Mệt như chứng nhận độc thân

Thanh Đông
Thanh Đông
10/05/2018 10:05 GMT+7

Quy định xác nhận tình trạng hôn nhân (giấy chứng nhận độc thân) của công dân khi làm các thủ tục mua bán, tặng cho, thế chấp nhà đất, các tài sản giá trị khác theo luật Hộ tịch khiến nhiều người mỏi mệt, thậm chí bỏ cuộc.

Chứng ở cả 3 quận mới xong
Anh Trần Hữu Nghĩa, sinh năm 1988, nhập hộ khẩu vào P.Cô Giang, Q.1, TP.HCM từ năm 2014. Trước đó, do gia đình hay di chuyển chỗ ở nên anh Nghĩa từng nhập khẩu ở P.2, Q.10 và trước đó là P.13, Q.Phú Nhuận.

Mới đây, khi thế chấp diện tích đất cho ngân hàng để vay vốn, do cần tiền gấp nên anh Nghĩa hối thúc phía ngân hàng làm thủ tục vay nhanh, giải ngân sớm. Ngân hàng yêu cầu anh Nghĩa cung cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của anh.
Nhận được yêu cầu trên, anh Nghĩa đến UBND P.Cô Giang, Q.1 xin xác nhận. Xem qua sổ hộ khẩu, phường yêu cầu anh phải về P.2, Q.10 và cả P.13, Q.Phú Nhuận xác nhận tình trạng độc thân từ lúc 18 tuổi đến nay. Cứ thế, vòng vèo qua 3 quận gần 2 tuần anh mới nhận được giấy chứng nhận… chưa vợ.
Anh Nghĩa than thở: “Tại sao khi chuyển hộ khẩu cho công dân từ nơi này sang nơi khác, cơ quan công an không buộc người chuyển khẩu đi xác nhận tình trạng hôn nhân rồi ghi chú vào đó. Như vậy thì người dân chỉ cần đến nơi đăng ký hộ khẩu hiện tại để xác nhận độc thân, sẽ tiện và nhanh hơn nhiều. Nếu ai đó chuyển hộ khẩu qua nhiều tỉnh thành khác nhau, thậm chí nhiều nước khác nhau thì thật khốn khổ”.
Không thể chứng được
Mệt mỏi hơn anh Nghĩa là trường hợp của bà Tăng Tố Hào (Q.5, TP.HCM). Hộ khẩu bà Hào ở chung cư Chợ Quán, P.1, Q.5 từ năm 1991. Trước đó, bà Hào có hộ khẩu ở P.11, Q.Tân Bình. Trong sổ hộ khẩu của bà Hào hiện chỉ có một mình bà là chủ hộ.
Năm 2017, bà Hào mua căn hộ ở khu dân cư Ehome 3 trên đường Hồ Học Lãm, Q.Bình Tân do Công ty cổ phần địa ốc Nam Long làm chủ đầu tư. Thời điểm mua nhà, bà Hào nộp giấy chứng nhận độc thân do UBND P.1, Q.5 ký xác nhận cho Nam Long. Tưởng là xong thì mới đây, khi Nam Long thực hiện thủ tục cấp sổ hồng căn hộ cho bà thì nhân viên thụ lý hồ sơ lại yêu cầu nộp giấy xác nhận độc thân từ lúc bà 18 tuổi đến nay.

Bà Hào bức xúc: “Khi mua nhà tôi độc thân, rõ ràng trong hợp đồng mua nhà có một mình tôi đứng tên thì căn nhà đó là tài sản riêng của tôi. Nay cứ thế mà cấp sổ hồng, việc gì phải bắt tôi nộp giấy chứng nhận độc thân từ lúc tôi 18 tuổi đến nay?”.
Khi bà Hào quay về địa chỉ thường trú trước đó là P.11, Q.Tân Bình để xin xác nhận độc thân thì nơi đây báo không còn quản lý hộ khẩu của bà từ lâu. Đến đây bà Hào rơi vào bế tắc.
Chỉ nên xác nhận ở địa chỉ hiện tại
Thạc sĩ - luật sư Nguyễn Tiến Mạnh, Đoàn luật sư TP.HCM, phân tích: “Việc xác nhận tình trạng hôn nhân khi mua bán, chuyển nhượng, thế chấp nhà đất, tài sản có đăng ký quyền sở hữu là bắt buộc. Đây chỉ là thủ tục hành chính. Thủ tục này nhằm giúp cơ quan chức năng tránh hoặc hạn chế xảy ra tranh chấp tài sản chung - riêng của vợ chồng, tẩu tán tài sản…
Theo quy định tại luật Hộ tịch, Nghị định 123/2015 và Thông tư 15/2015 thì công dân xác nhận tình trạng hôn nhân ở địa phương từng đăng ký hộ khẩu thường trú. Tuy nhiên, thực tế phát sinh tình trạng nhiều người sống ở nhiều địa phương khác nhau nên buộc phải xác nhận độc thân ở tất cả các nơi đã từng đăng ký hộ khẩu (từ lúc 18 tuổi đến hiện tại). Điều này gây khó cho người dân, nhất là những người ở nhiều tỉnh thành, thậm chí từng sống ở nhiều nước”.
“Trước những khó khăn đó, cơ quan chức năng chỉ nên yêu cầu công dân xác nhận tình trạng hôn nhân ở địa phương đăng ký hộ khẩu thường trú cuối cùng. Những nơi đăng ký hộ khẩu trước đó người dân tự cam đoan về tình trạng hôn nhân và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Không nên buộc người dân phải chạy lòng vòng như vậy, quá nhiêu khê, thậm chí không thể thành hiện thực như trường hợp của bà Tăng Tố Hào mà báo nêu”, luật sư Mạnh đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.