Gần tết tới nơi mà còn xui, còn phải tốn bộn tiền vô chuyện không đâu. Thương thở dài, nghe cái thân mình nhũn như cọng bún mắc mưa. Ông già kia mắng “mắt mũi để đâu vậy?” cũng đáng đời mình lắm. May là lúc Thương với cái xe ngã lăn kềnh ra giữa đường thì Hoài trờ tới. Hoài thường xuất hiện những lúc không ngờ nhất như vậy. Mà nhắm ngay cái lúc Thương trở nên xấu xí đáng thương nhất lại xuất hiện. Lần này, dù có cà một bên mặt xuống đường, nhưng nhờ hai lớp khẩu trang dày nên mặt Thương vẫn lành lặn để ăn tết với người ta. Buổi chiều xe cộ đông đúc, Thương với xe máy văng ra gần giữa đường lớn mà hên sao không có cái xe lớn nào chạy tới. Chắc bà đỡ! Thương lẩm bẩm khi líu ríu theo Hoài đưa xe vô tiệm sửa.
Cái cầu bắc giữa con mương thoát nước ngang chừng một mét. Cái mương đó, sâu cỡ ba mét. Thương biết rõ bởi hồi trước lúc cả người cả xe rơi xuống mương trong một chiều Thương bủn rủn đi tìm chồng. Đàn ông trong xóm, trong đó có Hoài - réo nhau đi mua dây thừng chừng ba bốn mét thả xuống kéo Thương lên. Lưng Thương giờ vẫn còn một vết sẹo dài may đối nhau như chân rết. Cái vết sẹo đó có thể che giấu bằng vải vóc áo quần. Chứ vết sẹo phản bội mà Tình giáng xuống đời Thương, nó vẫn trơ trơ trước mặt, đến nỗi Thương không thể nhắm mắt cái là quên.
Hồi nãy, nếu chịu để Hoài chở về, chắc chân tay đã đỡ sưng bầm. Mà thôi, miệng đời vẫn còn mở toang hoác, sướng một chút mà nhục cả đời. Thương đâu ở tuổi còn dại khờ như hồi mới lấy chồng nữa đâu.
Mà dạo này, nhiều lần Thương thấy mình rơi như vậy. Khi đang ngồi chờ ở phòng giám đốc, mùi hoa lys chưng bàn tỏa thơm ngào ngạt cũng khiến Thương chìm đắm vào một cơn mơ ngắn ngủi, thấy mình rơi xuống một cụm bông mềm như mây. Tỉnh ra lại thấy mình đang đạp phải đuôi con Xù trắng muốt. Con mèo Xù của giám đốc nuôi, cưng nựng như con đẻ. Trà giám đốc uống cũng thơm. Nước hoa xịt phòng cũng ngào ngạt mùi bạc hà.
Giám đốc nghiêm khắc trong công việc, nhưng tốt bụng, việc nào ra việc đó. Như lúc Thương luýnh quýnh hỏi mượn tiền, giám đốc không phân vân, đồng ý cái rụp.
Thương hồi hộp đến đúng hẹn. Giám đốc có vẻ khá bận rộn với những cuộc tiếp kiến quan trọng.
Như hôm nay, có cô gái đẹp đã ngồi chờ trước Thương. Cổ đẹp, đương nhiên rồi. Trừ cặp kính đen bự chảng rất ngầu trên mặt, mũi, môi, lông mày đều rất sắc nét. Và thơm. Một thứ mùi thơm tổng hợp của nước hoa, son phấn và nước xả vải. Mấy hôm trước Thương đã nghe loáng thoáng về cổ - “người của sếp”, Thương không hề ngạc nhiên chút nào. Ừ thì, người thơm thế còn gì. Trong công ty này, cái gì thơm thì mặc nhiên của sếp vậy. Và cái gì bồng bềnh cũng là của sếp. Như mái tóc của cổ, nhìn kìa, nó loăn xoăn và bồng bềnh như một đám mây, ôm lấy khuôn mặt trắng hồng và cặp môi màu đào chín kiêu kỳ.
Có một cảm xúc thật khó tả len lỏi trào lên trong Thương, khi mắt cô trôi sượt qua cái cặp môi màu đào chín kia. Cái màu hồng đào đó, nó từng ngự trị trên môi Thương thật nhiều năm, trước khi Thương thành vợ của Tình. Cho dù loại son của cô chỉ là son hàng chợ, nhưng cái màu thì thật không khác màu son trên môi cô gái kiêu kỳ kia.
Cái màu son đã gây thương nhớ cho nhiều người con trai khác, trước cả Tình. Và cô cũng có đôi lần cong môi hờn dỗi, nũng nịu nọ kia, khi mình còn “cao giá”, lắm mối theo đuổi. Sau ngày về làm vợ Tình, thỏi son đã bị Tình bẻ gãy, lấy muỗng dầm ra nát bét rồi vứt thùng rác. Chồng rồi, sinh đẻ tới nơi, son phấn gì tầm này! Lời Tình như lời sấm truyền. Mà Thương cũng không hiểu lúc đó mình ăn “bùa mê thuốc lú” gì, về nhà chồng như con chó con mèo bị cột cổ. Nhà chồng nói gì mình nghe đó, thậm chí cho ăn thì ăn, bắt đẻ thì đẻ.
Hồi theo Tình, cô chỉ kịp sắm cho mình ba bộ đồ bộ mặc nhà. Tiền lương tháng cuối cùng, cô đi mua mấy khúc vải, cắt may cho mình ba bộ, cho em gái một bộ làm quà chia tay. Cô cho nó có bộ đồ thôi, mà hôm đưa dâu nó khóc nức nở, đòi anh rể trả chị về cho em. Nhà có hai chị em gái, nó ngủ với Thương từ nhỏ, đêm mộng mị ú ớ đều quơ quào ôm lấy chị thút thít. Chị có chồng, lấy ai dỗ dành em? Tình nói, em thương chị thì thỉnh thoảng cứ lên nhà chơi với anh chị, có ai cản em đâu. Nó nhìn anh rể đang phà ra lọn khói thuốc dài, không trả lời, mắt ngấn nước. Kiểu của nó, là nửa hoài nghi nửa dè chừng. Biết đâu được, nếu anh rể tốt, mẹ đã không nhảy đông đổng trong buồng, vứt hết áo dài, bôi hết phấn son, quăng luôn lọn tóc giả, ứ chịu ra đưa con gái về nhà chồng.
- Nó thương thì theo chứ tao không gả con gái cho thằng đó!
Mẹ nói lẫy mà nước mắt giàn giụa. Mới gả con gái đầu lòng, ai không hoảng loạn, bất an. Mấy dì, mấy cô xúm vô an ủi, mẹ mới nín thinh, lầm lũi ra đưa dâu, không thèm nhìn bà thông gia một cái.
Bà thông gia có phải ai lạ xa, là bà Ba Răng bán đồ la ghim, rau củ ngoài chợ. Cái chợ chồm hổm mà mẹ Thương sáng nào cũng xách giỏ nghía qua một loạt mấy sạp hàng, mà rồi về cũng chỉ loe hoe vài cọng rau, dăm ba mớ cá hủn hỉn đủ nồi kho tiêu bé xíu. Hôm nào khá khẩm thì giỏ nặng chút da heo, miếng gan hoặc bộ lòng gà xào cải chua. Mẹ cũng từng ấm ức vì mua phải hàng rau củ độn của bà Ba Răng, về đổ ra toàn rau củ úng. Cái bà già nhiều chuyện nhất chợ, khinh người nhất chợ, mà cũng… ít răng nhất chợ. Nói câu nào là thấy ghét câu đó. Chắc ỷ nhà bán mấy lượt bò thịt, cất được ba tầng khang trang. Mà ủa, có nhà ba tầng sao không ngồi nhà ăn sung mặc sướng, lê la ra chợ dãi nắng dầm mưa chi?
Hồi bả qua nói chuyện cưới xin, mẹ nói tính đợi sửa xong cái nhà cho đàng hoàng rồi cưới. Nhìn cái nhà trống trước dột sau, bả dài giọng rồi cười khinh khỉnh:
- Ối, nhằm nhò gì, hồi tui cưới vợ cho thằng Hai, anh thằng Tình, nhà dâu trưởng tui dưới quê còn thua cái chuồng bò, nên anh chị đừng có lo!
Mẹ ức lắm nhưng mẹ ít học nên không biết phải đối đáp thâm sâu ra sao. Thương nắm tay mẹ, nói thôi kệ đi, dù gì anh Tình ảnh thương con là được rồi. Mẹ hỏi gằn: “Có chắc nó thương mày không?”. Thương không trả lời được. Nếu Tình không thương cô, sao mỗi lần gặp nhau Tình đều không kiềm chế được, lần nào cũng hối chuyện cưới xin để được về chung một nhà, để khỏi nhớ nhung, khỏi phải lén lút. Nếu Tình không thương cô, đâu có mỗi đêm hơn mười giờ đều đứng ngay cổng công ty đón cô tan ca rồi chở cô về, sợ đêm tối gặp mấy thằng lưu manh. Hồi đó Thương đẹp gái nên nhiều người theo. Mà Tình làm “đuôi” của Thương lì đến mức mấy cái “đuôi” kia nản, từ từ “rụng” hết. Đẹp trai không bằng chai mặt là vậy. Chứ mặt Tình, là mặt cộc. Mặt đã xấu, bụng dạ, miệng lưỡi còn thúi um hơn. Nói câu nào như báng bổ, dùi đục chấm mắm cáy. Nhưng khoản “đóng cọc” thì Tình lẹ. Và ranh. Đó là Thương nghĩ vậy. Tình ranh ma lắm nên Thương mắc bẫy, chứ có yêu thương đậm sâu nào đâu. Mẹ cô không ưa Tình ra mặt. Dù vậy, mẹ Thương cũng phải bấm bụng gả con gái đi. Chứ lỡ mà nay mai bụng nó ễnh ra, thì làm sao bà ngửa mặt nhìn người?
Mỗi khi Thương tạt về, vay mẹ ít tiền tiêu vặt, hay mua vài thứ bánh trái đáp ứng những cơn nghén ăn bất chợt, bà xót con đến ứa nước mắt mà cũng không biết phải làm sao. Mang tiếng gả vào nhà giàu ba tầng lầu mà đến nỗi khi ốm nghén Thương phải hằng ngày ngửa tay xin chồng vài chục ngàn ăn sáng. Tiền chợ Tình đưa như đưa công thợ, thừa vài chục cũng lấy lại đi cà phê. Nghĩ lại những ngày u ám đã qua, Thương rớt nước mắt. Đến nỗi, tết thèm khoanh bánh tét cũng phải chờ cúng kiếng xong, dọn mâm cúng xuống, nhà chồng ăn xong, thừa mứa mấy khoanh bánh mới tới lượt cô. Miếng ăn mà như miếng nhục. Sau này, năm nào cận tết mẹ cũng kêu Thương về, dúi cho cặp bánh bằng cùm tay. Mẹ gói bánh không khéo, nhưng chắc chắn ngon hơn bánh nhà chồng. Cặp bánh đó, Thương giấu trong khạp gạo, tranh thủ ăn nhanh kẻo mốc. Thời buổi nào rồi mà cái tình thương mẹ dành cho con gái về nhà chồng cũng phải dấm dúi lén lút. Thương ăn miếng bánh rớt dăm ba giọt nước mắt. Như ăn cả cô đơn hờn tủi.
2.Thương xoa dầu dừa cho chiếc nhẫn cột chỉ đỏ trên tay tuột ra để sát trùng vết xước. Sợi chỉ đỏ bị cà dưới mặt đường, tưa sần và lấm lem bụi đất. Cái sợi chỉ đó, Thương đã muốn lén đốt nó lâu rồi. Hôm vô tình gặp lại ông thầy tụng đám, ổng chỉ kịp nói mẹ chồng kêu ổng làm phép cho Thương, theo lời trăn trối của người đã mất.
- Bằng mọi giá, cô phải giữ cho cẩn thận. Nếu mất, phúc phần của cô cũng hết.
Nói đoạn ông thầy quảy túi vải đi mất, để Thương như người mất hồn. Trời đất ơi, bụng Tình đúng là thúi hoắc. Thúi và ác đến mức này thì thôi rồi!
***
Hoài kêu chở Thương đi khám nhưng Thương nói chỉ đau sơ sơ, mai hết chứ gì. Em lo bà nội tụi nhỏ hơn. Không biết mổ sao? Hoài lắc đầu, mệt thiệt, em nhắm lo nổi suốt đời không? Thương cười mà như mếu. Tới đâu hay tới đó, anh. Chờ bé Hiền lớn, lúc đó đời em cũng bớt khổ. Hoài chậc lưỡi, lại điệp khúc chờ. Thương chờ con lớn, rồi Hoài cũng dài cổ chờ Thương. Ngày nào cũng chờ như chờ má đi chợ về. Con nít còn có niềm vui má đi chợ về cho bánh kẹo xanh vỏ đỏ lòng. Hoài chờ hoài, ngày nào cũng thấy Thương về ngang qua cây cầu mà Thương đâu thèm ngó vô nhà nhìn Hoài một cái. Rốt cuộc, không biết Hoài có nên hình nên dạng gì trong mắt Thương, hay chỉ như sương khói vô tình. Đâu chỉ mình Hoài sốt ruột. Mẹ Hoài cũng dăm ba lần giả đò sang nhà mẹ chồng Thương, tay làm vài ván xì zách mà mắt thỉnh thoảng đảo xuống nhà bếp ngó nghiêng con dâu nhà người ta.
- Con Thương nó nấu món gì thơm quá chị Ba?
- Có món cà ri nấu hoài, ngán thấy mồ chớ ngon gì chị!
- Chị sướng. Tui thèm gần chết có dâu đâu mà nấu! Ước gì con nhỏ là dâu tui, nó mà là dâu tui, tui cưng phải biết!
Mẹ chồng Thương ngưng tay, liếc ngang liếc dọc, hạ giọng thì thào:
- Dâu mà bà cưng quá, nó leo lên đầu bà ngồi mấy hồi. Con Quyên nó làm cho bà một vố rồi đó, chưa tởn ha?
Mẹ Hoài chậc lưỡi:
- Con Quyên khác chị ơi! Nó không phải dâu tui!
Tưởng nói chơi vậy thôi, ngờ đâu mẹ chồng Thương lẫy. Hội xì zách từ đó tan luôn. Ông trưởng thôn không phải đi canh me mấy bà già rảnh rỗi sinh nông nỗi để nhắc nhở, hăm he bắt ký biên bản vi phạm gia đình văn hóa nọ kia, ổng cũng rảnh quá sinh… buồn. Chiều chiều ổng xách ghế nhựa qua ngồi cà khịa bà Năm cho đỡ buồn. Sẵn, bà Năm thông báo luôn, tui muốn cưới con Thương cho thằng Hoài. Ông trưởng thôn giật nảy, gì gì, bà nói chơi hay nói giỡn? Bà Ba Răng mà hé con Thương ra cho bà bắt về làm dâu hả, dễ gì!
Thằng Tình chết mấy năm, mồ yên mả đẹp rồi, muốn gì nữa? Con Thương nó chịu khổ quá đủ rồi. Gặp đứa con gái khác, nó quăng con cho bà già chồng nuôi, đi bước nữa từ đời tám hoánh nào rồi!
Ông trưởng thôn chậc lưỡi:
- Ừ, bả có mà không biết quý, mất đừng tìm!
Ông trưởng thôn hay chơi chữ. Nhưng mà ông sống có tình. Ông cũng cám cảnh mấy mẹ con Thương lắm. Bởi vậy, hồi Hoài năn nỉ ông đóng tiền học phí bảo trợ cho đứa con Thương với danh nghĩa mạnh thường quân bí mật, ông gật đầu cái rụp. Hoài thương cô thật lòng, thương từ lúc Thương còn chưa về làm dâu bà Ba Răng. Nếu thằng Tình không gọi đám bạn giang hồ đánh dằn mặt Hoài méc mẹ Tình nó lén bán đất đai, chắc gì Hoài buông để Tình giành được Thương về làm vợ. Tình, sau này vẫn chứng nào tật nấy, muốn là phải giành phải cướp về mình cho bằng được.
Hoài có lẽ hận Tình tận xương tủy. Vậy nên, cái hôm Hoài cứu Thương từ mương nước dưới cây cầu đầu xóm lên, Hoài thiếu điều muốn nhào lại đấm vào mặt Tình. Hai thằng chung xóm, bạn từ hồi còn tắm mưa ở truồng, mà lớn lên thay da đổi thịt khác hẳn nhau. Tình mất chừng đó năm, Hoài không màng ra mộ thắp cho nén hương. Tình ích kỷ đến mức sắp chết vẫn còn biết kêu bà già đi thầy làm cho sợi chỉ, bắt buộc vô nhẫn cưới của vợ. Cái sợi chỉ đó, nếu Thương mà bỏ Tình đi theo trai, là Tình sẽ kéo Thương theo luôn. Hoài biết được khi nghe mẹ Tình rù rì với mẹ mình lúc chơi xì zách.
Anh hỏi Thương có sợ chết không? Thương cười nhẹ hều, sợ thì em đâu đi bắt ghen để về bấn loạn đến mức lọt mương cho anh cứu. Từ lúc hạ huyệt ảnh thì nỗi sợ của em cũng đã chôn xuống mấy tấc đất đó rồi. Giờ, em sống sao cho con không mang điều tiếng. Miệng đời cay nghiệt lắm anh. Mình sống sờ sờ đó nhưng miệng lưỡi người ta không biết sẽ phun ra nọc độc giết chết mình khi nào.
Hoài cũng như bục ra từng mảng. Không phải anh cứu Thương đâu, mà chính cô đã cứu anh ra khỏi một cuộc đời u tối. Nhờ cái lần Thương đi bắt ghen đó, Hoài mới biết mình bị vợ phản bội. Từ hồi ký giấy trên tòa cho Quyên đi, Hoài tưởng mình có thể nhẹ lòng rồi. Nhưng mỗi khi thấy Tình phóng xe máy nghênh mặt ngang qua, những ám ảnh lăng loàn của vợ mình với Tình lại lóc xóc ngoi lên trước mắt Hoài. Lẫn trong đó, có tiếng nấc uất hận của Thương.
|
3. Mẹ chồng Thương nhập viện cấp cứu. Tỉnh dậy, bà đòi về nhà.
Bà lâu lâu buồn quá hay vui quá cũng lên cơn. Trái tim bà yêu ghét thất thường. Tuổi này rồi, đi bệnh viện như đi chợ, về nhà thì nằm chèo queo, đến cái tụ xì zách giải sầu cũng giải tán. Ti vi thì chán ngắt ngơ, gần tết cũng không có gì coi cho được. Không dưng bà nhớ dạo gần đây con dâu hay nán lại bàn trang điểm. Môi Thương thấp thoáng màu hồng đào tươi tắn. Lâu lắm bà mới lại thấy Thương tô màu son đó. Dù con dâu nhanh chóng ụp ngay cái khẩu trang lên mặt để tránh mắt bà, nhưng bà thấy hết.
Lâu rồi Thương không nhìn thẳng mặt bà dù cơm canh vẫn nấu đều đặn ngon lành. Đứa cháu gái vẫn tíu tít bên bà, thậm chí lúc bà nhập viện, nó sợ quá ôm bà khóc nức. Mẹ thằng Hoài nói đúng. Nếu Thương như con người ta, mê trai này nọ, chắc gì bà còn được gần gũi dâu con như vầy. Rồi bà nhớ hồi đưa thằng Tình nhập viện, hỏi ra số tiền bán đất vườn điều nó không còn một xu dính túi. Cái bụng Tình trướng lên bằng cái trống, còn trái tim bà thì xẹp xuống như đang bị xì hơi. Thậm chí đến cái sổ hồng nhà Tình cũng đem cầm trong ngân hàng. Hồi làm đám, nếu Thương không chạy vạy vay tín dụng đen, chắc gì Tình được mồ yên mả đẹp. Tình chết không bao lâu thì Quyên sắm xe hơi bóng loáng, dọn đồ chạy khỏi nhà Hoài. Hàng xóm nói ra nói vô mà bà không dám tin. Hồi Tình giành giật Thương với thằng Hoài, bà biết. Lúc bác sĩ nói Tình mắc ung thư gan giai đoạn cuối, bà cũng biết. Nhưng hồi thằng Tình giật luôn vợ thằng Hoài, bà biết mà không tin. Tình nằm đó trống trơ không một đồng lo đám, bà mới tin.
Ca mổ lần này gần hai trăm triệu. Con trai lớn bà suốt một năm phá sản vì dịch bệnh. Bà nghĩ đến số tiền đó, rồi bà nghĩ đến ngôi nhà ba tầng đã cũ kỹ.
Thương nói:
- Con sẽ ráng xoay xở, chỉ cần mẹ dưỡng sức để ca mổ diễn ra thuận lợi, đừng lo nghĩ nhiều nha mẹ!
***
Hôm Thương hỏi, giám đốc nói hai trăm triệu nhiều đó, nhưng tôi tin cô, chỉ cần chăm chỉ làm việc, trả từ từ cho tôi cũng xong.
Ngồi ghế chờ, mùi hương từ “người của sếp” khiến Thương như mụ mị. Trời đất ơi, cái mùi đó, Thương nhớ mang máng mình đã từng ngửi được ở đâu, mà không sao định vị được. Đầu óc Thương dạo này hay quên, chỉ mỗi nỗi đau phản bội là không quên được. Thương đang cố nhớ xem mình đã gặp ở đâu, thì sếp húng hắng:
- Xin lỗi cô! Tối qua tôi bận quá quên nhắn. Số tiền đó, tôi đã định chừa ra cho cô rồi. Nhưng dự án lần này đang thiếu tiền, thành ra…
Thương lại như đang rơi. Khi mà “người của sếp” gỡ cặp kính đen rất ngầu ra, nhếch đôi môi hồng đào về phía Thương, cô gần như suýt ngất.
Cái cặp kính đen quả là huyền diệu. Nó giúp “người của sếp” nhìn thấu nỗi thống khổ của Thương. Còn Thương thì bị che mắt bởi những lọn tóc xoăn bồng bềnh, bởi môi hồng đào và mùi thơm tổng hợp.
Mùi thơm là thứ ngụy trang vi diệu. Nó có thể che giấu những thứ bên trong một con người.
Giờ thì cô tin Hoài nói đúng. Chỉ có điều, Thương quên mất rằng nhờ tiền bạc, Quyên có thể thành một cô tiểu thư đài các rất nhanh, đâu còn quê mùa như cái hồi bị Thương bắt ghen.
Cú rơi đó không đánh lọt Thương xuống mương nữa mà máng vào xe ông ba gác, bị ổng chửi cũng vừa lắm chứ!
***
Mẹ chồng Thương tỉnh lại sau một giấc ngủ dài có hơi nhọc nhằn. Bà biết rõ trái tim mình đang dở chứng. Nhưng bà không nghĩ có thể nhìn thấy mặt Thương lần nữa. Bà đã chuẩn bị một cuộc hội ngộ với con trai mình. Những gì bà làm, chắc Tình sẽ không hận bà đâu.
Mẹ Hoài chưng hửng khi nghe bà bạn xì zách hối cưới vợ cho Hoài.
- Chỉ cần chị hứa thương dâu tui như con gái chị, là tui cũng hứa sẽ ráng khỏe để chơi xì zách với chị hoài luôn!
Rồi tết phải cho con gái về thăm tui, chớ không tui thèm cà ri, thèm bánh tét nó nấu chắc chết!
Mẹ Hoài cười mà chảy nước mắt. Hai nhà chung xóm chứ đâu xa mà bà Ba Răng cứ lo như bò trắng răng. Mà đúng là bà lo xa thiệt, khi khoe mớ giấy tờ nhà bà đã ủy quyền hết cho mẹ con Thương.
- Nếu hai đứa khó khăn quá cứ kêu bán nhà trả nợ. Hôm đó, nếu không có tiền thằng Hoài đưa, chắc gì tui được sống để coi tụi nó làm đám cưới.
***
Tết tới nơi mà Thương cứ rầu rầu. Mới hôm qua, Thương nhìn chiếc nhẫn mà bỗng dưng muốn khóc.
Bà Ba Răng tủm tỉm cười:
- Thương, con bán nhẫn đó đi, nhưng giữ sợi chỉ lại. Mẹ nói thiệt, hồi thằng Tình kêu mẹ làm phép giữ con không theo trai là chỉ đen. Nhưng mẹ đã nói ông thầy làm chỉ đỏ may mắn chúc phúc cho con.
Người chết là hết rồi, còn oan nghiệt với bây là má không ưng bụng!
Thương giật mình. Hèn chi, ông thầy một mực bắt cô phải giữ sợi chỉ đỏ. Mẹ thiệt tình, sao mẹ không nói sớm?
- Mẹ sợ ngày không còn thấy bóng dáng con trong nhà...
Thương sụp xuống ôm tay mẹ chồng khóc nức, trôi cả màu son hồng đào.
Mẹ chồng nói, bây sắm lại thỏi son hồng đào khác nghen, xịn xịn chút, đám cưới phải sang xịn lên, chớ đừng xài hàng chợ nghen con!
Bà đâu biết Hoài đã sắm sẵn cho cô luôn chục thỏi son thay đổi. Ngày mai, mọi thứ sẽ phải mới mẻ tươi tắn hết, mới vui!
Bình luận (0)