Minh bạch, bình đẳng cho người nghèo

22/11/2022 08:15 GMT+7

Theo các chuyên gia, dự thảo mới ngoài minh bạch cách tính khung giá trần; không nên để chênh lệch giá quá cao, cần phải tính toán đảm bảo công bằng với người nghèo.

Theo khảo sát của Thanh Niên trước khi dự thảo được đưa ra, trong cùng một bệnh viện (BV) công đặc biệt (hoặc hạng 1), người bệnh khám thanh toán BHYT hoặc ngoài BHYT là 37.000 đồng/lần thì giá theo yêu cầu dao động từ 150.000 - 200.000 đồng. Tương tự, giá tối đa ngày là 232.000 đồng/phòng/giường thì giá theo yêu cầu là 2 triệu đồng… Chênh lệch là điều dễ hiểu vì một giá là BHYT, khám thông thường và một giá là khám theo yêu cầu. Tuy nhiên, với mức chênh lệch quá lớn, cao gấp vài lần như vậy xảy ra ngay trong BV công liệu rằng có đảm bảo được công bằng cho người nghèo, người thu nhập thấp ? Bên cạnh đó, so với giá hiện nay thì giá giường nằm đề xuất trong dự thảo mới đối với BV công đặc biệt (hoặc hạng 1) cao hơn khoảng 1 triệu đồng.

Trao đổi với Thanh Niên, ông Nguyễn Hoàng Mai, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Quốc hội, cho rằng trước khi đánh giá mức giá khám chữa bệnhBộ Y tế đưa ra là cao hay thấp thì phải coi đây là một bài toán rất cụ thể. Tức là phải làm rõ với mức giá dự kiến như vậy thì cơ cấu tính giá bao gồm những yếu tố gì. Bởi lẽ, nguyên tắc của việc tính giá là phải đảm bảo bù đắp đủ các chi phí cấu thành giá. Lâu nay, chúng ta vẫn quen tính dưới mức chi phí. Trong khi đó, mỗi BV lại có một cách tính khác nhau, cho nên hiện nay Bộ Y tế mới có hướng dẫn xây dựng giá khám chữa bệnh theo yêu cầu để thống nhất cái khung, còn các BV tự quyết định mức giá dựa trên chi phí trong khung đó.

ĐỒ HỌA: ĐÔNG XUÂN DU

Tuy nhiên, theo ông Mai, trong hoạt động khám chữa bệnh hiện nay, việc khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các BV công lập ngoài mặt tích cực thì cũng có nhiều mặt “chưa được công bằng”. Cụ thể, việc tổ chức khám chữa bệnh theo yêu cầu với mức giá riêng đang tạo ra tình trạng “2 giá” trong cùng một BV. Điều này sẽ tạo ra tình trạng bất công trong tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh ngay trong các BV nhà nước. Bên cạnh đó, trong trường hợp việc phòng bệnh dùng cho khám chữa bệnh theo yêu cầu lại sử dụng đúng phòng khám chữa bệnh bình thường thì chắc chắn là sẽ thu hẹp quyền lợi của người bệnh.

Ông Mai cũng cho hay luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đang được Quốc hội xem xét dự kiến sẽ quy định rõ giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh sẽ được tính đúng, tính đủ các yếu tố cấu thành giá, tức các chi phí cho hoạt động khám chữa bệnh. Theo đó, nhà nước sẽ chỉ định giá và là giá khung (giá trần) chung cho các BV công lập. Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ quy định cụ thể đối với các cơ sở thuộc quyền quản lý. Đây sẽ là giá cho các dịch vụ khám chữa bệnh như chăm sóc, giường bệnh, thuốc, thiết bị máy móc… Còn phần “theo yêu cầu” sắp tới chỉ là những dịch vụ “phi y tế”, còn các dịch vụ kỹ thuật y tế trong khám chữa bệnh thì mọi người bệnh đều được tiếp cận như nhau và trên cơ sở một khung giá chung, tránh tình trạng “2 giá” như hiện nay.

“Bài toán của giá dịch vụ khám chữa bệnh chính là tính đúng, tính đủ các chi phí. Còn mức thanh toán của BHYT bao nhiêu, mức chi trả của người dân là bao nhiêu lại là một bài toán khác. Tất nhiên, đây là các mặt có liên quan chặt chẽ với nhau song phải nhìn nhận rõ. Tính đúng, tính đủ là cần thiết và nhà nước bù được bao nhiêu. Chứ chúng ta không thể bắt các BV phải tự gồng mình để chịu được. Và khi tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh được rồi thì khám chữa bệnh theo yêu cầu hiện nay cũng sẽ tự tiêu đi thôi”, ông Mai nói.

Tuy nhiên, ông Mai cũng lưu ý theo dự kiến thì các điều khoản liên quan tới giá dịch vụ khám chữa bệnh nếu được Quốc hội thông qua sẽ có hiệu lực từ năm 2027. “Vẫn cần một khoảng thời gian, lộ trình để các cơ quan quản lý đánh giá tác động để có thể tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh. Đây là một bài toán rất lớn. Ngoài ra, các cơ sở khám chữa bệnh cũng có thời gian tổ chức thực hiện. Vì hiện có nhiều đề án liên doanh, liên kết đã thành lập và hoạt động rồi thì cũng phải hoạt động cho tới hết thời gian của đề án”, ông Mai nói và cho biết đây cũng là lý do mà Bộ Y tế vẫn ban hành hướng dẫn xây dựng bảng giá khám chữa bệnh theo yêu cầu tại các BV công lập.

Cũng đồng tình với nguyên tắc giá dịch vụ khám chữa bệnh phải được tính đúng, tính đủ trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật, GS Hoàng Văn Cường, đại biểu Quốc hội TP.Hà Nội, cho rằng mức giá dịch vụ khám chữa bệnh chỉ khác nhau dành cho các đối tượng có sự lựa chọn khác nhau về điều kiện phục vụ đi kèm cũng như khác nhau về việc lựa chọn các thuốc, thiết bị y tế có nguồn gốc xuất xứ khác nhau. “Định mức kinh tế kỹ thuật khám, chữa bệnh của từng BV phải đảm bảo mọi bệnh nhân đều được tiếp cận bình đẳng như nhau trong tiếp cận phác đồ điều trị cũng như đội ngũ y, bác sĩ”, ông Cường nêu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.