'Món quà' của Mỹ dẫn đến biểu tình bạo lực tại Nepal

21/02/2022 13:32 GMT+7

Cảnh sát Nepal đã sử dụng vòi rồng, hơi cay và đạn cao su để giải tán cuộc biểu tình phản đối khoản viện trợ nửa tỉ USD của Mỹ.

Hàng trăm người đã tập trung bên ngoài tòa nhà quốc hội Nepal tại thủ đô Kathmandu ngày 20.2 nhằm biểu tình phản đối khoản viện trợ 500 triệu USD của Mỹ.

Người biểu tình và cảnh sát đụng độ tại Kathmandu ngày 20.2

Reuters

Theo Reuters, cảnh sát đã phải sử dụng vòi rồng, hơi cay và đạn cao su để giải tán đám đông và nhiều người bị thương trong cuộc đụng độ.

Cuộc biểu tình xảy ra ngay trong ngày chính phủ trình dự luật lên để quốc hội bỏ phiếu trước hạn chót ngày 28.2.

Nepal ký thỏa thuận với cơ quan viện trợ Hợp tác thách thức thiên niên kỷ (MCC) của Mỹ vào năm 2017. Theo đó, Mỹ sẽ viện trợ 500 triệu USD cho Nepal để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng, trong đó có tuyến đường dây tải điện dài 300 km và một dự án sửa chữa đường bộ.

Cảnh sát bắn hơi cay về phía người biểu tình

AFP

Đại sứ quán Mỹ tại Nepal gọi khoản viện trợ này là “món quà của nhân dân Mỹ”, được phê chuẩn nhằm giảm nghèo và thúc đẩy kinh tế của Nepal. “Quyền quyết định phê chuẩn MCC là của các lãnh đạo Nepal, quốc gia dân chủ có chủ quyền”, Đại sứ quán Mỹ thông báo.

Truyền thông Nepal đưa tin Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách sự vụ Nam và Trung Á Donald Lu gần đây điện đàm với các chính trị gia Nepal để hối thúc phê chuẩn dự luật trước ngày 28.2, nếu không Mỹ sẽ đánh giá lại mối quan hệ.

Đụng độ tại Kathmandu ngày 20.2

Reuters

Bộ trưởng Công nghệ thông tin và truyền thông Nepal Gyanendra Bahadur Karki ngày 20.2 trình dự luật lên quốc hội và cho rằng các dự án sẽ mang lại lợi ích cho 24 triệu/30 triệu dân Nepal.

Tuy nhiên, các đảng chính trị, gồm thành viên trong liên minh cầm quyền, đang tranh cãi về việc chấp nhận hay từ chối khoản viện trợ của Mỹ. Bên ủng hộ cho rằng đây là viện trợ không hoàn lại và không có điều kiện kèm theo, trong khi bên phản đối nói thỏa thuận sẽ gây tổn hại luật pháp và chủ quyền của Nepal khi các nghị sĩ không có đủ quyền giám sát trong ban quản trị dự án.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.