi trích nhặt từ lương hưu, phụ cấp thương tật, các khoản tiền nhuận bút, bán sách hoặc tiền quà do các con và học sinh cũ biếu nhân dịp lễ tết để lập quỹ "Tình thương", hỗ trợ cho những đồng đội và con cái họ bị nhiễm chất độc hóa học, kém may mắn hơn mình.

Người đàn ông đó là Vương Khả Sơn, sống tại thành phố Hà Tĩnh.

Mệnh lệnh từ trái tim người lính- Ảnh 1.

Ông Vương Khả Sơn trao quà cho gia đình ông Nguyễn Đình Thống (Hà Tĩnh), thương binh bị thất lạc giấy tờ, con bị nhiễm chất độc da cam từ bố, thiểu năng trí tuệ

ẢNH: NVCC

Xuất thân từ một gia đình giàu truyền thống yêu nước, năm 1971, khi chưa đầy 18 tuổi, đang học dang dở lớp 9 (9/10), với cơ thể nhỏ bé gầy gò (không tới 47 kg), chàng thanh niên vùng quê nghèo miền Trung ấy đã lên đường nhập ngũ, vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Trải qua không biết bao nhiêu trận đánh ác liệt nối tiếp nhau đến Chiến dịch Hồ Chí Minh, đại thắng mùa xuân năm 1975, hai lần bị thương nặng tưởng chừng cái chết cận kề nhưng ông may mắn được trở về quê hương sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất cùng với những vết thương trên cơ thể và di chứng chiến tranh. Những lần trái gió trở trời, cơn đau hoành hành dữ dội nhưng người lính trận ấy không chịu đầu hàng số phận... Ông tiếp tục vừa học vừa làm để hoàn thành lớp cuối cấp PTTH, sau đó thi đậu vào Khoa Văn – ĐH Sư phạm Vinh.

Tốt nghiệp với tấm bằng loại ưu, ông xin về công tác tại Trường THPT Đồng Lộc trong tỉnh nhà. Với đồng lương ít ỏi thời "bao cấp", ông đã chăm lo vun vén cho gia đình 7 miệng ăn (mẹ già và 4 người con cùng người vợ thường xuyên đau ốm vì bệnh viêm cầu thận, suy tim). Dù cuộc sống nhiều thăng trầm nhưng trong thâm tâm, ông luôn dặn lòng phải cố gắng sống thật tốt, sống thêm phần của những đồng đội không may mắn của mình; sống để đi tìm cho bằng được hài cốt của những đồng đội cùng mình chiến đấu đã ngã xuống trên chiến trận...

Với tâm nguyện ấy, mỗi tháng lương của mình, ông trích ra một phần dành cho việc đi thăm viếng, giúp đỡ đồng đội. Trong quá trình công tác, ông luôn ấp ủ "món nợ" là phải ghi lại ký ức một thời binh lửa của mình và đồng đội, nên từ tháng 11.2004, ông đã bắt tay viết tập hồi ký Ký ức chiến tranh. Sau mỗi ngày làm việc, ông cần mẫn ngồi vào bàn ghi lại những ký ức một thời lửa đạn đã trải qua cùng đồng đội. Sau 4 tháng, tập hồi ký hoàn thành...

Mới đầu, ông chỉ nghĩ viết cho con cháu và gửi tặng bạn bè, đồng đội đọc thôi, không nghĩ là sẽ được xuất bản nhưng vì là một tác phẩm "rất có lửa" được một người lính trận viết ra nên đã được NXB Thanh Niên phát hành và đưa vào "Tủ sách Tiếp lửa truyền thống - Mãi mãi tuổi Hai mươi". Với 4.000 cuốn in lần đầu, chỉ một thời gian ngắn đã "cháy sách". Toàn bộ số tiền nhuận bút nhận được ông gửi giúp đỡ bạn bè đồng đội của mình, những người không may bị thất lạc giấy tờ, không làm được chế độ thương, bệnh binh.

Sau khi nghỉ hưu (năm 2012), con cái cũng yên bề gia thất, ông lần lượt tìm cách kết nối lại những đồng đội của mình ngày xưa ở những vùng xa hơn như Hà Nội, Bắc Ninh, Hòa Bình, Cao Bằng, Hà Giang... cùng các tỉnh miền Trung, Tây nguyên và Nam bộ. Nơi nào nghe tin có đồng đội cùng chiến đấu với mình năm xưa ông đều tìm đến thăm hỏi, động viên dù họ ở những vùng núi sâu, xa, hẻo lánh đến mấy.

Mệnh lệnh từ trái tim người lính- Ảnh 2.

Ông Vương Khả Sơn trao quà cho ông Chu Văn Lương (Nghệ An), thương binh bị thất lạc giấy tờ

ẢNH: NVCC

Qua quá trình đi thăm viếng đồng đội, ông đã gặp nhiều hoàn cảnh éo le, nghiệt ngã như trường hợp của ông Chu Văn Lương (Nghệ An), ông Lưu Xuân Tiết (Quảng Ninh), ông Bùi Mạnh Sinh (Hải Phòng), bà Trần Thị Hoàn (Hà Tĩnh).... Người thì mất hết giấy tờ, không làm được chế độ thương binh, người bị ung thư, người thì có những đứa con ngây dại vì nhiễm chất độc hóa học từ bố mẹ, người thì đau ốm triền miên, kinh tế kiệt quệ… Ông hỗ trợ một phần kinh phí và vận động bạn bè, cộng đồng hỗ trợ giúp đỡ, động viên họ vượt qua giai đoạn ngặt nghèo khi tuổi già cùng những vết thương năm xưa trỗi dậy đớn đau mà kinh tế không cho phép đi điều trị...

Nghe ông Chu Văn Lương (3 lần bị thương nhưng thất lạc giấy tờ) tâm sự: "Chỉ cần tôi được công nhận là thương binh và phụ cấp cho mỗi tháng một triệu đồng để uống thuốc thôi thì tôi cũng mãn nguyện lắm rồi...", ông Sơn cho biết mình cầm lòng không đậu nên gom góp những khoản tiền có được, mua vé máy bay cùng bạn trở lại các đơn vị cũ để tìm lại hồ sơ. Rong ruổi gần cả tháng trời nhưng trở về trong vô vọng vì đơn vị cũng không còn giữ được hồ sơ gần 50 năm sau chiến tranh. Nhìn đồng đội sức khỏe ngày một suy kiệt, kinh tế cùng quẫn, ông kêu gọi bạn bè, cộng đồng mạng hỗ trợ tiền để đưa bạn đi chữa bệnh và âm thầm lập quỹ "Tình thương" cá nhân để khi đồng đội cần thì giúp đỡ.

Mệnh lệnh từ trái tim người lính- Ảnh 3.

Ông Vương Khả Sơn đến trao quà cho gia đình ông Nguyễn Sỹ Nghĩa (Hà Tĩnh, cựu chiến binh, bị ung thư, đã mất), vợ bị bệnh nan y, gia cảnh vô cùng khó khăn

Hiện tại, quỹ "Tình thương" vẫn luôn duy trì số tiền từ 20 - 30 triệu đồng để hỗ trợ những đồng đội kém may mắn của ông và các hoàn cảnh dân thường khác ốm đau, khó khăn đột xuất. Có lần tôi hỏi: "Cô thì ốm đau quanh năm không làm gì có thêm thu nhập, lương của chú cũng ít, mọi thứ chi tiêu rồi thuốc men cho cô chú đều nhiều mà sao chú lại có đủ kinh phí để chạy đi chạy lại thăm nom đồng đội, quà cáp cho họ rồi còn thành lập quỹ 'Tình thương' nữa?". Ông cười: "Tuy còn vất vả nhưng dù sao hoàn cảnh tôi cũng vẫn đỡ hơn các đồng đội. Tôi không thể sống bình yên khi nhìn các đồng đội mình thiếu thốn và đau khổ được. Tôi xem những việc mình làm cho đồng đội như là một mệnh lệnh từ trái tim...".

Thông qua cuộc thi Sống đẹp lần 4, tôi mong mọi người - những ai đang sống và làm việc trên mảnh đất hình chữ S xinh đẹp này hãy chung tay cùng nhau hỗ trợ, giúp đỡ những cựu chiến binh, thương bệnh binh bị thất lạc giấy tờ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để họ được phần nào an ủi. Tôi biết ngoài những người bạn của ông Vương Khả Sơn ra, còn có nhiều hoàn cảnh các cựu chiến thất lạc giấy tờ khác có cuộc sống rất khó khăn. Giờ này, hầu hết họ đã bước qua tuổi "xưa nay hiếm" rồi, chẳng còn bao lâu nữa họ sẽ vĩnh viễn rời xa cuộc sống, lúc ấy chúng ta có muốn báo đáp công ơn họ cũng không thể nào được nữa...

Mệnh lệnh từ trái tim người lính- Ảnh 4.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.