Mong đừng còn nỗi 'ám ảnh xếp hàng'

29/10/2023 08:53 GMT+7

Đến thời điểm này, những trung tâm đăng kiểm ô tô đang rơi vào tình trạng vắng khách, thua lỗ. Nhưng ký ức về việc xếp hàng, chạy hàng trăm cây số, thậm chí phải thuê khách sạn ở vài ngày tại địa phương khác chờ đến lượt "khám" cho chiếc xe của mình vẫn chưa phai trong ký ức nhiều người.

Nhìn lại vài năm gần đây, có khá nhiều việc gây xáo trộn đời sống xã hội, trở thành nỗi ám ảnh của không ít người, nhưng đáng tiếc là vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Mong đừng còn nỗi “ám ảnh xếp hàng” - Ảnh 1.

Xếp hàng đổ xăng tháng 11.2022

LÊ NAM

Từ cửa hàng đến lên mạng

Bà T.T.N.Y, gần 70 tuổi, ngụ P.Cát Lái, TP.Thủ Đức (TP.HCM), ngày ngày chỉ quanh quẩn làm công việc nội trợ, phụ giúp con cái dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn. Bà cũng ít khi lên mạng xã hội hay tham gia hoạt động tập thể, thế nhưng cứ cách vài ngày bà lại nhận được cuộc điện thoại từ số lạ, hỏi đúng tên họ và chào mời các dịch vụ mua bán từ dự án nhà đất, tham gia sàn chứng khoán và thỉnh thoảng có cả dịch vụ... làm đẹp. 

"Không hiểu vì sao họ biết số điện thoại của tôi, tôi có đi đâu, làm gì đâu, cũng có tiền đâu mà cứ gọi mời mua hết thứ này thứ khác. Ở nhà điện thoại vứt một chỗ, nghe thấy chuông là vội đi tìm máy, nói gở ngã gãy chân gãy tay thì lại khổ cả mình lẫn con cháu. Nên nghe đi khai thông tin (SIM chính chủ - PV) ngăn chặn các cuộc gọi của người lạ, tôi dù đã cao tuổi vẫn đi xe máy một mình đến cửa hàng của nhà mạng để đăng ký. Lúc đó cách đây đã gần nửa năm, nhiều người đổ dồn đi khai như tôi nên tôi phải đợi hơn 2 tiếng đồng hồ mới được nhân viên hỗ trợ làm xong", bà Y. kể rồi bức xúc: "Tôi làm như người ta hướng dẫn, xong cứ tưởng yên thân, ai ngờ các cuộc gọi rác vẫn diễn ra hằng ngày. Ơ hay, thế thì công sức người dân thực hiện theo quy định của nhà mạng là vô ích à?".

Ông Trương Đăng Tuấn, sống khá tách biệt tại chung cư Phú Mỹ Thuận, xã Phú Xuân, H.Nhà Bè (TP.HCM), hơn 20 năm nay chỉ dùng 1 số điện thoại và chủ yếu cũng chỉ để liên lạc với người thân trong gia đình, nhưng cũng không được các cuộc gọi rác tha. "Vài tháng trước tôi nhận được thông báo phải chuẩn hóa thông tin SIM điện thoại, nghe bảo là giúp hạn chế được các cuộc gọi rác. Thật sự tôi không quan tâm, nhưng vì SIM số này tôi đã dùng khá lâu, sợ bị thu hồi nên vẫn đi đăng ký theo quy định. Ngày hôm đó đông người đến đăng ký nên tôi phải xếp hàng chờ đợi. Nhân viên hướng dẫn nói tôi có thể tự làm, nhưng tôi lớn tuổi rồi, không rành sử dụng điện thoại thông minh nên mới tới tận nơi, nhờ nhân viên thực hiện trực tiếp. Thế nhưng từ hồi làm xong đến nay tôi vẫn bị nhận những cuộc gọi điện thoại chào mời mua bán, tặng quà khuyến mãi hoặc dụ dỗ tham gia các dịch vụ tiền ảo, sàn chứng khoán… Bực bội quá, tôi khóa máy luôn, mỗi ngày chỉ mở máy vào khung giờ nhất định, người thân muốn liên hệ thì gọi đúng vào giờ đó", ông Tuấn kể.

Nhắc lại câu chuyện đổ dồn đi chuẩn hóa thông tin để ngăn chặn SIM rác, nhiều người vẫn nhớ như in giây phút xếp hàng chen lấn. Ông Bùi Hoàng Ân, một tài xế xe ôm công nghệ, ngụ H.Hóc Môn (TP.HCM), kể: "Hôm đó tôi đậu xe chờ khách trước một cửa hàng dịch vụ của MobiFone nên nhớ rất rõ, người dân đổ dồn đến đăng ký thông tin thuê bao chính chủ đông nghẹt. Tôi hỏi ra mới biết bữa đó là hạn chót đăng ký thông tin, ai không thực hiện chuẩn hóa sẽ bị khóa SIM, bị thu hồi SIM…Tôi lo lắng nên vội gọi về nhà kêu vợ và con gái đi thực hiện, bản thân tôi cũng chen vào đám đông để đăng ký".

Mong đừng còn nỗi “ám ảnh xếp hàng” - Ảnh 2.

Ám ảnh chờ đăng kiểm xe thời quá tải

NHẬT THỊNH

Chỉ riêng với SIM điện thoại, người dùng đã trải qua 2 lần khai thông tin chính chủ, trong đó lần đầu tiên vào cuối tháng 4.2018. Thời điểm đó, nhiều người phải nghỉ làm, nghỉ học, đội nắng xếp hàng chờ đợt lượt. Những tưởng thế là xong, nhưng 5 năm sau, năm 2023 lại thêm một lần bổ sung thông tin thuê bao di động trước nguy cơ sẽ bị chặn liên lạc nếu thông tin không trùng khớp với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, gây xáo trộn thị trường. Thậm chí, SIM rác còn tận dụng ngay thời điểm này để giả mạo nhà mạng, nhắn tin gọi điện phiền nhiễu, lừa đảo người dùng. Quan trọng hơn, đến thời điểm hiện tại, tình trạng cuộc gọi rác, tin nhắn rác vẫn tiếp diễn...

Xếp hàng vì… ô tô

Dù thời gian đã trôi qua gần nửa năm, nhưng anh Nguyễn Vân Ngọc, một chủ ô tô tại Q.7 (TP.HCM), vẫn nhớ như in những trải nghiệm vất vả của chính bản thân khi đi đăng kiểm ô tô: "Từ cuối năm 2022, tôi đã biết tình cảnh khổ sở vì đăng kiểm qua các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng khi chính mình đi kiểm định mới thấy khổ gấp nhiều lần. Lúc đó, hầu như các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) đều thực hiện đăng ký lịch hẹn qua ứng dụng trên điện thoại, nhưng khi tôi vào để đặt lịch thì không còn một chỗ trống ở tất cả các trạm trên cả nước. Xe của tôi đến ngày 20.4 hết hạn, chỉ tìm được thời gian còn trống vào lúc 15 giờ 30 ngày 21.4 tại TTĐK 95-01D tỉnh Hậu Giang. Không còn cách nào khác, tôi đành đăng ký ngay, nếu không lại mất chỗ. Từ TP.HCM, tôi phải vượt quãng đường gần 200 km chạy về Hậu Giang trước 2 ngày và nằm vạ vật ở đó chờ kiểm định theo lịch hẹn, trong lòng còn thầm nghĩ rằng mình quá may mắn giành được suất cuối cùng. Nhưng sự thật là vẫn chưa hết khổ, đến 15 giờ 30 ngày 21.4, khi xe của tôi đến nơi theo giờ hẹn kiểm định, thì trời ơi, phía trước vẫn còn một hàng dài xe chờ đợi".

Anh Ngọc kể, giữa cái nắng nóng oi bức, hàng trăm tài xế, chủ xe, trong đó có anh, đứng ngồi lê lết để chờ đợi nhích xe từng chút vào khu vực kiểm định. "Khách quan mà nói thì các kiểm định viên cũng nỗ lực hết sức, làm cả ngày đêm để đáp ứng tiến độ và cũng sốt ruột trước sự chờ đợi kéo dài của người dân. Ngay cả giám đốc TTĐK này cũng đích thân tham gia vào công việc kiểm định, nhưng trước sự quá tải cũng như phải đảm bảo tuân thủ nghiêm các quy trình, đến tận 23 giờ ngày 21.4 xe tôi mới đăng kiểm xong. Đây thật sự là một trải nghiệm đáng nhớ nhất trong hàng chục lần đi đăng kiểm xe của tôi", anh Ngọc đúc kết.

Anh Nguyễn Đình Đạt, chủ một chiếc xe Mitsubishi đời 2004, cũng không thể quên ngày phải lái xe hơn 200 km để đăng kiểm nhưng cuối cùng ra về với một… cục tức. "Hôm đó, tôi dậy từ 3 giờ 30 sáng, lái xe thẳng một mạch từ TP.HCM đến Bảo Lộc (Lâm Đồng) để kịp thời gian vào dây chuyền kiểm định đầu tiên trong ngày. Chiếc xe của tôi đã sắp đến ngày đi kiểm định, nhưng trạm đăng kiểm gần nhất ở TP.HCM lấy lịch hẹn phải tới giữa tháng 4 mới đến lượt. Nếu đúng ngày theo giấy hẹn thì xe của tôi sẽ trễ mất 10 ngày, và chẳng may xe không đạt quy định sẽ phải đi sửa chữa rồi tới xếp hàng để tái kiểm, rất mệt mỏi khi thời tiết đang nắng nóng. Tôi quyết định tự chạy xe lên Bảo Lộc đăng kiểm cho mát mẻ, nếu xong thì về trong ngày", anh Đạt kể.

Mong đừng còn nỗi “ám ảnh xếp hàng” - Ảnh 3.

Xếp hàng chuẩn hóa SIM chính chủ

NHẬT THỊNH

Mọi thứ đúng như anh Đạt tính toán, xe đến lượt lăn bánh dây chuyền và được các đăng kiểm viên kiểm tra rất kỹ. Thế nhưng anh Đạt cảm thán: "Trời thì mát lạnh nhưng người tôi nóng ran khi cầm giấy yêu cầu sửa chữa thắng (phanh) trục sau. Không để mất nhiều thời gian, tôi lên xe chạy tới gara ô tô tại trung tâm Bảo Lộc vì biết nơi này đầy đủ thiết bị và có hẳn băng chuyền đo lực thắng, tay lái, và khoảng chục cái cầu nâng xe rất chuyên nghiệp. Tôi cho xe lên máy đo tại gara thì thấy 1 bánh sau thắng rất yếu. Sau khi cho thay phụ tùng và kiểm tra trên máy, thấy hai bánh sau lực thắng đã mạnh và đều, tôi quay lại TTĐK lúc 11 giờ 30 và được vào dây chuyền kiểm tra luôn, không phải đợi. Thế nhưng một lần nữa nhân viên đăng kiểm gọi tôi tới để thông báo thắng trục sau xe vẫn yếu hơn trục trước. Giải thích thế nào vẫn không được, tôi bị yêu cầu phải khắc phục xe đủ lực thắng trục sau như trục trước. Tôi đành thuê khách sạn ngủ lại Bảo Lộc 1 đêm và chờ thêm phụ tùng vận chuyển từ TP.HCM gửi lên mới khắc phục xong "lỗi" phanh không đều theo yêu cầu của TTĐK và lái xe về lại TP.HCM".

Nhớ lại thời điểm ùn tắc đăng kiểm trong 6 tháng đầu năm 2023, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Vận tải Bình Dương, không khỏi ngán ngẩm: "Thời điểm đó từ chủ doanh nghiệp, tài xế đến kinh doanh dịch vụ vận tải ai cũng mệt mỏi, khổ sở và thậm chí muốn phá sản vì không kiểm định xe được. Xếp hàng chờ đợi kéo dài trong khi quy trình kiểm tra vẫn còn nhiều bất cập, vô lý. Đến nay mọi thứ đã tạm ổn, nhưng giai đoạn đó tôi mong rằng đừng bao giờ quay trở lại nữa".

Xếp hàng - đừng là nỗi ám ảnh !

Đối với Thiên Kỷ, một thanh niên 20 tuổi, nhân viên cửa hàng quần áo tại Q.1 (TP.HCM), ký ức của "đêm không xăng" vẫn khó phai nhòa: "Đêm đó xe em hết xăng, nên bắt buộc phải đứng ở cây xăng chờ đợi, đến gần 0 giờ hôm sau vẫn chưa có xăng để đổ. Không ít người cũng giống như em, đứng chờ trong vô vọng mà chẳng biết làm cách nào. Nhiều người lo lắng, nhưng cũng có nhiều người lạc quan tếu, nói rằng đây là trải nghiệm khó quên trong đời".

Ông Bùi Văn Quý, hơn 70 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh (TP.HCM), ngồi nhẩm đếm lại những lần ông xếp hàng gần đây: "Năm 2021, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, người người nhà nhà phải cách ly, tiếp đó là xếp hàng để được tiêm ngừa vắc xin, xếp hàng xét nghiệm. Dịch bệnh tạm ổn, năm 2022, nhiều nơi lại nổi lên tình trạng thiếu xăng dầu. Lại xếp hàng", ông chép miệng và thở dài: "Lần nào cũng đáng sợ cả. Nhưng xếp hàng để tiêm vắc xin là bắt buộc, vì nó liên quan đến sức khỏe, tính mạng. Còn các lần xếp hàng khác, lẽ ra không nên có, như vụ xếp hàng đổ xăng. Lúc đó ai cũng hoang mang, cây xăng nào cũng đông nghịt người chờ đợi mà bên trong thì vẫn rào chắn, hết hàng. Tôi nhớ lúc đó phải xếp hàng đến tận nửa đêm mới có xăng, mà mỗi người chỉ được đổ 30.000 đồng chứ không được nhiều hơn".

Chị Nguyễn Thị Nga Huyền, ngụ Q.8 (TP.HCM), cũng chia sẻ: "Mấy năm nay thật sự có quá nhiều sự kiện người dân phải xếp hàng mà lần nào cũng là một ký ức khó quên. Đối với tôi, chờ đợi nhiều giờ đồng hồ dưới mưa để đổ xăng là câu chuyện khó quên nhất. Do quãng đường từ nhà đến công ty khá xa, không thể không đổ xăng, tôi đi cả 2 - 3 km, mãi mới tìm được cây xăng để đổ. Lúc đó trời mưa to lắm, nhiều người cũng chen chúc xếp hàng giống như tôi. Thời điểm đó lẽ ra người người, nhà nhà đang yên giấc, nhưng lại có nhiều người không đổ được xăng, đành đứng đợi. Tôi mong rằng mỗi năm sẽ không có thêm biến động nào để việc xếp hàng, chen lấn đừng xảy ra. Bởi những lần như thế chịu thiệt thòi luôn là người dân".

Xếp hàng đã trở thành văn hóa ở nhiều nước phát triển trên thế giới. Hình ảnh các tỉ phú, chính khách, người nổi tiếng... xếp hàng không còn xa lạ với chúng ta. Ở VN, xếp hàng nơi công cộng cũng đã hình thành và đang được duy trì để xây dựng một xã hội văn minh. Nhưng không phải là những vụ xếp hàng bất đắc dĩ như nói trên...

Trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng nhanh chóng và sâu rộng, các cơ quan hành chính, quản lý dịch vụ công cũng đang từng bước đưa người dân trở thành công dân số, chỉ trong thời gian ngắn nữa thôi hầu hết các dịch vụ công, tư đều chạy trên nền tảng số. Trong số 100 triệu dân thì có đến 60% người từ 14 tuổi trở lên, đủ điều kiện cấp CCCD và quản lý trên hệ thống máy tính. Như vậy làm thế nào để không lộ lọt thông tin, dữ liệu cá nhân ra ngoài gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của họ? Ngoài việc trang bị đầy đủ kỹ năng, nâng cao ý thức tự bảo mật thông tin, huấn luyện kỹ năng cơ bản về bảo mật cho người dân, vấn đề bảo mật từ hệ thống dữ liệu của các cơ quan cũng phải được thay đổi để quản lý tốt hơn. Nguyên nhân rò rỉ dữ liệu, thông tin cá nhân hiện nay xuất phát có thể từ chính những nhân viên công vụ. Nếu hệ thống ngân hàng, tài chính có nhiều trường hợp tuồn dữ liệu khách hàng ra bên ngoài thì chính hệ thống quản lý nhà nước cũng có thể bị rò rỉ.

Ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.