Mô hình chính quyền đô thị Đà Nẵng - Kỳ 1: Phù hợp với đô thị nhỏ gọn

Hoàng Sơn
Hoàng Sơn
05/05/2020 11:39 GMT+7

Nhiều người dân quan tâm khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị, TP. Đà Nẵng sẽ được hưởng những cơ chế, sự thuận lợi gì từ mô hình này.

Thí điểm mô hình chính quyền đô thị là một trong 4 nhóm chính sách đặc thù mà TP.Đà Nẵng vừa đề xuất, đề nghị được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 9 sắp tới.
Trong tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tại phiên họp 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 24.4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dự thảo nghị quyết quy định cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại Đà Nẵng.

Mô hình chính quyền đô thị 1 cấp

Theo mô hình này, ở khu vực đô thị sẽ thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị 1 cấp tại Đà Nẵng, gồm HĐND và UBND. Tại các quận và phường không tổ chức cấp chính quyền địa phương mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND.
Ở khu vực nông thôn vẫn tiếp tục giữ mô hình chính quyền 3 cấp, gồm HĐND và UBND tại TP, H.Hòa Vang và các xã trực thuộc. Riêng mô hình quản lý hành chính, lãnh thổ H.Hoàng Sa vẫn giữa nguyên như hiện nay cho đến khi T.Ư có chủ trương, quy định mới.

Thí điểm mô hình chính quyền đô thị 1 cấp tại Đà Nẵng sẽ gồm HĐND và UBND ở cấp TP

Ảnh: Hoàng Sơn

Đà Nẵng kiến nghị sẽ thí điểm không tổ chức HĐND quận, phường bắt đầu từ nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Theo lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND TP, về cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP.Đà Nẵng là phù hợp với Nghị quyết Hội nghị T.Ư 6 (khóa 12), Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24.1.2019 của Bộ Chính trị, Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và thực tiễn phát triển, quá trình đô thị hóa, hội nhập của TP.

Trước đó, vào năm 2019, Đà Nẵng đã tổ chức lấy ý kiến về phương án đã nêu cùng phương án 2 là xây dựng mô hình tổ chức 2 cấp chính quyền (cấp TP và cấp quận, huyện) và 1 cấp hành chính (áp dụng đối với phường).

Đây là mô hình thí điểm đã được Bộ Chính trị cho phép Hà Nội thực hiện theo kết luận số 46-KL/TW ngày 19.4.2019.

Hiện Đà Nẵng là đô thị loại 1 trực thuộc T.Ư có 8 quận, huyện (bao gồm H.Hoàng Sa) và 56 phường, xã. Tổng dân số TP là hơn 1,13 triệu người (dân số thành thị gần 990.000 người).

Thí điểm mô hình chính quyền đô thị là 1 trong 4 nhóm chính sách đặc thù mà Đà Nẵng vừa đề xuất, đề nghị được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 9 sắp tới

Ảnh: Hoàng Sơn

Tại hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng diễn ra vào 
tháng 1 vừa qua, UBND TP.Đà Nẵng cho biết, TP đang gặp nhiều khó khăn, bất cập trong việc phân định quyền hạn, nhiệm vụ, phương thức quản lý bộ máy… Phân cấp trên một số lĩnh vực chưa phù hợp với từng đối tượng, đặc thù về quản lý đô thị…

Mô hình có ưu điểm gì?

Phát biểu tại hội thảo này, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ, cho rằng việc đề xuất thí điểm mô hình chính quyền đô thị là yêu cầu phù hợp với thực tiễn, nhằm bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả với đặc điểm tính chất của đô thị và khu vực nông thôn đang đô thị hóa như Đà Nẵng.

Sở dĩ mô hình 1 cấp chính quyền địa phương (cấp TP) và 2 cấp hành chính (quận, phường) được lựa chọn, theo lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND TP.Đà Nẵng là vì có nhiều ưu điểm.

Với quy mô nhỏ, gọn, Đà Nẵng đề xuất T.Ư cho phép được thí điểm chính quyền đô thị 1 cấp chính quyền, 2 cấp hành chính

Ảnh: Hoàng Sơn

Cụ thể, về tổ chức bộ máy, chính quyền đô thị TP.Đà Nẵng được T.Ư (Chính phủ, các bộ, ngành) phân cấp, ủy quyền hợp lý nhằm tạo điều kiện phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo, nhanh nhạy, đồng thời đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị. Các cơ quan chuyên môn trực thuộc được sắp xếp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả…
Về đội ngũ cán bộ công chức, với mô hình mới, cơ chế vận hành mới theo hướng tập trung và thống nhất, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm giải trình.
Bộ máy chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức sẽ hình thành phương thức quản lý và cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp, kiểm soát chặt chẽ hơn quá trình thi hành công vụ thông qua các công cụ quản lý và đi cùng với đó là cơ chế giám sát mới hiệu quả hơn sẽ được hình thành. Chức năng, nhiệm vụ của UBND quận, phường cũng sẽ được tăng cường hơn…

HĐND TP.Đà Nẵng cho rằng, chính quyền đô thị góp phần tích cực vào cải thiện môi trường đầu tư

Ảnh: Hoàng Sơn

Mô hình này cũng phù hợp với đặc điểm, tính chất của quản lý đô thị trên địa bàn có phạm vi quản lý nhỏ, gọn như TP.Đà Nẵng. Chính quyền đô thị góp phần tích cực vào việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển và hội nhập.
Bên cạnh đó, mô hình chính quyền đô thị còn giúp Đà Nẵng thực hiện tinh giản biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước; cải cách thủ tục hành chính về công tác cán bộ… (còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.