Như Thanh Niên đã thông tin, trong phạm vi khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương có một phi vụ “đất vàng” với quy mô lên đến 145 ha (làm tròn), liên quan trực tiếp đến Tổng công ty sản xuất - xuất nhập khẩu Bình Dương (gọi tắt là Tổng công ty Bình Dương; trụ sở tại A128 đường 3.2, KP.Đông Tư, P.Lái Thiêu, TX.Thuận An, Bình Dương).
Từ 2017 trở về trước, công ty này 100% vốn nhà nước, là đơn vị kinh tế đảng trực thuộc Tỉnh ủy Bình Dương. Vào thời điểm tháng 12.2017, theo quyết định của UBND tỉnh Bình Dương về phê duyệt phương án cổ phần hóa, giá trị thực tế tổng tài sản doanh nghiệp (DN) này hơn 5.481 tỉ đồng, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN lên đến hơn 1.773 tỉ đồng.
Về nguyên tắc, hoạt động của Tổng công ty Bình Dương khi chưa cổ phần hóa, bắt buộc phải tuân thủ quy định pháp luật đối với DN nhà nước (DNNN); các giao dịch, hoạt động đầu tư, chuyển nhượng dự án... đều phải tuân thủ các quy định pháp luật đối với DNNN. Nhưng thực tế tại Tổng công ty Bình Dương đã có tình trạng: đất chưa được giao đem liên doanh, không đấu giá; chuyển nhượng vốn, góp thay vốn...
Phải chăng có lợi ích nhóm?
Nhiều vấn đề bất thường liên quan đến công ty này khiến bạn đọc (BĐ) đặt vấn đề: Trong phi vụ “khủng” này, phải chăng có lợi ích nhóm?
Theo BĐ Nguyễn Đình (TP.HCM), hình thức dùng tài sản là đất để góp vốn thường xuyên xảy ra. Đó là cách để “che đậy” quy định chuyển nhượng, “sang tay” tài sản nhà đất nguồn gốc nhà nước phải qua đấu giá. Hiện nay nhiều công ty cổ phần hóa có nhà - đất có nguồn gốc nhà nước “chuyển nhượng” dưới hình thức này vì đem đấu giá sẽ được giá cao nhưng phải chịu thuế lớn, giám đốc không được gì. Nếu “sang tay” thì chắc chắn giá thấp, nhưng bù lại lãnh đạo DN được ăn chia riêng; chỉ thuế nhà nước thiệt thòi, mất nguồn thu lớn. “Kiểm tra các DNNN cổ phần hóa sẽ phơi bày tất cả”, BĐ Nguyễn Đình đề xuất.
Ngoài những hiện tượng mà BĐ Nguyễn Đình nêu, BĐ Nguyễn Hoan cũng phản ánh: “Nhiều vụ cổ phần hóa DNNN có bất động sản được định giá trị rất “bèo”. Sau khi cổ phần, những bất động sản được bán lại với giá thị trường rất cao. Và những người đứng tên đại diện pháp luật cho DN mới thì rất trẻ. Không ít các vị sau một thời gian làm nhà nước thì trở thành những ông chủ mới sau cổ phần hóa”.
Cần chọn làm án điểm!
Nhiều BĐ cho rằng dấu hiệu thất thoát tài sản, “biến công thành tư” trong “phi vụ” thâu tóm 145 ha “đất vàng” ở Bình Dương là rất rõ. “Trách nhiệm thuộc về ai?”, BĐ Hào Hòa (Hà Nội) đặt câu hỏi. Và như để trả lời BĐ Nguyễn Thanh Cường (TP.HCM) viết: “Nên xử lý hình sự làm vụ án điểm, án mẫu”.
Từ những thông tin liên quan đến xà xẻo “đất vàng” ở nhiều tỉnh thành trong thời gian qua mà Báo Thanh Niên phản ánh, BĐ Ngô Thế Hùng (TP.HCM) kiến nghị: “Nhà nước cần phải mạnh tay xử lý không khoan nhượng với mọi hành vi sai phạm này”. Còn BĐ Mạnh Đức (Bình Dương) tin tưởng: “Chắc chắn Ủy ban Kiểm tra T.Ư không để vụ này “trôi” đâu”. Tương tự, BĐ Trương Ngọc Lê viết: “Để Ủy ban Kiểm tra T.Ư hoặc Thanh tra Chính phủ vào cuộc, 60 ngày là xong”.
Cảm ơn Thanh Niên đã giúp mọi người hiểu hơn về những góc khuất mang tên “những thỏa thuận bóng đêm”.
Thành Nam (TP.HCM)
“Tấc đất, tấc vàng”, tỉnh thành nào cũng có sai phạm liên quan đến lĩnh vực đất đai. Lợi ích nhóm chắc chắn là sẽ có.
Võ Thảo (Long An)
Quá ghê gớm! Không gì là không thể!
Thanh Hoàng (TP.HCM)
|
Bình luận