Cô giáo phụ trách dạy tiếng Việt ở tỉnh Savanakhet (Lào) trước khi rời khu cách ly về nước cũng muốn tặng nửa tháng lương, dù mức lương của cô khá khiêm tốn (vỏn vẹn 3 triệu đồng).
Cô giáo ấy còn viết một bức thư tay để thổ lộ nỗi lòng với các anh bộ đội và lực lượng phục vụ ở khu cách ly... Chiều 24.3, món quà được trao tận tay cán bộ đại diện khu cách ly. Đấy là một lối suy nghĩ tử tế, chẳng cần ai nhắc nhở. Họ chỉ bị hối thúc bởi chính nhu cầu tự thân muốn cảm ơn, cảm phục những người đã chăm sóc tận tình cho mình…
Nhưng sự tử tế không chỉ đến từ một phía. Những chiến sĩ tại khu cách ly đã khéo léo “từ chối” món quà, chỉ xin ghi nhận tấm lòng của bà con. “Quân đội từ nhân dân mà ra, chính vì thế việc người lính được phục vụ nhân dân vừa là phận sự vừa là niềm tự hào. Hãy để chúng tôi thực hiện việc của mình!", thượng tá Nguyễn Hữu Đàn, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị, nói thế.
Có người bảo, việc tặng quà - từ chối nhận quà ẩn chứa cả chiều sâu văn hóa của mỗi người. “Cách cho” hơn là “của cho”, nhưng “cách nhận” cũng gói ghém bên trong cả một lối ứng xử đặc biệt, giữa thời điểm cũng vô cùng đặc biệt, khi dịch bệnh Covid-19 dường như đang “thử thách” lòng người.
Cũng là khu cách ly, nhưng đâu đó vẫn thấy có những câu chuyện không vui kiểu như vượt rào "tiếp tế" dễ gây ra cách hiểu nhầm lẫn về sự yêu thương chăm sóc, đến nỗi lực lượng chức năng phải khản cổ kêu gọi mọi người ra về. Rất may, vẫn còn đó những khu cách ly mà các bên “từ chối” nhận lời cảm ơn. Tôi nghĩ, khó có sự từ chối nào từ “người nhận” lại khiến “người cho” ấm lòng, như cách hành xử mà những chiến sĩ ở Quảng Trị vừa thể hiện.
Có người bảo rằng, hãy cứ sống với nhau tử tế, bởi sẽ gặp sự tử tế. Mới hay, sự tử tế có ở khắp mọi nơi, không cứ ở trong hay ở ngoài hàng rào khu cách ly.
Bình luận (0)