Một ngân hàng Tây Ban Nha được mua lại với giá chỉ 1 euro

08/06/2017 18:27 GMT+7

Ngân hàng lớn nhất Tây Ban Nha Santander đã chi trả 1 euro để mua lại một ngân hàng đang gặp khó khăn gần như phá sản.

Theo The New York Times, Santander đã ra tay giải cứu ngân hàng đối thủ Banco Popular với giá mua biểu tượng chỉ 1 euro. Động thái này diễn ra sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hôm 6.6 xác định rằng, Banco Popular, với hàng tỉ USD trong các khoản cho vay bất động sản xấu, sẽ hoàn toàn “có khả năng sụp đổ”.
“Tình hình thanh khoản của Banco Popular ngày càng xấu đi trong những ngày gần đây. Nhiều khả năng trong tương lai ngân hàng này sẽ không thể tiếp tục thanh toán các khoản nợ của mình. Do đó quyết định bán ngân hàng đi sẽ là cách hành động tốt nhất”, ECB nhận định.
Đại diện phía Santander cho biết họ sẽ bổ sung dự phòng khoảng 7,9 tỉ USD để tăng cường bảng cân đối tài chính cho Banco Popular, trong đó có 7,2 tỉ USD sẽ được dành cho các khoản vay bất động sản. Việc sáp nhập ngân hàng đối thủ cũng sẽ cung cấp thêm cho Santander khoảng 20 triệu khách hàng trên toàn cầu và 20% thị phần cho vay của Tây Ban Nha.
“Chúng tôi chào đón khách hàng của Banco Popular như một phần của Santander và sẽ phục vụ họ theo những tiêu chuẩn cao nhất thông qua quá trình chuyển đổi mới”, Ana Botín, chủ tịch điều hành của Santander, nói.
Được biết, các khoản vay xấu đã đè nặng lên nhiều nhà cho vay Tây Ban Nha suốt nhiều năm qua, kể từ khi bong bóng bất động sản của nước này bùng nổ. Banco Popular không phải là trường hợp đầu tiên đứng bên bờ vực phá sản. Thực tế, ngân hàng cho vay thế chấp lớn Bankia cũng đã gần như sụp đổ cách đây 5 năm về trước, buộc chính phủ của Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy phải đàm phán để có được gói cứu trợ ngân hàng lên đến 41 tỉ USD từ châu Âu.
Quyết định mua lại Banco Popular của Santander lần này là trường hợp đầu tiên trong việc giải cứu ngân hàng theo các quy định mới của các nước châu Âu kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhằm ngăn chặn những ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế khu vực. Theo đó, cổ đông và chủ sở hữu trái phiếu sẽ chịu trách nhiệm tài chính thay vì lấy tiền đóng thuế của người dân các nước châu Âu trả cho những khoản vay nợ xấu.
Tuy nhiên, sự thất bại của Banco Popular vẫn là một lời nhắc nhở rằng một thập niên sau cuộc khủng hoảng tài chính, hệ thống ngân hàng ở khu vực đồng tiền chung euro vẫn rất dễ bị tổn thương. Những tai họa của các ngân hàng tiếp tục gây sức ép lên tăng trưởng kinh tế trong khối. Nhiều ngân hàng ở Ý, Đức và các nước khác trong khu vực đã phải chịu những khoản vay xấu trong khi lợi nhuận thu về ít ỏi. Hơn nữa, quyết định của ECB về trường hợp của Banco Popular lần này cũng đang đặt ra câu hỏi về việc liệu ngân hàng trung ương sẽ áp dụng các quy định mới một cách nhất quán.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.