Doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng hàng xuất khẩu để bước vào các thị trường lớn một cách bền vững |
Phạm Hùng |
Hàng Việt Nam bị cảnh báo dư lượng hóa chất
Mới đây, Đức, Ba Lan và Malta đã đưa ra 3 cảnh báo liên quan đến mì ăn liền của Việt Nam xuất khẩu (XK) sang EU, trong đó có một sản phẩm có hàm lượng ethylene oxide (EO - hóa chất được sử dụng bảo quản thực phẩm tránh mốc, hỏng nhưng cũng được sử dụng trong thuốc trừ sâu) vượt ngưỡng quy định. Kết quả rà soát sơ bộ từ Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công thương) vào cuối tuần qua cho biết trong 3 trường hợp bị cảnh báo chỉ có một trường hợp được xác định có chỉ tiêu EO vượt ngưỡng quy định của EU là sản phẩm bánh phở hiệu Nguyễn Gia. Cụ thể, sản phẩm này được Malta “xác định mối nguy là sản xuất từ gạo biến đổi gien”. Sản phẩm mì ăn liền của Công ty CP Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam thì thông tin ban đầu do hồ sơ nhập khẩu của doanh nghiệp (DN) chưa đầy đủ nên bị trả lại. Riêng sản phẩm của Công ty CP thực phẩm Á Châu hiện vẫn đang được xác minh, nhưng có khả năng lô hàng này xuất khẩu từ năm 2021 (theo quy định của EU, thời điểm này các lô hàng chưa bị kiểm soát chỉ tiêu EO). Thực tế, đây không phải lần đầu tiên mì ăn liền của Việt Nam bị cảnh báo phát hiện dư lượng chất EO. Trước đây, trong năm 2021 cũng có 2 lần các sản phẩm tương tự cũng bị Pháp, Ireland yêu cầu thu hồi hay Đức, Hà Lan cũng ra cảnh báo vì chứa chất EO.
Nông sản Việt sẽ có cơ hội cất cánh, nếu chúng ta đừng tự lấy đá ghè chân mình.
Không chỉ riêng mì ăn liền, tình trạng các sản phẩm nông hải sản, thực phẩm từ Việt Nam xuất sang các nước bị cảnh báo, thậm chí bị trả về do phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cũng đã diễn ra nhiều lần. Tại hội thảo xúc tiến XK sầu riêng tổ chức cuối tuần qua, ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho hay sầu riêng của nước ta đã XK sang Nhật Bản từ năm 2017. Sau 3 năm, tới năm 2020, tỷ trọng sầu riêng tươi nhập khẩu từ Việt Nam vào Nhật Bản đã tăng nhanh chóng, từ 2% lên 49%, với sản lượng 300 tấn. Song song đó, sản lượng sầu riêng đông lạnh nhập vào Nhật Bản gấp 10 lần so với sầu riêng tươi. Thế nhưng, năm 2021 đã có 5 vụ sầu riêng VN vi phạm các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó 3 vụ liên quan đến sầu riêng tươi, 2 vụ sầu riêng đông lạnh nên Nhật Bản đã nâng tần suất kiểm dịch lên 100% với tất cả lô hàng sầu riêng nhập khẩu từ VN. Điều này dẫn tới thời gian lưu kho kéo dài gây tổn thất chi phí cho cả nhà XK và bên nhập khẩu. Quan trọng hơn, điều này dẫn đến rủi ro về chất lượng sản phẩm, khiến khách hàng có thể giảm lòng tin và không còn ưa chuộng.
Nhiều loại nông sản Việt Nam đã được phép xuất khẩu chính ngạch sang nhiều nước nhưng cần bảo đảm chất lượng và bỏ thói quen xuất tiểu ngạch |
Phan Hậu |
Cạnh tranh thiếu lành mạnh
Không chỉ vi phạm tiêu chuẩn chất lượng, nhiều DN còn cạnh tranh thiếu lành mạnh với nhau, ảnh hưởng đến giá cả, uy tín của hàng hóa Việt trên thị trường XK. Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng mặc dù gạo Việt đã XK vào một số thị trường cao cấp bằng thương hiệu riêng, nhưng số đó rất ít. Vẫn còn tình trạng chính DN nội địa chưa đồng lòng, đồng sức đóng góp cho thương hiệu gạo Việt mà lại cạnh tranh bằng giá rẻ, chào giá thấp, hạ giá quá mức... Sẵn sàng bán giá rẻ không gắn nhãn mác, không cần thương hiệu để đối tác nước ngoài mua về bán giá cao và gắn thương hiệu của họ. Hậu quả là giấc mơ xây dựng thương hiệu gạo Việt bằng chính giá trị thực của mình đôi khi lại trở nên khó khăn chính bởi tư duy của DN chúng ta. Giá gạo Việt Nam trên trường thế giới không cao là do DN trong nước làm nhiễu thị trường bằng cách phá giá xuất khẩu, chất lượng bát nháo. Chẳng hạn, Việt Nam từng tham gia đấu thầu gạo lứt hạt dài sang thị trường Hàn Quốc. Trong khi các nước đều bỏ giá trên dưới 1.000 USD/tấn thì DN Việt Nam chọn bỏ chỉ trên 500 USD/tấn và đã trúng thầu. Tuy nhiên, khi gạo xuất qua không đạt chất lượng lại bị Hàn Quốc trả về, sau đó quốc gia này không cho Việt Nam đấu thầu cùng các nước. Hay gạo thơm xuất vào Malaysia bán giá hơn 700 USD/tấn thì một DN Việt chào giá 550 USD làm đối tác nghi ngại, hạn chế mua. “Nông sản Việt sẽ có cơ hội cất cánh, nếu chúng ta đừng tự lấy đá ghè chân mình”, ông Bình nhấn mạnh.
Nhiều loại trái cây sẽ được xuất chính ngạch vào Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc
Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cơ quan này đã và đang nộp hồ sơ, đàm phán với các thị trường lớn trên thế giới để mở cửa cho nhiều loại trái cây Việt. Cụ thể, với thị trường Nhật Bản, theo cam kết của chính phủ 2 nước, đến tháng 9 phải “mở cửa” được quả nhãn. Thị trường Mỹ thì hai bên đang hoàn tất các khâu kỹ thuật đối với quả bưởi, sau đó là quả dừa. Với thị trường Trung Quốc, quả chanh leo đang nhập khẩu theo hình thức tạm thời giống như quả ớt, nhưng trong tương lai sẽ đàm phán để tiến đến xuất chính ngạch…
Bên cạnh đó, nông sản Việt vẫn còn bị động nên vẫn chưa cạnh tranh được với một số quốc gia có sản phẩm tương tự. Đơn cử như Việt Nam mới có 10 loại trái cây được Trung Quốc cấp phép cho nhập khẩu vào nước này, trong khi Thái Lan có 22 loại. Trong 6 tháng đầu năm, XK rau quả sang thị trường Trung Quốc đạt gần 800 triệu USD, giảm tới 34% so cùng kỳ năm ngoái (thời điểm Việt Nam gồng mình chống đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ tư). Trong khi đó, nhóm hàng này của Thái Lan xuất sang Trung Quốc lại tăng mạnh. Riêng mặt hàng sầu riêng Việt mới được Trung Quốc cấp phép xuất chính ngạch nhưng lâu nay sầu riêng Thái được chở về Trung Quốc hàng trăm tấn mỗi năm. Năm 2021, Thái Lan xuất khẩu hơn 875.000 tấn sầu riêng sang Trung Quốc. Đáng lưu ý hơn, trong khi các cửa khẩu đường bộ VN không đủ thời gian để lưu thông kịp cho nông sản Việt qua cửa khẩu, dẫn đến ùn ứ thì đa số trái cây Thái Lan qua Trung Quốc lại suôn sẻ dù phải nhờ quá cảnh qua nhiều quốc gia, trong đó có chính cửa khẩu Hữu Nghị của VN. Ngoài đường bộ, Thái Lan còn có cách đưa hàng trái cây, nông sản sang Trung Quốc bằng đường biển, sử dụng loại tàu nhỏ, chỉ chở vài trăm container… Một đại diện Hiệp hội Rau quả VN cho biết thêm chính sách siết chặt thông quan của Trung Quốc đối với hàng hóa đi đường bộ không phân biệt thị trường nào nên nông sản Thái Lan xuất đi Trung Quốc trong hơn 2 năm qua cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, họ hơn chúng ta là đã đàm phán với Trung Quốc dùng máy bay chở hàng hoặc nhận hàng bằng cách đi qua đường sắt cao tốc nối Lào - Trung Quốc. Chẳng hạn, trong năm nay, Thái Lan đã sử dụng máy bay chở sầu riêng, măng cụt, chôm chôm sang Trung Quốc.
Ảnh hưởng lớn đến thương hiệu quốc gia
Hiện ngày càng nhiều quốc gia chấp nhận cho các loại trái cây Việt nhập khẩu. Đơn cử, có 6 loại trái cây tươi của Việt Nam chính thức được cấp phép XK sang Mỹ gồm xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa. Úc và New Zealand từ lâu cũng cấp phép cho thanh long, xoài, chôm chôm, nhãn, vải… của Việt Nam. Trung Quốc thì mở cửa cho 10 loại trái cây còn chanh leo đang nhập thử nghiệm. Nhờ đó, nhiều DN trong nước đã gia tăng kim ngạch XK sang các thị trường lớn. Tuy nhiên, việc một số mặt hàng XK Việt gặp sự cố về tiêu chuẩn chất lượng để rồi bị trả về hoặc phải tiêu hủy hay các DN cạnh tranh bằng hạ giá, bán rẻ… không chỉ gây ảnh hưởng đến ngành hàng mà còn ảnh hưởng cả thương hiệu xuất khẩu Việt. Tình trạng chính nhiều DN trong nước lại cạnh tranh về giá, không kiểm soát chất lượng từ đầu vào đến đầu ra thì khả năng lớn là hàng hóa không qua được cửa kiểm dịch. Khi lô hàng của một công ty bị trả về, bị thu hồi không chỉ công ty đó thiệt hại mà còn gây ảnh hưởng đến sản phẩm Việt Nam nói chung. Bởi thị trường nước ngoài chỉ quan tâm đến trái cây, nông sản của Việt Nam chứ không quan tâm là của công ty nào.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty xuất nhập khẩu Vina T&T, mỗi thị trường sẽ có một số tiêu chuẩn, quy định riêng nhưng nhìn chung sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm tuyệt đối. Chẳng hạn, thị trường EU đòi hỏi DN phải có chứng nhận Global GAP, đòi hỏi nhà máy chế biến, đóng gói trái cây phải áp dụng tiêu chuẩn ISO, phải có chứng nhận Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (HACCP) và chứng nhận Tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội (SMETA). Bên cạnh đó, còn có danh mục hơn 30 chất cấm sử dụng trong thực phẩm. Còn muốn XK vào Mỹ thì DN phải đăng ký mã số của nhà máy đóng gói do Mỹ cấp và cũng tuân thủ về danh mục chất cấm sử dụng.
Đáng lưu ý, có những hoạt chất mà châu Âu cấm sử dụng trong thực phẩm thì Mỹ cho phép hoặc ngược lại. Vì vậy, khi muốn XK sang thị trường nào thì DN phải nghiên cứu kỹ, đầu tư chuyên sâu để đáp ứng đúng quy định của nước sở tại. “Một trong những điều kiện để chúng tôi đảm bảo có hàng chất lượng khi đưa bán sang những thị trường khó tính là hợp tác, liên kết và bao tiêu sản phẩm với nông dân. Chẳng hạn, ngoài việc hỗ trợ nhà nông kỹ thuật nuôi trồng, Vina T&T còn liên kết với chính quyền một số xã để cùng với bà con đầu tư kỹ thuật bao bọc trái và đồng hành cùng quá trình chuyển đổi số của nông dân…”, ông Nguyễn Đình Tùng chia sẻ thêm.
GS-TS Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, nhận định hiện nay đối với XK nông sản nói chung thì khó nhất là hàng rào kỹ thuật. Việc đảm bảo quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm là yêu cầu trên hết. Để làm được thì nông dân, tiểu thương và DN phải có sự hợp tác chặt chẽ. Chỉ có DN khi đã tham gia XK, biết được các quy định chi tiết của nước sở tại thì từ đó họ mới có thể “ép” nông dân sản xuất đúng theo quy trình để đảm bảo an toàn, không sử dụng tùy tiện các loại thuốc trừ sâu trôi nổi, giá rẻ. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn thiếu những phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn quốc tế cho nông sản hay rau củ quả nói riêng để phục vụ cho hoạt động XK. “Riêng con tôm của Việt Nam hiện nay đã XK được tốt vì có nhiều phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn quốc tế. Khi có mẫu xét nghiệm thì cũng dễ dàng đàm phán, không bị nước ngoài ép giá. Các phòng kiểm nghiệm này rất quan trọng và cần có sự đầu tư của nhà nước. Khi đó hàng Việt Nam không bị lệ thuộc vào phòng kiểm nghiệm nước ngoài hay khi hàng đã đóng gói xuất sang biên giới nước khác lại bị khui thùng, xét nghiệm và chờ đợi thì sẽ tốn thêm nhiều chi phí, hư hỏng”, GS-TS Bùi Chí Bửu nói. t
Bình luận (0)