Miền Bắc mưa lớn, 5 người chết và mất tích ở Hà Giang

Đình Huy
Đình Huy
30/09/2024 05:55 GMT+7

Mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất tại Hà Giang làm 2 người chết, 3 người mất tích và 6 người bị thương.

Sạt lở QL2, 3 người chết và mất tích

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang, từ đêm 28 đến ngày 29.9 trên địa bàn tỉnh này có một số nơi đã xảy ra mưa to đến rất to. Mưa lớn gây lũ quét, sạt lở đất khiến 2 người chết là bà Tạ Thị H. (53 tuổi, trú thôn Nậm Buông, xã Việt Vinh) và cháu Mai Thị Ch. (9 tuổi, trú thôn Bản Buốt, xã Đồng Tâm, H.Bắc Quang); 3 người mất tích do lũ cuốn trôi và sạt lở đất; 6 người bị thương.

Miền Bắc mưa lớn, 5 người chết và mất tích ở Hà Giang- Ảnh 1.

Lực lượng chức năng tìm được 1 nạn nhân tử vong trong đống đổ nát tại vụ sạt lở đất trên QL2

ẢNH: CACC

Ngoài ra, có 9 nhà sập hoàn toàn, 30 căn khác bị hư hỏng; 24,05 ha lúa bị hư hỏng; 128 con gia súc, gia cầm bị chết, 4,15 ha thủy sản mất trắng.

Tính riêng vụ sạt lở tại Km49, QL2, đoạn đi qua xã Việt Vinh (H.Bắc Quang, tỉnh Hà Giang), đã khiến 1 người chết, 2 người mất tích.

Kinh hoàng quả đồi đổ sập, vùi lấp nhà cửa vì sạt lở ở Hà Giang

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang đã huy động 5 máy xúc cỡ lớn, 1 máy xúc lật và 8 ô tô tải đến hiện trường để san gạt, vận chuyển đất đá, tìm kiếm các nạn nhân mất tích còn lại.

Trước đó, khoảng 8 giờ 30 cùng ngày, tại Km51, QL2, đoạn đi qua xã Việt Vinh xảy ra vụ sạt lở ta luy dương với chiều dài khoảng 300 m, khối lượng đất đá sạt lở khoảng trên 3.000 m3, làm đổ sập 3 ngôi nhà, 5 xe bị vùi lấp, giao thông ách tắc.

Tại thời điểm xảy ra vụ sạt lở, có nhiều phương tiện và người dân đang di chuyển trên đường. Lực lượng chức năng đề nghị người dân có người thân di chuyển qua hiện trường vào thời điểm đó, hiện chưa liên lạc được hoặc mất tích, thì báo ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH (số điện thoại 114) hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất.

Vùng áp thấp trên Biển Đông nối với bão Krathon gây gió giật cấp 10

Không khí lạnh tràn về miền Bắc, Biển Đông gió giật cấp 10

Hiện nay đang có một bộ phận không khí lạnh di chuyển xuống miền Bắc. Dự báo, khoảng gần sáng và ngày 1.10, không khí lạnh sẽ ảnh hưởng đến khu vực Đông Bắc bộ, sau đó ảnh hưởng đến hầu hết khu vực Tây Bắc bộ, Bắc Trung bộ và một số nơi ở Trung Trung bộ. Gió chuyển hướng đông bắc trong đất liền cấp 3, vùng ven biển cấp 4 - cấp 5.

Trong đợt không khí lạnh này, ở khu vực miền Bắc và phía bắc miền Trung trời chuyển mát; đêm và sáng sớm trời lạnh, riêng vùng núi trời rét. Nhiệt độ thấp nhất ở miền Bắc và Thanh Hóa phổ biến từ 19 - 22 độ C, vùng núi 17 - 19 độ C, vùng núi cao có nơi dưới 16 độ C; ở Nghệ An - Hà Tĩnh nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 20 - 23 độ C.

Từ trưa 1.10, ở vịnh Bắc bộ, gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7 - cấp 8; biển động; sóng biển cao từ 1,5 - 2,5 m. Ngoài ra, từ chiều tối và đêm 29 - 30.9, ở khu vực Bắc bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và giông với lượng mưa phổ biến 40 - 120 mm, có nơi trên 200 mm.

Cùng ngày, rãnh áp thấp có trục ở khoảng 19 - 22 độ vĩ bắc trên Biển Đông nối với cơn bão Krathon (phía đông Philippines) lúc 13 giờ có vị trí ở vào khoảng 19,4 độ vĩ bắc, 123,9 độ kinh đông. Trong 24 giờ tới, bão Krathon di chuyển chậm theo hướng tây tây bắc hướng về phía nam đảo Đài Loan.

Trong khi đó, từ đêm 29 - 30.9, phía đông của khu vực bắc Biển Đông (từ kinh tuyến 117 - 120 độ kinh đông) có gió mạnh dần lên cấp 6, phía bắc cấp 7, giật cấp 9 - cấp 10. Biển động mạnh. Sóng cao 3 - 5 m. Ngoài ra, ở vùng biển phía đông của khu vực bắc Biển Đông có mưa rào và giông mạnh. Trong mưa giông có khả năng xảy ra lốc xoáy.

Cảnh báo đêm 30.9 - 1.10 phía đông của khu vực bắc Biển Đông (từ kinh tuyến 116 - 120 độ kinh đông) có gió mạnh cấp 6 - cấp 7, giật cấp 9; riêng phía đông kinh tuyến 118,5 có gió mạnh cấp 8 - cấp 10, giật cấp 12. Biển động rất mạnh. Sóng biển cao từ 4 - 6 m. Từ trưa 1.10, trên khu vực vịnh Bắc bộ gió đông bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7 - cấp 8; biển động. Sóng biển cao từ 1,5 - 2,5 m.

Để chủ động ứng phó gió mạnh, sóng lớn trên biển, Bộ NN-PTNT có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh - Bình Định. Theo đó, Bộ yêu cầu những địa phương này theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo diễn biến gió mạnh, sóng lớn và mưa giông trên biển; thông báo cho thuyền trưởng, chủ phương tiện, tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh, không đi vào khu vực nguy hiểm nêu trên và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.