Mệt mỏi vì tổ hợp mưa lớn, triều cường

Chí Nhân
Chí Nhân
17/10/2024 06:20 GMT+7

Mùa mưa tiếp tục kéo dài khi thời tiết dần chuyển sang trạng thái La Nina cộng với triều cường cao "đến hẹn lại lên" khiến cuộc sống của nhiều người dân TP.HCM và các tỉnh, thành Nam bộ khác bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

"Mùa ngập" đảo lộn cuộc sống người dân thành phố

Dù đã trải qua nhiều mùa ngập, anh Trần Văn Tâm, ngụ H.Nhà Bè (TP.HCM) vẫn cảm thấy mệt mỏi vì cảnh kẹt xe - ngập nước, đi lại khó khăn, ô nhiễm môi trường... Anh Tâm nói: "Trong khi đa số người dân TP.HCM chỉ sống trong 2 mùa mưa - nắng thì nhiều người ở khu vực Q.7, Nhà Bè, Bình Chánh, TP.Thủ Đức… lại có thêm "mùa ngập" kéo dài liên tục trong 3 - 4 tháng mỗi cuối năm". Nếu vào đầu đợt triều cường, nước dâng từ sáng sớm, rồi xoay dần, có hôm đạt đỉnh đúng thời điểm mọi người ra đường đi học, đi làm thì hết sức vất vả. 

Thời điểm đó, tình hình giao thông từ khu vực Nhà Bè, Q.7 vào trung tâm thành phố vốn đã phức tạp lại càng thêm khó khăn, thậm chí hỗn loạn. Nếu từ hướng Bình Chánh, một số người có thể tìm đường tránh, đường vòng thì khu vực Nhà Bè, Q.7 gần như chỉ có thể chấp nhận lội nước. "Thường thì mình canh con nước lên để tránh bị ảnh hưởng, hoặc phải mang quần áo theo để phòng ngừa tình huống xấu", anh Tâm chia sẻ.

Mệt mỏi vì tổ hợp mưa lớn, triều cường- Ảnh 1.

Triều cường cao sẽ tiếp tục diễn ra 2 lần mỗi tháng kéo dài đến cuối năm

ẢNH: PHẠM HỮU

Chị Nguyễn Gia Hân, ngụ TP.Thủ Đức, cũng than trời: "Thường thì buổi sáng chỉ có triều cường gây ngập cục bộ chứ còn buổi chiều là cả tổ hợp mưa lớn, triều cường cao và thêm vào đó mọi người cùng tan ca khiến nhiều tuyến đường kẹt cứng. Những ngày gần đây, chiều nào trời cũng kéo mây đen dày đặc, sấm chớp ì đùng khiến ai cũng mệt mỏi khi nhìn ra đường lại thấy dòng xe nối đuôi nhau dài dằng dặc. Tôi có cảm giác như lượng người kéo về thành phố nhiều hơn nên đường phố lúc nào cũng đông. Gặp những lúc mưa to, triều cường thì tình hình kẹt xe lại càng nghiêm trọng", chị Hân than.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, có 6 tuyến đường trục chính vẫn ngập do triều gồm: Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (Q.7), Lê Văn Lương, Đào Sư Tích, Phạm Hữu Lầu (H.Nhà Bè) và quốc lộ 50 (H.Bình Chánh). Mỗi khi triều cường đạt đỉnh, thời gian ngập có thể từ 30 - 120 phút. Bên cạnh đó, nhiều tuyến đường khác cũng dễ bị ngập vì mưa lớn do hệ thống thoát nước chậm.

Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ dự báo: Trên hệ thống sông Sài Gòn - Đồng Nai mực nước đang lên nhanh theo chu kỳ triều cường rằm tháng 9 âm lịch và dự báo ở mức cao. Đỉnh triều cao nhất đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày 19 - 20.10 (tức 17 - 18.9 âm lịch). Theo đó, tại các trạm Phú An và Nhà Bè, trạm Thủ Dầu Một (sông Sài Gòn) đều vượt mức báo động 3, có khả năng gây ngập úng cục bộ nhiều vùng trũng thấp.

Trong khi mực nước tiếp tục tăng theo triều cường thì mưa to cũng xuất hiện liên tục nhiều ngày qua trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh, thành Nam bộ. Nguyên nhân gây mưa là do rãnh thấp xích đạo vẫn vắt ngang khu vực Nam bộ, thêm vào đó là nhiễu động gió đông trên cao. Dự báo, những tổ hợp thời tiết nêu trên vẫn duy trì trong những ngày tới khiến khu vực tiếp tục xuất hiện mưa diện rộng, cục bộ có nơi mưa to trên 80 mm, cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn trên 80 mm chỉ trong 6 giờ đồng hồ.

TP.Cần Thơ và nhiều tỉnh thành ĐBSCL cũng ngập

Tình trạng mưa lớn kết hợp triều cường cao cũng xuất hiện thường xuyên trong những ngày qua ở nhiều tỉnh, thành ĐBSCL. Cụ thể như tại TP.Cần Thơ, chiều tối 14.10 xuất hiện mưa lớn với vũ lượng lên tới 113 mm. Mưa lớn kết hợp lũ thượng nguồn về và triều cường cao khiến hàng loạt tuyến đường ở trung tâm thành phố bị ngập kéo dài.

Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cảnh báo: Đỉnh lũ tại trạm Cần Thơ trên sông Hậu dự báo vượt báo động 3 từ 10 - 20 cm, còn tại Mỹ Thuận trên sông Tiền cao hơn báo động 3 từ 20 - 30 cm. Trong trường hợp cực đoan, vào thời điểm triều cường dâng cao xuất hiện thêm mưa lớn thì đỉnh lũ tại Cần Thơ và Mỹ Thuận có thể tăng thêm từ 5 - 10 cm.

Triều cường kết hợp mưa lũ trên các khu vực có địa hình thấp trũng thuộc vùng ĐBSCL vào các ngày từ 17 - 22.10. Đặc biệt là trên địa bàn vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL gồm TP.Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long. Các huyện ven sông và giữa 2 sông của tỉnh Đồng Tháp; khu vực ven sông lớn và khu vực cồn (cù lao) giữa sông thuộc các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang, Sóc Trăng. Một số địa phương vùng bán đảo Cà Mau gồm TP.Vị Thanh, TP.Ngã Bảy, H.Phụng Hiệp của tỉnh Hậu Giang; các huyện Mỹ Xuyên, Mỹ Tú, TX.Ngã Năm của tỉnh Sóc Trăng; TP.Cà Mau, huyện Thới Bình, Trần Văn Thời của tỉnh Cà Mau…

Khí hậu đang dần chuyển sang pha lạnh

Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: Hiện tượng ENSO đang nghiêng dần về pha lạnh với chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển thấp hơn trung bình nhiều năm là 0,3 độ C vào tuần đầu tháng 10. Dự báo từ tháng 11.2024 - 1.2025, ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina (pha lạnh) với xác suất 60 - 70%.

Do ảnh hưởng của kiểu khí hậu nêu trên nên khu vực Biển Đông có thể xuất hiện bão (bao gồm cả áp thấp nhiệt đới) từ bằng đến cao hơn trung bình nhiều năm là 2,8 cơn và có ít nhất 1 cơn bão đổ bộ vào VN. Cần đề phòng khả năng bão hình thành ngay trên khu vực Biển Đông. Những hình thái thời tiết nói trên khiến ở miền Trung và Nam bộ sẽ xuất hiện những đợt mưa lớn kéo dài trong tháng 11. Do mưa bão kéo dài nên tổng lượng mưa ở các tỉnh Trung bộ trong tháng 11 sẽ cao hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 30%, còn khu vực Tây nguyên và Nam bộ lượng mưa cũng cao hơn trung bình nhiều năm từ 5 - 20%.

Đối với miền Bắc, không khí lạnh và rét đậm, rét hại có khả năng hoạt động mạnh trong tháng 12.2024 - 1.2025. Cần đề phòng khả năng xảy ra những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, đặc biệt tại các khu vực vùng núi phía bắc, kèm theo hiện tượng sương muối, băng giá trong thời gian này. Hiện tượng rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc bộ có khả năng xuất hiện trên diện rộng từ nửa cuối tháng 12. Do không khí lạnh về sớm nên lượng mưa ở miền Bắc cũng giảm dần và thấp hơn trung bình nhiều năm.

Nhiều nơi mưa rất to trên 100 mm

Trong khi nước sông đang tiếp tục tăng theo kỳ triều cường thì vào buổi chiều mưa lớn lại xuất hiện ở nhiều nơi. Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia ghi nhận lượng mưa từ 19 giờ ngày 15.10 đến 7 giờ ngày 16.10 nhiều nơi trên 100 mm như: Mường Khoa (Lai Châu) 200,8 mm, Hồng Ca (Yên Bái) 169,6 mm, Thanh Phong (Thanh Hóa) 130,2 mm, Yên Thượng (Nghệ An) 146,6 mm, Tà Lương (Thừa Thiên-Huế) 125,8 mm, Lợi Hải (Ninh Thuận), Thanh An (Bình Dương) 111,6 mm…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.