Hỏi, người dân bảo: “Mót chữ, chứ không chỉ là đi học”...
Ước mơ của Na Vy
Cô bé Lê Thị Na Vy năm nay 10 tuổi là học sinh lớp 4 của Phân hiệu mầm non - tiểu học Thiềng Liềng (xã Thạnh An, H.Cần Giờ) là con út của anh Lê Hòa Thanh, 39 tuổi và chị Nguyễn Thị Lệ Hằng, 37 tuổi.
Thiềng Liềng là ấp nghèo nhất TP.HCM. Gia đình Na Vy nghèo đến kiệt cùng trong ấp bởi ba mẹ bao năm nay chỉ đi làm muối thuê, đến mái nhà cũng không có, phải bồng bế nhau vào dựng lán trong rừng tràm sát biển, sống lần hồi...
4 con người sống đơn độc giữa rẻo đất phèn nước mặn, không thể nuôi nổi cây hay con gì, mọi đồ ăn thức uống đều mua nợ ở mấy tiệm tạp hóa ngoài ấp, riết rồi cũng quen. Với họ, việc vất vả nhất mấy năm nay là chuyện học của Na Vy. “Nhà lút trong rừng, xa ấp cả chục ki lô mét đường sông, mỗi ngày phải chạy thuyền vài tiếng đưa con bé tới lớp” - chị Hằng kể vậy và thở dài: “Mấy lần cho nghỉ học nhưng nó không chịu, khóc miết”.
Hành trình đi học của cô bé Na Vy, có chứng kiến mới thấy gian khổ: 4 giờ 30 bé phải dậy ăn cơm nguội và chuẩn bị sách vở, quần áo; 5 giờ 30 ba Thanh hoặc anh trai Lê Thanh Phong (17 tuổi) chở em rời nhà, lạch tạch thuyền máy luồn qua những cánh rừng còn tối đen; 6 giờ 30, thuyền tấp vào đoạn kênh trước lớp học, bé Na Vy đang ngủ còng queo trong lòng thuyền, chồm dậy và sấp ngửa ôm cặp, dụi mắt vào lớp, vừa kịp giờ; buổi trưa, ba mẹ gửi tiền cho người quen nấu cơm nên cô bé không phải vật vờ trong trường; 17 giờ 30, ba hoặc anh lại chạy thuyền ra đón Na Vy về nhà khi nhọ (tối) mặt người, chỉ kịp tắm giặt, ăn cơm rồi lăn ra ngủ... Đi lại vất vả nhưng Na Vy rất chăm học và học giỏi nổi bật so với các bạn cùng trang lứa, năm nào cũng được giấy khen.
Thầy Lê Văn Phụng, Phân hiệu trưởng mầm non - tiểu học Thiềng Liềng, kể: Mấy năm trước Na Vy phải nghỉ học 1 năm điều trị khối u ở bụng, cộng thêm điều kiện gia đình quá khó khăn, phải chạy ăn từng bữa nên ba mẹ xin nhà trường cho bé nghỉ học. Biết chuyện, cô bé khóc mấy ngày trời nằng nặc đòi đến lớp khiến ba mẹ lo bệnh tình tái phát, phải chiều theo ý. Thầy cô trong phân hiệu quyên góp giúp đỡ và cứ có đoàn khách du lịch nào ra khám phá Thiềng Liềng là đều tìm gặp, kể hoàn cảnh của Na Vy để xin vài trăm nghìn, chuyển về gia đình phụ giúp mua đồ ăn, quần áo, xăng dầu chạy thuyền đưa em đi học mỗi ngày.
“Hằng tháng, chúng tôi chạy ghe vào tặng cân gạo, chai dầu và khuyên nhủ gia đình đừng bắt cháu nghỉ học!” - thầy Phụng kể vậy và trầm ngâm: “Con bé ngoan lắm. Thi thoảng lại níu áo thầy cô mời vô rừng chơi để ba mẹ cho đi học”.
Giờ ra nghỉ giữa buổi học, bọn trẻ ùa ra sân tung tăng chơi trên bờ kênh rậm rì rễ cây. Tôi ngồi với Na Vy và hỏi: “Con có muốn đi học lâu dài không?”. Cô bé ngước mắt tròn to, lóng lánh những nước là nước: “Con chỉ muốn học lên cao, để sau làm cô giáo”.
|
“Rớt chữ” dọc sông
Ông Nguyễn Văn Yến, Bí thư Chi bộ ấp Thiềng Liềng, thường được gọi là “chúa ấp” quản lý 790 nhân khẩu/211 hộ dân, cũng đang buồn rũ người vì năm học 2016 - 2017, cậu con út không đủ điểm vào lớp 10. “Tụi nhỏ THCS ngày nào cũng 2 chuyến đò đi về Thiềng Liềng - Thạnh An, chữ rớt dọc sông, sức đâu mà thi với cử” - ông Yến thở dài.
|
Trưa, chừng ấy đứa trẻ hoặc vật vờ trong trường với cặp lồng cơm mang theo hoặc nhếu nháo cơm bụi 10.000 - 15.000 đồng mà cha mẹ dành dụm đưa cho mỗi ngày. 17 giờ, chừng ấy đứa trẻ lại bơ phờ trong khoang thuyền chật hẹp về nhà, khi trời đã tối mịt.
“Những hôm nước ròng, thuyền đò mắc cạn, bọn trẻ phải cởi hết quần xanh áo trắng, lội sình đẩy thuyền” - thầy giáo Lê Văn Phụng kể và rầu rĩ: Mùa gió chướng, sóng lưỡi búa vùi thuyền nghiêng ngả, bọn trẻ say sóng, đứa nào đứa nấy mặt xanh như tàu lá, ba mẹ phải xuống bến dìu về nhà…
Học hành khó khăn, nên năm học 2016 - 2017 này có gần 30 trẻ em trong độ tuổi đến trường phải nghỉ học ở nhà làm thuê cuốc mướn, mò hàu. Một số em ham học nhưng nhà xa tít trong rừng, gia đình phải chọn phương án gửi con cho người quen trong ấp, cứ cuối tuần, thậm chí hằng tháng mới chạy thuyền máy ra đón về thăm nhà, đơn cử như 2 cô bé cùng học lớp 3 là Nguyễn Thị Tuyết Hoa và Võ Thị Ngọc Huyền…
“Với tình hình học hành khó khăn thế này, chúng tôi không chắc 53 học sinh tiểu học, 35 THCS và 17 THPT của năm học 2016 - 2017 giữ nguyên số lượng” - Bí thư Nguyễn Văn Yến nói vậy.
Thầy giáo biên phòng
Ở Thiềng Liềng, những người từ nơi khác đến sinh sống làm việc là những cán bộ chiến sĩ Trạm kiểm soát Biên phòng Thiềng Liềng (thuộc Đồn biên phòng Thạnh An, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, TP.HCM) và họ mới là những thầy giáo đầu tiên của ấp đảo nằm cách trung tâm thành phố cả trăm ki lô mét.
Cô giáo Lê Thị Thu Hà vốn người địa phương nhưng vẫn nhớ rành mạch những ngày “dạy cho trẻ, tìm việc cho già” của thượng úy Bao Minh Tiến cách đây gần chục năm. Thời điểm ấy, thượng úy Tiến về nhận nhiệm vụ Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Thiềng Liềng.
Thấy người dân quá khổ, anh Tiến liên hệ với các chủ tàu đến địa bàn bốc xếp hàng hóa, mỗi ngày nhận từ 40 - 50 người lao động của ấp. Giữa năm 2013, anh Tiến tiếp tục vận động kinh phí từ nhiều nguồn để xây dựng lớp tin học cộng đồng cho người dân, học sinh Thiềng Liềng với số máy tính trang bị lên đến 20 máy và giáo viên đứng lớp là anh cùng một số cán bộ chiến sĩ của đồn.
Từ lớp học này, 14 cán bộ, học sinh ấp Thiềng Liềng đã được Trường đại học Công nghệ thông tin TP.HCM cấp chứng chỉ A tin học và hiện nay, các giáo viên - sinh viên của trường coi Thiềng Liềng là điểm thân thuộc cho Mùa hè xanh mỗi năm.
Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Đào Đức Long, Trạm trưởng Trạm kiểm soát Biên phòng Thiềng Liềng, nói: “Ấp đảo đã có điện lưới, nước sạch cũng được trợ giá bán và thành phố đầu tư rất nhiều cho Thiềng Liềng. Nhưng mọi thứ to tát đều chỉ là vật chất, người dân ấp đảo phải vượt qua tâm lý tự bằng lòng “mò cua bắt ốc” để thành người có tri thức làm giàu cho quê hương. Và như vậy, phải chăm lo từ chuyện học hành của con trẻ…”.
Rời Thiềng Liềng lúc chiều tà, cô bé Na Vy đang lũn cũn chạy ra bờ kênh chợt khựng lại, túm áo tôi lắc lắc: “Hôm nào chú vào rừng chơi với ba má, để con được đi học, nha!”, khiến tôi nhớ đến ngày khai giảng trong phố, bọn trẻ sạch sẽ thơm tho, phụng phịu được ba mẹ “ốp” đến trường. Hôm ấy, Na Vy vẫn dậy từ 4 giờ 30, nằm còng queo ngủ rốn trên tấm ván gỗ lưng thuyền và lại dụi mắt to tròn trong ngày khai giảng, gắng nuôi ước mơ làm cô giáo nơi ấp đảo Thiềng Liềng.
Bình luận (0)