Địa phương rất lo
Sáng 25.5, Quốc hội thảo luận ở tổ về tình hình kinh tế - xã hội cuối năm 2021, những tháng đầu năm 2022 cũng như báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé phát biểu tại tổ sáng 25.5 |
gia hân |
Nêu ý kiến thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) bày tỏ lo lắng với vấn đề giải ngân vốn đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước vì đây là vấn đề “đã nói nhiều tại các kỳ họp trước nhưng Chính phủ chưa có giải pháp để tạo chuyển biến tích cực”.
Bà Bé phân tích, từ khi Quốc hội bấm nút thông qua kế hoạch đầu tư công cho tới lúc triển khai đến địa phương phải mất mấy tháng nên việc chậm giải ngân là đương nhiên. Bà Bé đề nghị Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo để phân bổ nguồn vốn kịp thời để các địa phương thực hiện.
Dẫn ngay gói kích thích phục hồi kinh tế lên tới 347.000 tỉ đồng được Quốc hội thông qua từ đầu năm 2022 nhưng việc triển khai tới nay rất chậm.
“Địa phương rất lo và lãnh đạo địa phương phản ánh nếu không triển khai sớm sẽ không kịp. Vì thời gian thực hiện gói hỗ trợ này chỉ đến năm 2023. Hiện nay, địa phương rất tâm tư, lo cho vấn đề này”, bà Bé nêu và đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm, sớm triển khai thực hiện.
Phát biểu sau đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh, vấn đề hiện nay mà cả Quốc hội lẫn Chính phủ quan tâm là “chi ngân sách vô cùng khó khăn”, “khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất thấp”.
“Cái này không biết là do cái gì?”
Chủ tịch Quốc hội cho biết, cả năm 2020 tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 78%, riêng giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt 32,85%. 4 tháng đầu năm 2022 chỉ giải ngân được hơn 18%, còn gói hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế thì “chưa giải ngân được đồng nào”.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu thảo luận tại tổ |
gia hân |
“Hôm qua Chính phủ mới gửi danh mục sang, nhưng mà danh mục nhưng chỉ có tên danh mục chứ không phải là loại đã chuẩn bị đầu tư xong. Đặc biệt 14.000 tỉ cho lĩnh vực y tế chưa có danh mục nào”, Chủ tịch Quốc hội thông tin.
Theo Chủ tịch Quốc hội, hiện nay, ngân sách thì có nhưng không dám mua. Ngay cả mua sắm liên quan phòng, chống dịch, Quốc hội rồi Chính phủ đã có nghị quyết cho mua theo cơ chế đặc thù, đặc cách, đặc biệt nhưng một số nơi không dám mua, một số nơi mua thì sai phạm.
Hay chương trình "Sóng và máy tính cho em", lấy tiền từ Quỹ Viễn thông công ích nhưng đến giờ vẫn chưa mua đủ. Rồi Quỹ Khoa học - Công nghệ chỉ mấy doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước đã mười mấy ngàn tỉ đồng nhưng chỉ vì vướng một thông tư giữa Bộ KH-CN và Bộ Tài chính mà không tiêu được.
“Cái này không biết là do cái gì?”, Chủ tịch Quốc hội nêu và cho rằng, trong giai đoạn phục hồi kinh tế mà rơi vào tình trạng có tiền không tiêu được thì sẽ rất khó khăn.
Chủ tịch Quốc hội cũng nêu vấn đề: phải chăng khâu chuẩn bị đầu tư chưa tốt? Dẫn ví dụ ngân sách năm 2020 phải chuyển nguồn sang các năm sau 600.000 - 700.000 tỉ đồng, Chủ tịch Quốc hội cho biết đây là số tiền “không tiêu được” nên phải chuyển chứ không phải không có tiền.
“Muốn phân bổ phải chuẩn bị đầu tư xong, không phân bổ được có gì mà giải ngân”, Chủ tịch Quốc hội nói.
“Cũng có người nói cần có giải pháp mới cho những vấn đề đã cũ, kéo dài, trầm kha. Nhưng giải pháp mới là gì? Ta không bàn cái này thì Quốc hội họp xong, Chính phủ họp xong rồi vẫn cứ tắc”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, một số địa phương khi mua sắm thì mời cả cơ quan nội chính, thanh tra, công an vào ngồi hội đồng nhưng vẫn không mua được.
“Lạ thế! Mời như thế có khi chẳng hợp lý đâu. Bản thân chúng ta đều muốn cho minh bạch, rõ ràng nhưng vẫn cứ không mua sắm, chi tiêu được. Đây là cái hiện nay băn khoăn nhất”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, thể chế hiện nay không vướng gì, các chính sách đặc thù trong mua sắm rồi chỉ định thầu đều được "mở hết cỡ".
"Không còn cái gì mở được cả. Không chuyển biến được thì tôi cũng không hiểu", Chủ tịch Quốc hội nói và đề nghị các đại biểu Quốc hội góp ý, hiến kế về vấn đề này.
Bình luận (0)