(TNO) Các chuyên gia Anh đã phát hiện thời gian chuyển từ vùng đất cư dân rải rác để trở thành một quốc gia có vua cai trị tại Ai Cập diễn ra nhanh hơn vẫn tưởng.
Sử dụng phương pháp xác định đồng vị carbon và các mô hình máy tính, họ cho rằng nhà cai trị đầu tiên của nền văn minh Ai Cập cổ đã lên nắm quyền khoảng năm 3100 trước CN, theo báo cáo đăng trên chuyên san Proceedings of the Royal Society A.
|
Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sĩ Michael Dee của Đại học Oxford đánh giá sự hình thành Ai Cập thuộc dạng độc nhất vô nhị trong thế giới cổ đại.
Ông cho hay Ai Cập cổ là một quốc gia có lãnh thổ; một nước được hình thành từ các biên giới đã được thiết lập, rất giống như các quốc gia ngày nay.
Cho đến nay, niên đại về những ngày đầu tiên của Ai Cập đều chỉ dựa trên những ước tính thô, do không có bất kỳ văn bản viết tay vào thời kỳ này.
Đến nay, các chuyên gia sử dụng kỹ thuật phân tích đồng vị để xác định niên đại của tóc, xương và thực vật, thông qua các chứng cứ khảo cổ học và mô hình nhằm đưa ra ước đoán đúng nhất về thời gian vương quốc cổ đại hình thành.
Các ghi chép trước đó cho rằng giai đoạn Tiền Triều đại, khi các nhóm dân bắt đầu định cư dọc theo sông Nile và khai thác đất đai, xảy ra vào năm 4000 trước CN.
Nhưng kết quả phân tích mới cho thấy giai đoạn này phải bắt đầu trễ hơn, vào giữa năm 3700 hoặc 3600 trước CN.
Chỉ vài trăm năm sau, vào khoảng 3100 trước CN, xã hội chuyển biến thành một thực thể dưới quyền cai trị của vua, tức ngắn hơn đến 300 hoặc 400 năm so với ước tính trước đây.
Các nhà khảo cổ học cho rằng vị vua đầu tiên của Ai Cập, Aha, đã lên nắm quyền sau khi một nhà lãnh đạo có ảnh hưởng khác là Narmer thống nhất vùng đất.
Nhóm chuyên gia cũng có thể sắp xếp thứ tự trị vì của 7 vị vua và nữ hoàng sau đó, bao gồm Djer, Djet, Merneith, Den, Anedjib, Semerkhet và Qa'a.
Phi Yến
>> Vua Ai Cập cổ đại "có nhà mới
>> Quan tài kiểu Matryoshka thời Ai Cập cổ
>> Giải mã bí ẩn mùa yêu của người Ai Cập cổ
>> Kỹ thuật rút não của người Ai Cập cổ
>> Hoàn tất từ điển về Ai Cập cổ
>> Công bố hơn 500 phát hiện khảo cổ học
Bình luận (0)