Đã đến lúc phải có câu trả lời rõ ràng, xác tín để các tín đồ của mì gói yên tâm với món khoái khẩu của mình.
Oan cho gói mì
Trên một cổng thông tin tư vấn sức khỏe, người tiêu dùng Châu Ngọc Minh (Quảng Ngãi) hỏi bác sĩ: “Gần đây có một số tin đồn ăn mì gói nhiều sẽ gây ung thư, không biết thực hư thế nào?”. Bác sĩ Lương Lễ Hoàng cho rằng, từ chất có thể gây ung thư cho đến chất gây ung thư có khoảng cách rất xa. Bệnh có hình thành hay không tùy thuộc nhiều yếu tố như cơ tạng, sức đề kháng, trạng thái tinh thần. Vị bác sĩ này đặt vấn đề: “Lo chi chuyện có chất gây sinh ung thư trong mì gói, cả tỉ người trên khắp năm châu này đã, đang và sẽ tiếp tục dùng vì hữu ích tiện dụng. Đặt ngược vấn đề không ăn mì gói có bị ung thư không?”.
Đồng quan điểm, bác sĩ Trần Văn Ký, chuyên gia thực phẩm, Hội An toàn thực phẩm VN, băn khoăn không rõ tin đồn ăn mì ăn liền độc hại có từ đâu, nhưng thỉnh thoảng thấy bài báo nói về vấn đề đó rất thiếu khoa học và thiếu căn cứ. “Có thông tin bảo ăn mì ăn liền bị tim mạch, thận, ung thư… nhưng không có bất cứ chứng cứ khoa học nào. Tôi cũng chưa thấy có nghiên cứu nào nói rõ mà đa số từ suy luận của người dùng. Nguyên nhân có thể xuất phát từ việc nhiều người nghĩ sản phẩm chứa chất bảo quản, chất phụ gia nên độc hại. Nhưng người tiêu dùng cần hiểu rõ các chất phụ gia được phép đưa vào trong sản xuất thực phẩm thì hàm lượng và tiêu chuẩn luôn nằm trong sự cho phép của Bộ Y tế. Vấn đề là nhà sản xuất tuân thủ quy định như thế nào và sử dụng công nghệ gì để làm ra sản phẩm đó, mới quan trọng. Việc kiểm soát chất lượng nguyên liệu đầu vào ở các công ty lớn và thương hiệu có uy tín cũng rất chặt chẽ, đảm bảo tất cả những yêu cầu tuyệt đối an toàn thực phẩm theo quy định”, bác sĩ Trần Văn Ký nêu quan điểm.
Quan trọng là công nghệ sản xuất
Với tin đồn ăn nhiều mì gói bị ung thư, chuyên gia thực phẩm Vũ Thế Thành nói ngay: “Nhảm nhí!”. Thực tế, thành phần chính của mì ăn liền là bột lúa mì, dầu ăn, gia vị tiêu hành ớt tỏi... "Vậy chất nào trong đó gây ung thư?", vị chuyên gia này đặt câu hỏi và phân tích. Ông cũng cho biết, có dạo truyền thông trong nước dịch từ bài báo của Indonesia hay Malaysia gì đó, cho rằng trong mì gói có chất propylen glycol, rồi suy diễn là chất này làm suy yếu hệ miễn dịch rồi tưởng tượng xa hơn nữa thành gây ung thư. “Thực tế, propylen glycol là chất chống ẩm, được phép dùng trong thực phẩm. Nhưng xài chất này thì xa xưa rồi, công nghệ mới bây giờ không cần nữa. Trong quá trình chiên mì gói, độ ẩm đã bị loại xuống còn khoảng dưới 3% rồi, và với cách đóng gói hiện nay dư sức giữ ẩm mà không cần xài propylen glycol”, ông Vũ Thế Thành nhấn mạnh.
Nếu chỉ về lượng chất bị suy diễn là gây ung thư (nếu có), theo chuyên gia y tế, mối nguy hại từ lượng khói thuốc lá nơi công cộng, khói xăng dầu từ xe cộ, chất thải công nghệ vô tội vạ có trong nguồn nước... có nguy cơ cao hơn nhiều.
Liên quan đến một số thắc mắc, việc mì ăn liền dùng dầu cũ khi chiên không tốt cho người sử dụng, bác sĩ Trần Văn Ký cho biết, dầu chiên và quá trình chiên hiện nay được các công ty mì ăn liền uy tín kiểm soát chặt chẽ. Đầu tiên phải kể tới việc dùng dầu thực vật dạng rắn (dầu cọ) được sản xuất bằng phương pháp làm lạnh tự nhiên, với ưu điểm hạn chế tối đa thành phần chất béo không tốt (chất béo không bão hòa) và không dễ bị biến chất trong quá trình chiên nên sản phẩm có thể nói gần như không gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Tại nhà máy của Acecook Việt Nam, trong một lần tham quan nhà máy, chúng tôi được giải thích, dầu chiên được làm nóng gián tiếp bằng hơi nước và áp suất, nhờ đó dầu được đun nóng đến khoảng 1600C - 1650C trước khi đưa vào hệ thống chảo kín để chiên mì. Hệ thống chiên hoàn toàn được điều khiển tự động để luôn duy trì nhiệt độ của dầu trong chảo ổn định ở mức khoảng 1600C - 1650C. Vì vậy, không xuất hiện quá trình Acrolein (hình thành do sự phân hủy của glycerin ở nhiệt độ trên 1800C), một trong những nguyên nhân gây ung thư trong quá trình chiên thực phẩm.
Đồng thời, trong quá trình chiên, mỗi lượt mì đi qua chảo chiên chỉ mất khoảng 2,5 phút và làm hao hụt một lượng dầu nhất định. Do đó, dầu mới sẽ được bổ sung một cách đều đặn, liên tục thông qua hệ thống định lượng tự động, không có khái niệm dầu cũ. Đồng thời, dầu luôn được kiểm soát chỉ số ô xy hóa theo TCVN và Codex để đảm bảo nằm trong giới hạn chất lượng cho phép (≤ 2 mg KOH/gram dầu).
Bình luận (0)