>> Đại biểu kiến nghị Quốc hội ra nghị quyết về biển Đông
>> Trung Quốc tung giàn khoan thứ 2 ra biển Đông
>> Cùng hướng về biển Đông
>> Một Trung Quốc hung hãn và manh động trên biển Đông
Nói theo Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khi đó thì chuyến thăm cấp Nhà nước này đã đạt được bốn kết quả nổi bật, trong đó, nổi bật nhất là việc lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, xử lý thỏa đáng bất đồng, nhất là trong bất đồng trên biển...
Nổi bật thứ hai là: Nhân dịp chuyến thăm, hai bên đã ký kết nhiều văn bản hợp tác quan trọng và đã ra Tuyên bố chung, ký kết 10 văn kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực, trong đó có những văn kiện vừa định hướng cho tương lai quan hệ hai nước, vừa đề ra các bước phát triển hợp tác cụ thể trong các lĩnh vực nhằm thúc đẩy mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện thực sự đi vào chiều sâu.
Nổi bật thứ ba là: Hai bên đã trao đổi biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trong lĩnh vực kinh tế, thương mại. Hai bên đã nhất trí đề ra các biện pháp hữu hiệu, quyết liệt nhằm giảm dần nhập siêu của Việt Nam, tiến tới cân bằng thương mại. Hai bên cũng đưa ra mức phấn đấu thực hiện trước thời hạn, làm sao để đưa kim ngạch thương mại song phương lên 60 tỉ USD vào năm 2015.
|
Và, nổi bật thứ tư là: Với nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của việc kế thừa và phát huy tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước, hai bên cũng đã nhất trí nhiều biện pháp thúc đẩy giao lưu nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, tăng cường sự hiểu biết, tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước.
Những tưởng sau đó, một trang mới trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước sẽ có một bước phát triển mới và tốt đẹp như hai bên cam kết. Bởi kết quả quan trọng nhất của chuyến thăm nói trên là việc Chủ tịch nước của chúng ta đã cùng các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc trao đổi và đạt nhất trí cao về tầm quan trọng của việc củng cố cũng như làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam và Trung Quốc.
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cũng từng đánh giá: "Có thể nói, riêng vấn đề trên biển đã được hai bên trao đổi ý kiến trên tinh thần thẳng thắn, cố gắng xử lý thỏa đáng, không để những bất đồng này cản trở các mặt hợp tác giữa hai nước cũng như ảnh hưởng đến tình cảm hữu nghị của nhân dân hai nước".
Vậy mà chỉ có chưa đầy 365 ngày, mới có gần 11 tháng sau, sức nóng ở biển Đông đã khiến cho cả thế giới phải lo ngại và bất bình trước hành vi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng chủ quyền của Việt Nam, một hành động ngạo mạn của nước lớn, của tư tưởng Đại Hán, bất chấp những cam kết cấp Nhà nước ngày nào vẫn còn chưa kịp ráo mực. Thật là khó hiểu và xen cả nỗi buồn và sự bất bình cao độ.
Đi tìm câu trả lời cho hành động khó hiểu trên, thực ra nó vừa dễ lại vừa khó.
Dễ là bởi chính chúng ta, đã nhiều năm luôn mong muốn hoà bình và thiện chí với nước bạn láng giềng. Không hề muốn "làm khó" một ai. Song rõ ràng với cái lối ứng xử kiểu kẻ cả nói trên đã cho thấy Trung Quốc chưa thật lòng như họ đã ký kết.
Khó là ở chỗ, họ "nói vậy mà không phải vậy". Ngẫm thì thấy lạ, không lẽ cấp cao nhất của hai nước đứng ở góc độ Nhà nước, bút đã ký mà sao Trung Quốc lại bất nhất như vậy? Khi chưa có những vụ đụng độ trên biển Đông như đợt này, thi thoảng không phải không có việc này việc kia 2 bên đụng nhau. Chúng ta gửi Công hàm phản ứng, họ cũng "ghi nhận", nhưng nhiều lần họ đổ vấy cho địa phương và thoái thác trả lời trực diện.
Hôm 18.6, nhân chuyến sang Việt Nam làm việc theo kế hoạch hợp tác đã được ấn định từ trước, Uỷ viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã có buổi tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Việt Nam như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Tại buổi tiếp của Chính phủ ta, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã bày tỏ rất rõ lập trường của Việt Nam, đó là: Trung Quốc phải rút giàn khoan cùng đàm phán giải quyết bằng các biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế. Cũng tại buổi tiếp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhắc lại những gì hai nước đã làm được trong một năm qua nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc Lý Khắc Cường (2013). Thủ tướng cũng thông báo cho Trung Quốc hiểu đúng, hiểu rõ hơn việc chúng ta đã làm để khắc phục sự cố xảy ra ở một số khu công nghiệp khi xảy ra các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển Việt Nam.
Không lẽ chỉ mới một năm ký kết thoả thuận hợp tác ở cấp thượng đỉnh như vậy mà lẽ nào Trung Quốc đã có thể bội ước? Lời nói của Trung Quốc sao không đi đôi với việc làm là thế nào?
Việt Nam chúng ta đã từng trải qua quá nhiều cuộc chiến tranh để bảo vệ và giữ vững chủ quyền Tổ Quốc. Chúng ta là nước nhỏ so với nước láng giềng Trung Quốc. Chúng ta luôn có khát vọng hoà bình cháy bỏng là cũng vì lý do đó. Song, "dứt khoát lập trường về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng sa, Trường sa và trên biển Đông là không thay đổi và không thể thay đổi" (trích lời Tổng bí thư Nguyến Phú Trọng).
Hành Thiện (*)
(*) Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một nhà báo sống và làm việc tại Hà Nội.
Bình luận (0)