Môi trường làm việc nào giữ giáo viên gắn bó với nghề ?

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
27/08/2022 09:26 GMT+7

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn mới đây cho rằng: “Vấn đề khiến một số giáo viên chuyển việc, bỏ việc thì ngoài thu nhập còn có yếu tố thuộc về môi trường làm việc…”.

Điều này cũng đã từng được các chuyên gia đề cập khi bàn về giảm áp lực để giúp giáo viên (GV) gắn bó với nghề.

Để xây dựng văn hóa tổ chức trong nhà trường, ban giám hiệu phải thấu hiểu điểm mạnh, điểm yếu của từng giáo viên, tạo động lực cho giáo viên

ĐÀO NGỌC THẠCH

80% GV không có thu nhập ngoài lương

PGS Nguyễn Đức Sơn, Khoa Tâm lý giáo dục, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, từng phân tích tại một buổi tọa đàm do Bộ GD-ĐT phối hợp với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức về nguyên nhân và giải pháp giảm áp lực cho GV: xem xét tác động của yếu tố giá trị nghề và sự hài lòng với công việc cho thấy giá trị nghề là yếu tố quan trọng nhất trong số các yếu tố đóng góp cho sự hài lòng với công việc GV. Kết quả cho thấy những GV lựa chọn nghề vì yêu thích có tỷ lệ hài lòng và rất hài lòng vượt trội so với GV chọn vì hoàn cảnh (74% so với 57,8%).

Kết quả phân tích cho thấy giá trị nghề giải thích đến 38,5% sự biến thiên của sự hài lòng với công việc. Bên cạnh đó, yếu tố lương chỉ giải thích được 2,7% sự hài lòng với công việc (theo các kết quả nghiên cứu của đề tài sự hài lòng với công việc của người GV, của Quỹ Nafosted). “Đây là điểm đặc biệt của lao động sư phạm so với các ngành nghề khác”, PGS Sơn nói và phân tích, ở các ngành nghề khác, lương đóng vai trò quyết định đối với sự hài lòng với công việc. Như vậy, học sinh khi lựa chọn nghề sư phạm không có định hướng giá trị nghề nghiệp đúng hoặc GV khi làm việc không có giá trị nghề đúng đắn sẽ dẫn tới sự chán nản và thiếu nhiệt huyết…

Tuy nhiên, PGS Sơn cũng chỉ ra rằng sẽ là duy ý chí và phiến diện khi chỉ nhìn thấy yếu tố tinh thần như chỗ dựa cho khả năng chống chịu của GV trước các thách thức của công việc và cuộc sống. Thu nhập là yếu tố hàng đầu trong các yếu tố công việc được coi là chỉ báo quan trọng của một nghề nghiệp. Từ đánh giá của chính GV, thu nhập nâng cao, các điều kiện để thỏa mãn nhu cầu ngày càng đa dạng, trong khi cơ hội cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống của GV khá hạn hẹp. Điều này tạo xung đột giữa nhu cầu và điều kiện thỏa mãn nhu cầu. Xung đột này dễ làm nảy sinh các hành vi thiếu kiềm chế do các nhu cầu dồn nén.

Phỏng vấn GV về lương không đủ chi tiêu cho các nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, câu trả lời khá thống nhất: Đồng lương không đủ chi tiêu cho các nhu cầu tối thiểu của cuộc sống. Kết quả khảo sát về thu nhập ngoài lương cho thấy có tới 80% GV không có thu nhập ngoài lương. Cũng theo PGS Sơn, đa phần GV coi đây là công việc trí óc nặng nhọc, căng thẳng, nghề có khối lượng công việc nhiều. Ngoài giảng dạy trên lớp, GV phải làm nhiều công việc khác như soạn giáo án, chấm điểm kiểm tra, tham gia rất nhiều hoạt động trong trường, các phong trào, cuộc thi, tập huấn, hội họp, nhiều GV phải kiêm nhiệm công tác như chủ nhiệm lớp, Đoàn, Hội…, phải theo sát tình hình học trò, chăm lo đến mọi vấn đề của học sinh...

Cần tạo một môi trường sư phạm cởi mở, dân chủ

Với tư cách là người trong cuộc, TS Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội), cũng cho rằng điều quan trọng là người quản lý phải tạo ra động lực làm việc cho các thành viên trong nhà trường. Cần tìm ra các biện pháp giải tỏa kịp thời các áp lực và chặn những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe về thể chất, tinh thần, chất lượng và hiệu quả làm việc của đội ngũ cán bộ, GV. Mục tiêu của mọi giải pháp đều hướng đến việc bảo vệ quyền lợi của học sinh.

Để xây dựng văn hóa tổ chức trong nhà trường, theo bà Thu Anh, ban giám hiệu phải thấu hiểu điểm mạnh, điểm yếu của từng GV để tạo động lực cho GV phấn đấu, giao nhiệm vụ đúng người, đúng việc trên cơ sở phát huy tối đa năng lực của mỗi cá nhân.

PGS Nguyễn Vũ Bích Hiền, Trường ĐH Thủ đô, chỉ ra thực tế: hiệu trưởng chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục của nhà trường nhưng mức độ tự chủ trong quản lý trường phổ thông còn chưa cao. Những áp lực đến từ yêu cầu đổi mới đặt ra cho nhà trường, áp lực về thời gian dành cho công việc… là những vấn đề mà GV và các cán bộ quản lý đối mặt hằng ngày.

PGS Bích Hiền cũng cho rằng trong mức độ tự chủ cho phép, hiệu trưởng cần sử dụng đúng người, đúng việc, phát huy tối đa năng lực của GV phục vụ mục tiêu giáo dục của nhà trường; ứng xử công tâm, minh bạch, tạo bầu không khí làm việc tích cực cho tập thể GV. Trong bối cảnh đổi mới, giáo dục với nhiều áp lực của sự thay đổi, hiệu trưởng càng cần là người biết chia sẻ, động viên, khích lệ GV vượt qua khó khăn trong công việc và cuộc sống. Hiệu trưởng chính là người lãnh đạo văn hóa - xây dựng môi trường văn hóa nhà trường, giúp ngăn ngừa tiêu cực và xung đột có thể xảy ra, giúp giải quyết sự cố và đứng dậy sau những khó khăn, thất bại.

Đồng quan điểm, PGS Nguyễn Thị Tính, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Thái Nguyên, cũng cho rằng cán bộ quản lý nhà trường cần tạo ra một môi trường sư phạm cởi mở, dân chủ để giáo viên có thể mạnh dạn bộc lộ những lo âu, căng thẳng mà mình đang gặp phải nhằm tìm tiếng nói chung, tìm được sự chia sẻ áp lực từ tập thể, các cấp lãnh đạo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.