Meta từ chối tham gia Hiệp ước về an toàn AI của EU

Khải Minh
Khải Minh
26/09/2024 09:13 GMT+7

Thay vì ký Hiệp ước an toàn AI của EU, Meta lựa chọn tập trung tuân thủ Đạo luật AI, dự kiến sẽ là khung pháp lý quan trọng cho AI vào năm 2026.

Theo thông tin từ Bloomberg, Meta đang từ chối tham gia Hiệp ước về an toàn AI (AI Pact) của Liên minh châu Âu (EU), một sáng kiến tự nguyện khuyến khích các công ty công nghệ tuân thủ sớm các quy định về trí tuệ nhân tạo (AI). Thay vào đó, Meta cho biết họ đang ưu tiên tuân thủ Đạo luật AI (AI Act), dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 8.2026. Mặc dù Meta có thể xem xét tham gia hiệp ước này sau, hiện tại họ muốn tập trung vào việc tuân thủ các quy định pháp lý chính thức.

Hiệp ước về an toàn AI không ràng buộc về pháp lý, nhưng nó giúp các công ty chuẩn bị cho Luật AI sắp tới. Hiệp ước kêu gọi các doanh nghiệp AI tự nguyện tuân thủ các quy định như đánh giá rủi ro khi sử dụng AI trong những lĩnh vực "nguy cơ cao" như giáo dục, lao động, hoặc giám sát an ninh. Tham gia hiệp ước giúp các công ty chứng minh cam kết phát triển AI an toàn và có trách nhiệm, song Meta đã chọn ưu tiên khác.

Meta từ chối tham gia Hiệp ước về an toàn AI của EU- Ảnh 1.

Sở hữu nhiều nền tảng nổi bật như Facebook, Instagram và WhatsApp, Meta đang gặp nhiều thách thức khi phát triển sản phẩm AI tại khu vực châu Âu

ẢNH: CHỤP MÀN HÌNH

Nhiều tập đoàn lớn như MicrosoftAlphabet (công ty mẹ của Google) đã ký kết hiệp ước này. Tuy nhiên, Meta quyết định tập trung vào việc tuân thủ các quy định của Đạo luật AI. Theo Meta, công ty muốn đảm bảo đáp ứng các yêu cầu pháp lý trước khi nghĩ đến các sáng kiến tự nguyện. Sự khác biệt của Meta có thể xuất phát từ mô hình AI mã nguồn mở Llama, cho phép người dùng phát triển lại mô hình mà không cần nhiều kiểm soát từ nhà phát triển. Điều này có thể tạo ra những thách thức trong việc tuân thủ các yêu cầu nghiêm ngặt về đánh giá và quản lý rủi ro theo Đạo luật AI.

Ngoài Meta, startup AI mã nguồn mở Mistral của Pháp cũng từ chối ký Hiệp ước về an toàn AI. Điều này cho thấy không phải tất cả công ty công nghệ đều sẵn sàng tham gia các sáng kiến tự nguyện, ngay cả khi chúng được xem là hữu ích để chuẩn bị cho các quy định mới.

EU đang cố gắng thiết lập tiêu chuẩn quản lý AI mà không làm cản trở sự đổi mới. Hiệp ước này giúp các công ty giảm thiểu nguy cơ xung đột với EU và xây dựng lòng tin với khách hàng, nhà đầu tư cũng như cơ quan quản lý. Ngược lại, những công ty không tham gia có thể phải đối mặt với áp lực từ cộng đồng và có nguy cơ bị chỉ trích.

Meta trước đó cũng đã hoãn ra mắt các mô hình AI mới tại châu Âu do môi trường pháp lý khó lường, cho thấy công ty đang gặp nhiều thách thức khi phát triển AI tại khu vực này.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.