Đó là nội dung được các doanh nghiệp (DN) cũng như đại diện thương vụ tại một số nước châu Âu chia sẻ tại hội thảo hôm qua 11.8, do Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) tổ chức.
Chỉ ăn nhà hàng vì không biết chế biến
Ông Khiêm Nhật Thành, Tổng giám đốc Công ty T&T Foods, nhà nhập khẩu hàng nông sản từ các nước châu Á để phân phối cho các kênh bán lẻ ở Pháp, cho biết: Các sản phẩm gốc Á ở Pháp có nguồn gốc chủ yếu từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ và VN. Dù người Pháp rất thích các món ăn của VN và châu Á, nhưng họ chủ yếu chỉ thưởng thức chúng ở nhà hàng vì không biết cách thức chế biến. Chính vì vậy, sản phẩm gốc Á nói chung bán ở các kênh phân phối tiêu thụ rất chậm, chiếm tỷ lệ thấp. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 xảy ra, các nhà hàng đóng cửa. Để thưởng thức các món ăn gốc Á, buộc người tiêu dùng phải tự mày mò công thức và học cách chế biến. Nhờ vậy, họ phát hiện ra giá nguyên liệu của các sản phẩm này rẻ hơn rất nhiều so với các món ăn ở nhà hàng. Chính vì vậy mà nông sản thực phẩm gốc Á gần đây tăng trưởng rất mạnh, vươn lên dẫn đầu cùng với nhóm thực phẩm hữu cơ; trong khi các loại thực phẩm khác và thị trường bán lẻ tăng trưởng chậm lại.
Hạt điều chế biến là một trong nhiều nông sản phẩm VN được người châu Âu yêu thích |
Chí Nhân |
Tuy nhiên, để bán được hàng, ông Thành khuyến cáo: Cơ bản người châu Âu không biết cách chế biến các món ăn từ gốc Á, nên có đưa được hàng lên kệ siêu thị thì họ cũng không mua. Chính vì vậy, DN muốn bán được hàng cần phải có một chiến lược truyền thông dài hạn để người tiêu dùng hiểu về sản phẩm, cách thức sử dụng như thế nào, chế biến ra sao... Thậm chí, các nhà bán lẻ cũng không nhập hàng trực tiếp từ DN sản xuất châu Á vì danh mục hàng hóa phức tạp đối với họ, mà thường nhập hàng qua các nhà nhập khẩu.
Để xây dựng hình ảnh và quảng bá cho nông sản thực phẩm VN, hồi đầu năm nay Thương vụ VN tại Pháp đã phối hợp với T&T Foods tổ chức tuần lễ Tết Nguyên đán; và trong tháng 9 tới sẽ tổ chức tuần lễ Tết Trung thu VN ở các siêu thị thuộc 2 hệ thống bán lẻ lớn của Pháp. Các sự kiện tuần lễ hàng Việt như thế này sẽ tạo ấn tượng về thương hiệu quốc gia và sản phẩm. Ông Vũ Anh Sơn, Thương vụ VN tại Pháp, nói: “Năm 2021, chúng tôi đã giúp đưa sản phẩm quả vải tươi và đóng hộp vào Pháp. Trong sự kiện Tết Trung thu sắp tới, chúng tôi sẽ chính thức giới thiệu sản phẩm gạo mang thương hiệu VN là “Cơm Việt Nam rice”. Đây là lần đầu tiên một sản phẩm gạo VN có thương hiệu được bán chính thức trong các đại siêu thị của Pháp”.
Lãnh đạo Công ty Garden Food, một nhà nhập khẩu đến từ Thụy Điển và phân phối cho cả thị trường Bắc Âu, cho biết: Người Thụy Điển tiêu thụ trung bình 6 kg gạo, 15 kg cá, 7,6 kg cà phê, gần 1 kg hạt điều mỗi năm. Hiện tại, công ty này mới nhập khẩu cá và hạt điều của VN. “Chúng tôi cũng biết VN nổi tiếng về cà phê và gạo nhưng chưa có nhà cung cấp phù hợp, mong muốn sớm nhập khẩu những mặt hàng này từ VN”, vị này nói.
DN Việt chưa hiểu thị trường
Khi được một DN VN hỏi “T&T Foods thường muốn chọn đối tác cung cấp như thế nào?”, ông Khiêm Nhật Thành trả lời: “Tôi không quan tâm DN đó lớn hay nhỏ, có truyền thống hay mới khởi nghiệp. Điều quan trọng là phải ổn định và bền vững. Tiêu chuẩn kỹ thuật của các đại siêu thị rất khắt khe. Nhiều khi DN nhỏ không hiểu hết và không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu và yêu cầu rất cao của hệ thống phân phối. Đó chính là hạn chế”.
Ông Vũ Anh Sơn bổ sung, khó khăn lớn nhất là DN VN chưa hiểu được phân khúc thị trường cần gì. Khi tiếp xúc với các DN VN, ông phát hiện thói quen của DN chúng ta vẫn là “đối tác cần số lượng bao nhiêu để chúng tôi báo giá”. Tuy nhiên, tư duy đơn thuần về số lượng và giá cả hiện nay không còn phù hợp và sẽ không vào được các đại siêu thị. Điều DN VN nên thay đổi là “khách hàng có yêu cầu như thế nào về sản phẩm” để xem có thể đáp ứng yêu cầu và bán hàng.
Nhắc lại vụ lừa đảo 100 container hạt điều vừa qua, ông Nguyễn Đức Thanh, Trưởng cơ quan Thương vụ VN tại Ý, nhận định dù hàng không bị mất nhưng là một bài học cảnh giác cho các DN. Ý là một thị trường lớn với 60 triệu dân và đón 60 triệu khách quốc tế mỗi năm. Ý cũng là một trong những nhà nhập khẩu lớn nông sản VN, các DN có thể liên lạc với Thương vụ để giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình ở bản tin định kỳ của Thương vụ, cũng như khi cần kiểm tra thông tin đối tác.
Bà Nguyễn Hoàng Thúy, Thương vụ VN tại Thụy Điển (phụ trách khu vực Bắc Âu), cho biết hàng hóa VN vào châu Âu trước giờ chỉ mới tập trung nhiều ở các nước Tây Âu, còn các nước Bắc Âu rất ít nên cơ hội và tiềm năng thị trường cho hàng hóa VN còn rất lớn. Theo bà Thúy, nền kinh tế các nước Bắc Âu và VN có tính bổ trợ cho nhau rất cao. DN các nước này cũng đang chuyển dịch thương mại và đầu tư sang VN rất lớn. Bằng chứng là Đan Mạch đã vươn lên trở thành nhà đầu tư lớn thứ ba tại VN trong 3 tháng đầu năm 2022. Đầu tháng 11 tới, thái tử kế vị của nước này cũng sẽ dẫn đầu một đoàn DN sang VN thăm và làm việc cũng như tìm kiếm cơ hội đầu tư. “DN muốn đẩy mạnh hàng hóa vào thị trường Bắc Âu cần lưu ý xu hướng bảo vệ môi trường rất cao của khu vực này. Hàng hóa nếu được dán Nhãn sinh thái Bắc Âu sẽ được tiêu thụ rất tốt. Người Bắc Âu đang có xu hướng giảm tiêu thụ thịt, tăng tiêu thụ thủy hải sản, thực vật và đặc biệt là các sản phẩm hữu cơ. Các sản phẩm dùng một lần đang bị loại bỏ và thay thế bằng các sản phẩm có thể tái chế”, bà Thúy mách nước.
EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của VN sau Mỹ và Trung Quốc. Trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của VN sang thị trường EU đạt gần 24 tỉ USD, tăng 22,7%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực tiếp tục đà phục hồi và tăng mạnh như dệt may tăng trưởng 38%, giày dép 19%, cà phê 75%, thủy sản 42%, rau quả 12%.
Bình luận (0)