Mối nguy từ thuốc lá điện tử: Biến tướng gây hệ lụy khôn lường

09/01/2023 07:30 GMT+7

Hình ảnh học sinh, giới trẻ sử dụng thuốc lá điện tử công khai, phổ biến nhiều nơi là hiện tượng đáng báo động. Bởi thuốc lá điện tử có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe giới trẻ và mất trật tự, an toàn xã hội.

Học sinh biến thành “miếng mồi” cho tội phạm

Nói về tình trạng này, thiếu tá Ngô Quốc Khánh, thuộc Đội tham mưu, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy (PC04), Công an TP.Hà Nội, cho biết hiện nhiều cơ quan chức năng, các bác sĩ liên tục đăng bài cảnh báo về tác hại của thuốc lá điện tử (TLĐT), nhưng chế tài để cấm thì chưa có. Vì hiện tượng giới trẻ lạm dụng như vậy nên các đối tượng xấu đã lợi dụng để tẩm ma túy, cần sa vào tinh dầu cho vape bán ra thị trường thu lời bất chính, đầu độc giới trẻ. Việc này cũng qua mặt phụ huynh vì không biết con em mình đang sử dụng ma túy.

Hệ lụy ghê gớm của thuốc lá điện tử nhìn từ vụ ngộ độc ở Quảng Ninh

Ngoài ra, thiếu tá Khánh cho hay việc học sinh lạm dụng TLĐT còn dễ có nguy cơ bị các đối tượng dụ dỗ, lôi kéo vào mục đích xấu. Thứ nhất, các đối tượng lôi kéo sử dụng để trục lợi, khi đã nghiện rồi thì bắt buộc phải mua tinh dầu ma túy. Thứ hai, khi nạn nhân đã nghiện thì các đối tượng sẽ khống chế tinh thần, ép buộc tham gia vào các hoạt động sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy. Thứ ba, sau khi sử dụng và gây ảo giác, các bạn nữ có thể bị lạm dụng tình dục; các bạn nam có thể bị lôi kéo vào những hành vi xấu, gây rối trật tự, đi gây án hình sự

Thiếu tá Khánh cho rằng việc học sinh sử dụng TLĐT có tác hại rất lớn, các em chưa đủ phát triển về tâm sinh lý, chưa đủ tuổi để sử dụng theo quy định của luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Ngoài ra, hiện nhà trường cũng đang cấm TLĐT, việc học sinh lén lút sử dụng sẽ vi phạm nội quy, có nguy cơ bị đuổi học. Bên cạnh đó, ngoài việc khiến nạn nhân trở thành “miếng mồi” cho người khác, TLĐT còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần của các em học sinh.

Cơ hội để các đối tượng tẩm ma túy

Theo đại diện Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C04), Bộ Công an, gần đây Bộ Y tế đã đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, trong đó có cả TLĐT, vì đây là sản phẩm có hại cho sức khỏe, nguy hiểm như thuốc lá điếu. Đáng ngại hơn, TLĐT còn bị biến tướng, là cơ hội để các đối tượng tẩm ma túy, gây hệ lụy khôn lường cho xã hội.

Đại diện C04 cho hay thực tế trong tinh dầu của TLĐT có chứa chất nicotine và một số chất thơm. Nhằm trục lợi và qua mặt lực lượng chức năng, khi chế tạo các đối tượng đã pha thêm chất ma túy nhóm cần sa tổng hợp vì chất này không màu, không mùi, không vị lại lẫn mùi của tinh dầu nên bằng cảm quan thường khó có thể nhận biết, chỉ người bán và người sử dụng mới biết TLĐT chứa chất ma túy.

Giới trẻ đang nổi lên sử dụng thuốc lá mới như TLĐT. Tại VN chưa có hành lang pháp lý đầy đủ để thực hiện phòng, chống tác hại, hạn chế tiếp cận TLĐT. Trong khi đó, hút TLĐT tác hại không kém thuốc lá truyền thống. Do đó, cần có sự quan tâm nhiều hơn và có giải pháp kiểm soát hiệu quả sử dụng TLĐT, đặc biệt trong nhóm người trẻ.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế)

Gần đây, thị trường xuất hiện tinh dầu cần sa loại mới có chứa chất CBD. CBD là một chiết xuất từ cây cần sa, cây tài mà hoặc cây gai dầu công nghiệp có chứa hàm lượng cao để tạo cảm giác “phê”. Thời gian qua, các địa phương liên tục phát hiện, bắt giữ các vụ đối tượng tẩm ma túy vào tinh dầu TLĐT hoặc nhập từ nước ngoài về để bán kiếm lời. Để lôi kéo người sử dụng, ban đầu các đối tượng cho người sử dụng dùng thử như TLĐT thông thường. Khi người dùng đã bị lệ thuộc, có nhu cầu sử dụng thường xuyên, các đối tượng sẽ bán với giá cao…

Để ngăn chặn các loại ma túy núp bóng TLĐT, đại diện C04 cho rằng ngoài những nỗ lực của cơ quan chức năng thì sự vào cuộc của gia đình, nhà trường cũng rất quan trọng. Các phụ huynh nên dành thời gian quan tâm con em, phối hợp với nhà trường phổ biến, giáo dục, khuyến cáo không sử dụng TLĐT cũng như các chất kích thích khác.

Chưa thống nhất về quản lý thuốc lá điện tử

Liên quan đến cơ chế, chính sách pháp luật quản lý thuốc lá thế hệ mới (bao gồm TLĐT, xì gà điện tử, thuốc lá nung nóng, shisha điện tử) cũng như tháo gỡ quan ngại trong việc kiểm soát mặt hàng này, thông tin từ Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho biết Chính phủ đã giao Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, tổ chức liên quan nghiên cứu xây dựng dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 67/2013 về một số điều và biện pháp thi hành luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Nghị định 67/2013). Nhưng cho đến nay, giữa các bộ còn có những ý kiến chưa thực sự thống nhất khiến dự thảo nghị định này chưa được hoàn thiện để trình Chính phủ xem xét, thông qua.

Gây nghiện, chứa chất ung thư

Ông Nguyễn Tuấn Lâm, chuyên gia của WHO, khuyến cáo hóa chất gây ung thư trong thuốc lá thông thường (thuốc lá truyền thống) là formaldehyde hoặc các vi hạt, kim loại nặng cũng có trong khói tỏa ra của TLĐT. Trong điều kiện bình thường, hàm lượng chất gây ung thư như formaldehyde ở mức thấp, nhưng trong một số điều kiện như khi năng lượng cao lên (bấm pin lâu), khi lọ dung dịch gần cạn thì hàm lượng các chất độc này tăng cao, có thể bằng hoặc hơn so với thuốc lá thông thường. Đồng thời, ông Lâm cũng lưu ý về hội chứng tổn thương phổi cấp do TLĐT. Đây là điểm rất khác so với thuốc lá thông thường. Tổn thương phổi do TLĐT là tổn thương như kính mờ, gây viêm phổi kẽ.

Theo thông tin từ Khoa Điều trị tích cực nội khoa (Bệnh viện Nhi T.Ư), thành phần TLĐT có chứa nicotine - là một chất gây nghiện, có thể tác động xấu đến phát triển não bộ của trẻ em, ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và sự phát triển của thai nhi. Trẻ em không may nuốt, uống hoặc hấp thụ lượng lớn nicotine có thể bị ngộ độc với các biểu hiện nôn ói, nhịp tim nhanh, tăng tiết nước bọt, đau bụng, da tái nhợt, vã mồ hôi, tăng huyết áp, thở nhanh, mất kiểm soát cơ thể, mất cân bằng không thể đi lại, run tay, co giật. Trường hợp nặng có thể gây nhịp tim chậm, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, sốc, hôn mê, thậm chí tử vong. Trong một số tình huống ít gặp hơn, pin của TLĐT có thể cháy nổ và gây bỏng cho người sử dụng.

Liên Châu - Trà My

Trao đổi với Thanh Niên, một lãnh đạo Cục Công nghiệp, Bộ Công thương, cho biết phía Bộ Công thương đã trình lần 1 dự thảo sửa đổi Nghị định 67/2013, tuy nhiên vẫn còn quan điểm chưa tiệm cận với Bộ Y tế. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương tiếp tục trao đổi để có sự thống nhất với Bộ Y tế và sớm trình lại dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 67/2013.

“Phía Bộ Y tế vẫn giữ quan điểm là cấm sản phẩm TLĐT, nhưng không thể nói cấm là cấm ngay được. Bởi vì theo quy định pháp luật hiện hành, TLĐT không nằm trong danh mục các mặt hàng bị cấm sản xuất, kinh doanh. Nếu muốn cấm TLĐT thì phải sửa luật Đầu tư và một số luật khác”, vị lãnh đạo này nói.

Vị lãnh đạo này cũng cho biết theo quy định luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá thì thuốc lá làm nóng được hiểu là thuốc lá và thuộc phạm vi điều chỉnh của luật. Ngoài ra, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khẳng định TLĐT là sản phẩm thuốc lá và cần được quản lý như thuốc lá thông thường. Trong quá trình lấy ý kiến từ các bộ, ngành thì Bộ KH-CN cùng một số bộ khác cũng thống nhất với đề xuất của Bộ Công thương là việc quản lý thuốc lá làm nóng cần thực hiện theo luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và các văn bản pháp luật hiện hành.

Học sinh lớp 3 tò mò hút thử thuốc lá điện tử, phải đi bệnh viện

Mối nguy từ thuốc lá điện tử

Mối nguy từ thuốc lá điện tử

Mua bán 'khói trắng' chết người

Đe dọa sức khỏe giới trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.