Hà Nội thí điểm mô hình chính quyền đô thị: Thêm quyền, liệu có tăng hiệu quả ?

Vũ Hân
Vũ Hân
18/11/2019 06:26 GMT+7

Dự thảo đề án Chính quyền đô thị được Hà Nội trình Bộ Chính trị dài hơn 120 trang, chưa kể phụ lục, theo đó Hà Nội 'xin' thêm nhiều thẩm quyền, chính xác là 22 nội dung.

Rất tình cờ, thời điểm Hà Nội trình Quốc hội xem xét việc không tổ chức HĐND cấp phường - một phần của đề án Chính quyền đô thị nhằm thí điểm một tổ chức bộ máy mới phù hợp hơn với đô thị hiện tại, thì sự cố cháy Nhà máy Rạng Đông và khủng hoảng nước sạch xảy ra.
Hai sự cố này gây hậu quả nghiêm trọng về uy tín của chính quyền, cho thấy tổ chức chính quyền hiện nay thực sự cần phải thay đổi.

Hà Nội “xin” 22 thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ

Dự thảo đề án Chính quyền đô thị được Hà Nội trình Bộ Chính trị dài hơn 120 trang, chưa kể phụ lục, theo đó Hà Nội “xin” thêm nhiều thẩm quyền, chính xác là 22 nội dung trong các lĩnh vực: tài chính - ngân sách; kế hoạch - đầu tư; xây dựng - quy hoạch đô thị; nông nghiệp - tài nguyên môi trường; tư pháp và tổ chức bộ máy - cán bộ - công chức - viên chức. Trong số này, có 13 nội dung thuộc thẩm quyền Quốc hội (QH), 7 nội dung thuộc thẩm quyền Chính phủ và 2 nội dung thuộc thẩm quyền bộ, ngành.
Nếu được thông qua, HĐND TP.Hà Nội sẽ có thêm thẩm quyền ban hành các loại phí, quyết định tỷ lệ thu phí, quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A, quyết định mức lương cho cán bộ, công chức và biệt đãi nhân tài. Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng được phép chỉ định thầu, quyết định hình thức đấu thầu để thực hiện các dự án PPP. UBND TP được cấp phép xây dựng toàn bộ công trình do TP quyết định chủ trương đầu tư; tự tổ chức thẩm định, phê duyệt chấp thuận chủ trương dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy mô từ 2.500 căn trở lên; quyết định việc giao tổ chức lập, phê duyệt các quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng, tổng mặt bằng và phương án kiến trúc (bao gồm cả lập mới và điều chỉnh) trong phạm vi địa giới hành chính TP.
Hà Nội cũng đề nghị được để lại 45% thu ngân sách trong 5 năm (hiện được để lại 35%), được để lại 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản gắn liền với đất…
Ngoài nâng thẩm quyền, Hà Nội muốn bỏ HĐND cấp phường và cho rằng với cách tổ chức này, các cơ quan chuyên môn được sắp xếp lại và giảm bớt; đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giữa các cơ quan T.Ư và chính quyền TP, qua đó nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền. Do vậy, “hiệu lực và hiệu quả quản lý của bộ máy chính quyền thành phố được nâng cao, không chỉ trong quản lý đô thị hiện đại, phát triển mà còn đảm bảo cả trong những tình huống khẩn cấp, khó khăn như hỏa hoạn, thiên tai, dịch bệnh...”.

“Cắt HĐND phường chưa giải quyết được”

Lý giải về lý do Hà Nội xin thêm nhiều thẩm quyền, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, thẩm quyền đó sẽ gắn với trách nhiệm. Một vị lãnh đạo địa phương khác cũng đồng tình với quan điểm này. “Bây giờ rất khó xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Nếu tôi có quyền đề xuất, tiến cử cán bộ và tôi chịu trách nhiệm trước cấp trên, trước nhân dân về việc đó thì nó sẽ khác”, vị này nói.
Trao đổi với Thanh Niên bên lề kỳ họp QH, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, cho biết: “Từ nhiệm kỳ trước, TP.HCM đã xây dựng một đề án rất hoàn chỉnh, đã trình tới Bộ Chính trị rồi, nhưng Bộ Chính trị nói lúc đó chưa phải thời điểm. Chúng tôi đã đi học rất nhiều mô hình, để có bước chuẩn bị hoàn chỉnh cho một thể chế chính quyền đô thị dựa trên 3 trụ cột: đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế tài chính, và cơ chế cán bộ”.
Lúc đó, theo bà Tâm, TP.HCM muốn làm chính quyền 1 cấp cho đến phường, với mục tiêu là giảm chính quyền cấp quận, với lý do đó là cấp trung gian. “Thủ tục hành chính chủ yếu nằm ở cấp quận, còn cấp phường rất ít, nên TP.HCM xin tổ chức ủy ban hành chính tại quận như một bộ phận giải quyết thủ tục hành chính của TP, giải quyết và chịu trách nhiệm luôn. Còn tổ chức chính quyền ở cấp phường, thì TP muốn tự quản, nghĩa là HĐND ở đó quyết những gì mà nhân dân ở đó muốn, những vấn đề bức xúc chỉ có địa bàn đó có; chứ không phải quyết lại chuyện kinh phí, đầu tư, xây dựng cơ bản… mà HĐND TP đã làm”, bà Tâm cho biết thêm.
Theo mô hình này, người tham gia HĐND cấp phường không nhất thiết phải là công chức, phải biên chế, mà là những người có thời gian, có năng lực, được cộng đồng bầu lên. Còn chính quyền TP thì tránh được tầng nấc trung gian phiền hà cho dân, bớt lãng phí nguồn lực tổ chức bộ máy.
Và điều quan trọng hơn cả, theo bà Tâm, là thẩm quyền, trách nhiệm phải rõ. “Tôi cho rằng, vụ cháy Rạng Đông, sự cố nước sạch không chỉ là câu chuyện của Hà Nội, mà là một kinh nghiệm rất thực tiễn để thấy được bất cập trong tổ chức chính quyền. Người dân có nhu cầu chính đáng phải biết người chịu trách nhiệm là ai, chứ không phải đến lúc có sự cố ai cũng bảo không phải việc của tôi, cơ quan tôi lực lượng mỏng không thể làm nổi. Cái mỏng đó là do chỗ nào cũng có bộ phận đó, nhưng không chỗ nào có đủ. Tổ chức thế này thì có muốn không trì trệ cũng không được”, bà Tâm bày tỏ.
Tuy nhiên, để có một chính quyền “trách nhiệm phải rõ” như mong muốn, thì theo bà Tâm, “cắt HĐND phường chưa giải quyết được”. “Dù vậy, quan điểm của tôi vẫn là cứ làm. Tất nhiên sẽ có cái hay và cái phải xem xét, nhưng phải làm mới biết sai đâu để sửa. Tôi mong muốn nên thí điểm cả cấp quận và cấp phường, và thí điểm ở nhiều địa phương hơn, nơi nào có điều kiện cứ cho làm có cơ sở tổng kết rút kinh nghiệm”, bà Tâm nói.
Không tổ chức HĐND phường tại Hà Nội giúp tiết kiệm khoảng 177 người là chủ tịch, phó chủ tịch HĐND phường chuyên trách; giảm chi phí cho hoạt động của đại biểu HĐND phường khoảng 188 tỉ đồng/năm.
Hà Nội sẽ tăng thu ngân sách 10% mỗi năm nếu tổ chức chính quyền đô thị
UBND TP.Hà Nội cho rằng, nếu triển khai mô hình này từ năm 2021, sẽ đảm bảo tăng thu ngân sách địa phương khoảng 10%/năm; tốc độ tăng trưởng kinh tế thủ đô trung bình giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn khoảng 1,0 - 1,5%/năm so với không áp dụng mô hình chính quyền đô thị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.