Một ngày ở Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ

Trần Tiến
Trần Tiến
29/07/2021 05:00 GMT+7

Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ là bệnh viện chuyên tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid -19 đầu tiên trực thuộc Sở Y tế TP.HCM. Phóng viên Thanh Niên đã đến tận nơi, ghi nhận những tất bật, vất vả của bác sĩ, điều dưỡng làm việc tại nơi này.

Để ứng phó với tình hình dịch bệnh, từ tháng 3.2020, TP.HCM chọn Trung tâm y tế H.Cần Giờ (trước đó là Bệnh viện (BV) H.Cần Giờ) làm BV điều trị Covid-19, tiếp nhận cứu chữa những ca nhiễm từ nhẹ đến nặng. BV có sức chứa khoảng 600 giường (gồm 2 cơ sở, với sức chứa 300 F0/cơ sở), có 29 bác sĩ (BS) và 52 điều dưỡng (ĐD), bao gồm các y BS đến hỗ trợ tăng cường (lực lượng ở TP.HCM và chi viện từ tỉnh Ninh Bình).
Sáng 23.7, chúng tôi có mặt tại BV điều trị Covid-19 Cần Giờ. Gặp chúng tôi, các BS của BV nhắc nhở phải cẩn trọng mọi lúc mọi nơi bởi nguồn lây nhiễm tiềm ẩn xung quanh, và giới thiệu các khu vực bệnh nhân (BN) F0 đang được cách ly điều trị cũng như khu vực “vùng đỏ” không được phép tiếp cận.
Khoa lâm sàng là nơi điều trị các ca F0 và khoa hồi sức tích cực (ICU) tiếp nhận những BN nặng. Các khu vực đều hạn chế tối đa người ra vào, đội ngũ y BS vào khám chữa bệnh phải trang bị kỹ càng đồ bảo hộ. Tại khoa ICU, thấy chúng tôi đến, các ĐD chỉ kịp gật đầu chào rồi ai nấy lại vùi đầu vào công việc.

Sáng 29.7: Cả nước thêm 2.821 ca Covid-19, riêng TP.HCM 1.715 bệnh nhân

Không kịp ăn trưa

Mãi đến gần trưa (23.7), BS Trần Hải Long (được điều động từ BV Chợ Rẫy) từ trong phòng BN ra, mới trao đổi được với chúng tôi.
Áo ướt đẫm vì mặc đồ bảo hộ nhiều giờ liền, BS Long cảnh báo chúng tôi về mức độ nguy hiểm khi vào khu vực này. Bởi khoa ICU là khu vực tiếp nhận các BN ở cấp độ nặng từ 3 đến 4. Hầu hết các BN được đưa đến ICU đều có bệnh nền và nguy cơ tử vong, do đó mức độ lây nhiễm tại đây cao hơn.
BS Long nhắc nhở: “Mọi thứ xung quanh đều không được đụng vào; phải đeo khẩu trang N95, mặc đồ bảo hộ...; vài chục phút rửa tay khử khuẩn một lần để đảm bảo”.
Một ngày ở Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ1

Điều dưỡng Nguyễn Văn Hòa theo dõi sức khỏe bệnh nhân qua camera suốt ca trực

ẢNH: TRẦN TIẾN

BS Long cho biết, khoa ICU đang điều trị cho 10 BN, trong đó có 1 người nước ngoài, 4 BN phải thở máy, 4 BN khác phải dùng HFNC (điều trị ô xy dòng cao qua Canuyn mũi - PV). Tất cả các kíp trực đều thường xuyên theo dõi tình trạng BN qua thiết bị camera lẫn kiểm tra thực tế. Mỗi ca trực bố trí 2 BS và 4 ĐD phụ trách tất cả công việc tại ICU. “Những ngày qua là quãng thời gian rất mệt và áp lực kéo dài với lượng công việc tăng gấp 2 - 3 lần trước đó”, BS Long chia sẻ.
Do lượng công việc dồn dập nên khi vào việc, cả ca trực tức tốc cùng nhau phân thuốc, kiểm tra sổ sách cũng như theo dõi tình hình BN trong phòng bệnh...
12 giờ trưa, cơm được đưa tới trước cửa phòng làm việc của khoa ICU. Người chuyển cơm để các phần cơm vào phòng chờ rồi rời đi nhanh chóng. Đến gần 14 giờ chiều, khi mọi thứ đã tương đối ổn thì cả ca trực mới... sực nhớ đến giờ cơm trưa. Người ăn vội cho đỡ đói, người chỉ dùng một ít rồi để dở đó, tranh thủ ngả lưng...

Mọi người trong một ca trực sẽ lo từ A đến Z, từ việc chăm sóc, cho bệnh nhân ăn uống đến dọn vệ sinh phòng bệnh lẫn vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân. Việc gì cũng phải học để chủ động ứng phó khi gặp vấn đề

Điều dưỡng Nguyễn Văn Hòa

“Không có thời gian”, một nữ ĐD (xin không nêu tên) cười và nói thêm, có những hôm ca trực không kịp ăn vì lo công việc suốt.

Nơi giành giật sự sống cho người bệnh

BS Trần Hải Long cho biết, đến đây mới hiểu được nỗi vất vả mà các đồng nghiệp đã và đang làm việc tại BV. Khoa ICU được gọi là phòng tuyến cuối cùng bởi chỉ tiếp nhận các trường hợp chuyển biến nặng và đối mặt với nguy cơ tử vong. Đội ngũ y BS tại đây luôn trong tâm thế tập trung cao độ với công việc để cứu BN.
“Bản thân tôi cũng đã chứng kiến ca bệnh tử vong tại khoa này cách đây vài ngày. Họ chuyển nặng vì Covid-19 và cũng có thể vì bệnh nền, các ca nằm tại đây chủ yếu là người lớn tuổi. Nhiều thứ ở đây còn thiếu. Do vậy, mọi người ở đây đều hợp sức để chung tay hỗ trợ nhau. Chúng tôi đang cố gắng để giành lại sự sống cho BN”, BS Long nói.
Một ngày ở Bệnh viện điều trị Covid-19 Cần Giờ2

Kíp trực giúp nhau trang bị đồ bảo hộ trước khi vào phòng bệnh nhân

Ảnh: Trần Tiến

Một BS khác (xin không nêu tên) ví khoa ICU như cái đáy phễu, là nơi những ca chuyển nặng, cần thở máy được đưa đến chữa trị để giành lại sự sống từ lưỡi hái tử thần.
Tại khoa ICU hiện có 6 máy thở (kể cả 2 máy vừa được tăng cường). “Có thêm 2 chiếc máy, y BS rất vui. Có thêm máy thở là có thêm hy vọng cho người bệnh”, một BS chia sẻ.

Mừng vì một ngày không có ca tử vong

20 giờ 30 cùng ngày 23.7, ca 3 vào trực tại khoa ICU với đội ngũ 2 BS, 4 ĐD. Cũng như những lần trực trước, ca trực phân chia người lấy thuốc, người kiểm tra camera quan sát BN, người chuẩn bị dụng cụ bảo hộ ứng phó sẵn khi các ca bệnh chuyển nặng.
Theo các ĐD tại đây, tình huống bệnh chuyển nặng thông thường xảy ra vào đêm khuya. Do đó, ca trực sẽ phân công một người trực camera lẫn bộ đàm.
22 giờ đêm, ĐD Nguyễn Văn Hòa (31 tuổi, được tăng cường từ BV TP.Thủ Đức) trực camera phát hiện BN tại giường số 2 “đi ngoài” trong giai đoạn không tỉnh táo nên thông báo ca trực. Lúc này, BS Hoàng Anh và ĐD Nghĩa vào xử trí, chăm sóc cho BN.
BS Anh và ĐD Nghĩa vội mặc đồ phòng hộ cấp 4 (loại chống thấm và tốt nhất hiện nay - PV) kín mít rồi bắt tay vào công việc. Do BN không nằm yên một chỗ nên công tác xử trí cũng gặp nhiều khó khăn.
Khi vừa xử lý BN giường số 2 xong, thì bộ đàm từ phòng bệnh vang lên: “Giường số 7 BN chuyển nặng, không đi tiểu được, thêm người!”. Các BS, ĐD nhanh chóng mặc đồ bảo hộ rồi vào xử trí cho BN.
Loay hoay hơn 1 giờ đồng hồ, các BS, ĐD mới rời khỏi phòng bệnh, mồ hôi ướt cả áo. Gần 12 giờ đêm, ĐD Hòa vẫn dán mắt vào màn hình để theo dõi tình trạng của BN cũng như theo dõi nhịp tim của từng ca bệnh. Do các ca nhiễm Covid-19 thuộc cấp độ nặng nên khi không buộc phải tiếp xúc gần để xử trí, thì y BS theo dõi qua camera. “Mặc đồ bảo hộ rất nóng và khi vào phòng bệnh càng nóng hơn, do không dùng máy lạnh, nên sẽ nhanh bị mệt”, ĐD Hòa nói.
Nói chuyện với ĐD Hòa, chúng tôi biết thêm nhiều nỗi trăn trở của đội ngũ y tế trong thời điểm dịch này. ĐD Hòa tâm sự: “Do nhân lực không đủ nên mọi người trong một ca trực sẽ lo từ A đến Z, từ việc chăm sóc, cho BN ăn uống đến dọn vệ sinh phòng bệnh lẫn vệ sinh cá nhân cho BN. Việc gì cũng phải học để chủ động ứng phó khi gặp vấn đề...”.
Thời gian trôi dần đến sáng, ca trực mới chuẩn bị thay phiên vào điều trị bệnh, tiêm thuốc cho 10 BN khoa ICU.
Qua một đêm trực, ĐD Hòa rất mừng vì không có BN tử vong. “Có những đêm trực mà cả kíp trực phải xoay liên tục vì BN chuyển nặng; có khi tất bật đến tận sáng. Hôm nay mừng vì một ngày không có ca tử vong”, ĐD Hòa nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.