Mỏi quá đôi vai này

12/12/2015 15:04 GMT+7

Nhiều người đang yên đang lành bỗng thấy đau nhức vùng vai gáy, cơn đau còn lan xuống bả vai. Điều gì đang xảy ra vậy?

Nhiều người đang yên đang lành bỗng thấy đau nhức vùng vai gáy, cơn đau còn lan xuống bả vai. Điều gì đang xảy ra vậy?

Đau vai mỏi gáy đang là triệu chứng phổ biến trong giới văn phòng. Nhiều người còn rất trẻ, sau vài năm “tu luyện” trong văn phòng, căng mắt, căng mình trước máy tính, đã phải vội vàng chạy tới phòng khám: “Bác sĩ ơi, vai gáy em đau nhức quá trời. Phải làm sao đây?”.
Ngồi lâu sinh bệnh
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng đau vai gáy. Tổn thương đốt sống cổ hoặc bị chèn ép dây thần kinh hoặc bị thiếu máu cục bộ đều có thể gây nên triệu chứng này. Đau vai mỏi gáy khi ngồi lâu trước máy tính là bệnh nghề nghiệp, một hội chứng của dân văn phòng. Theo tiến sĩ, bác sĩ Đại Phi Vân - Khoa Cơ xương khớp Bệnh viện Triều An, TP.HCM - nhân viên văn phòng phải ngồi làm việc lâu trước màn hình máy tính, khi màn hình quá thấp hoặc quá cao, người sử dụng phải cúi gập cổ hoặc ngước đầu quá mức làm các cơ ở cột sống bị căng và mỏi, kèm theo mỏi cổ tay và bàn tay. Bệnh cũng thường gặp ở những người hay đi tàu xe phải ngủ ngồi đầu tựa trên ghế dựa hoặc những người nằm xem ti vi lâu. Một số người khi nằm ngủ có thói quen sử dụng gối quá cao (15-20 cm) hay quá thấp (không dùng gối hoặc gối thấp dưới 2 cm) gây nên căng cơ cột sống cổ cũng dễ bị đau vai gáy. Bệnh rất dễ xảy ra đối với người bắt đầu đến tuổi trung niên, với hệ mạch máu đã giảm tính dẻo dai, đàn hồi. Bệnh cũng dễ gặp khi cơ thể mệt mỏi, suy nhược.
Đôi khi có những trường hợp chứng đau vai gáy xuất hiện tự phát mà không có nguyên nhân rõ rệt.
Ba bảy đường đau
Biểu hiện của chứng bệnh này đúng như tên gọi, đó là các cơn đau ở vùng vai gáy. Đau vai gáy thường xuất hiện vào lúc sáng sớm vừa ngủ dậy do buổi đêm ngủ không đúng tư thế, xuất hiện sau thời gian ngồi làm việc ở bàn giấy. Có nhiều trường hợp, bên cạnh đau vai gáy, người bệnh còn cảm thấy mỏi ở tay, tê tay, nặng tay rất khó chịu.
Tùy theo từng mức độ của bệnh mà người bệnh có những biểu hiện khác nhau. Thông thường, cơn đau có thể từ vùng gáy lan ra tai, cổ ở cùng một bên. Mức độ đau tăng tiến dần, có ảnh hưởng tới tư thế đầu và cổ. Nhiều bệnh nhân cảm nhận cơn đau từ gáy lan xuống bả vai, cánh tay ở một bên hoặc cả ở hai bên.
Sau một thời gian bị đau một bên vai gáy, người bệnh đôi khi có cảm giác tê mỏi ở tay phía bên bị đau - đây có thể là biểu hiện của rối loạn phản xạ gân xương. Cơn đau diễn biến thường phức tạp và “ngẫu hứng”, có những người bị đau lan sang hai bên và kèm theo cảm giác chóng mặt, hoa mắt, ù tai, đi đứng loạng choạng, khó nuốt, dễ bị sặc nước, nghẹn thức ăn, đồng thời có thể xảy ra biến chứng rối loạn chức năng, liệt một số dây thần kinh.
Sau khi lao động nặng, mệt mỏi, căng thẳng, nhiễm lạnh, cơn đau nhức có thể xuất hiện tự phát đột ngột, hoặc âm ỉ, kéo dài. Mức độ đau thường phụ thuộc vào hoạt động: cơn đau gia tăng khi đứng, đi, ngồi lâu, ho, hắt hơi, vận động cột sống cổ; khi người bệnh nghỉ ngơi, thả lỏng thì cơn đau thuyên giảm. Thời tiết thay đổi cũng có thể làm cơn đau tăng.
Dù chứng đau vai gáy không thể dẫn tới tử vong nhưng các cơn đau âm ỉ kéo dài khiến người bệnh rất mệt mỏi, chán nản, không tập trung, tư duy kém, hay gắt gỏng. Chất lượng cuộc sống và hiệu quả làm việc theo đó sụt giảm.
Xử trí ra sao ?
Để chẩn đoán nguyên nhân, người bệnh cần được thăm khám lâm sàng. Các phương tiện hỗ trợ chẩn đoán bao gồm chụp X-quang cột sống cổ, đo điện cơ và chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống cổ. Bác sĩ Đại Phi Vân khuyên khi đau nhức vùng cổ vai phải xem xét thăm khám kỹ xem người bị mỏi cổ có bệnh lý về cột sống cổ hay không (bằng cách chụp MRI). Theo số liệu thống kê hiện nay, 70-80% bệnh nhân đau vai gáy bị thoái hóa cột sống cổ. Một số trường hợp người bệnh bị đau vai gáy nhưng do các chứng bệnh như thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống, vẹo cột sống... thì có thể đòi hỏi phẫu thuật. Nếu là chứng đau vai gáy thông thường, bệnh nhân cần được điều trị để giảm các triệu chứng, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Sau khi chẩn đoán, tùy theo từng nguyên nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp xử trí. Nếu đã loại trừ được nguyên nhân chèn ép, có tổn thương thì điều trị chủ yếu là dùng thuốc giảm đau thông thường. Thuốc thường dùng trong điều trị hội chứng đau vai gáy bao gồm thuốc giảm đau chống viêm, phong bế thần kinh, giãn cơ và vitamin nhóm B. Có thể kết hợp biện pháp mát xa, ấn, gõ nhẹ vùng gáy, bả vai, cánh tay nhưng không được xoa bóp bấm huyệt hoặc tập vận động trong giai đoạn cấp tính. Bác sĩ Phi Vân cũng khuyến cáo khi cổ bị mỏi tránh bẻ cổ hay xoay cổ mạnh có thể gây trật khớp đốt sống cổ, chỉ nên dùng 2 tay xoa bóp phía sau gáy nhẹ nhàng.
Theo bác sĩ Đại Phi Vân, để giảm nguy cơ bị đau vai gáy và các bệnh liên quan đến vùng lưng, cổ, nên thực hành một chế độ sinh hoạt, ăn uống, thể dục hợp lý. Khi làm việc, nên để màn hình máy tính vừa tầm mắt, tránh để quá cao hoặc quá thấp. Khi ngủ, nên lót đầu với gối vừa cao 7 - 8 cm. Duy trì chế độ dinh dưỡng phù hợp, bổ sung đủ vitamin cũng giúp giảm nguy cơ bị bệnh. Ngoài ra, nên duy trì đều đặn một chế độ tập thể dục vừa sức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.