Theo PGS-TS Mai Duy Tôn, phụ trách Trung tâm đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai), mỗi năm Việt Nam có khoảng 200.000 người bệnh đột quỵ mắc mới, đứng đầu về gây tàn phế. Riêng tại Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm tiếp nhận 6.000 - 8.000 người bệnh đột quỵ.
Các năm qua, Bệnh viện Bạch Mai đã ứng dụng các kỹ thuật mới nhất trong chẩn đoán, can thiệp điều trị đột quỵ. Tuy nhiên, các ca đột quỵ nhập viện được chuyển đến điều trị tại nhiều khoa trong bệnh viện. Do đó, Trung tâm đột quỵ ra đời là đơn vị điều trị hoàn chỉnh, ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh nhân sau điều trị, cũng như củng cố hệ thống cấp cứu điều trị đột quỵ tại các cơ sở y tế.
Theo PGS-TS Mai Duy Tôn, việc điều trị đột quỵ cần tiến hành nhanh chóng bao gồm chẩn đoán và xử trí cấp cứu, đặc biệt tiến hành tiêu huyết khối trong 4 - 5 giờ đầu khi bị đột quỵ, sau “giờ vàng” thì di chứng nặng nề, điều trị khó khăn.
Khi có dấu hiệu cảnh báo đột quỵ như: liệt mặt, méo miệng, nhân trung lệch; yếu liệt tay chân (không thể hoặc khó nâng tay lên); nói ngọng, nói khó; bệnh nhân cần được chuyển đến cơ sở y tế, đặc biệt với người có các yếu tố nguy cơ (tăng huyết áp, đái tháo đường).
Để phòng đột quỵ, cần kiểm soát huyết áp, đường huyết, mỡ máu, duy trì cân nặng hợp lý; không hút thuốc lá, không lạm dụng rượu bia; duy trì vận động thể lực phù hợp và khám sức khỏe định kỳ.
Bình luận (0)