Nhiều người ở trọ chia sẻ bản thân nhận thức được mối nguy hiểm của dịch bệnh nên cố gắng tuân thủ nghiêm túc các quy định phòng chống dịch, đặc biệt là không giao lưu, tiếp xúc với các phòng trọ bên cạnh, chỉ ra ngoài khi đi nhận hoặc mua lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu. Hầu hết người dân trong các khu trọ bày tỏ sự ủng hộ với việc thực hiện triệt để giãn cách để thành phố sớm kiểm soát tình hình, đưa cuộc sống trở về bình thường như trước đây. Người dân mong muốn chính quyền địa phương hỗ trợ kịp thời để vượt qua những khó khăn trước mắt.
Cùng ngày, UBND TP.HCM ban hành văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý khu phong tỏa. Thực tế cho thấy có sự lây lan khiến số F0 tăng lên nhiều lần so với số F0 có sẵn trong khu phong tỏa khi vừa được phát hiện. Theo đó, UBND cấp phường xác định phạm vi phong tỏa dựa trên số F0 được phát hiện, vị trí sinh sống, mức độ giao lưu tiếp xúc, môi trường sống, tình trạng nhà ở, mức độ tập trung của cư dân. Phạm vi phong tỏa không quá hẹp để bỏ sót trường hợp F0, F1 nhưng cũng không quá rộng ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân. Địa phương định kỳ đánh giá mức độ an toàn để kịp thời gỡ bỏ phong tỏa từng phần, trước tiên là khu vực ít nguy cơ, đến khu vực nguy cơ vừa và sau cùng là khu vực nguy cơ rất cao. Một khu vực đạt tiêu chuẩn giải tỏa nhưng còn hộ phải tiếp tục cách ly (hộ có F1 cách ly tại nhà, hộ có F1 trở về tiếp tục cách ly tại nhà, hộ có F0 sau điều trị tiếp tục cách ly tại nhà...) cũng được giải tỏa và tiếp tục quản lý nghiêm các hộ này cho đến hết thời gian cách ly theo quy định.
Mỗi khu phong tỏa thành lập Tổ công tác quản lý với sự tham gia của công an, quân sự, y tế, lực lượng thanh niên xung phong, tình nguyện viên của Thành đoàn, các đoàn thể, trưởng các khu phố, ấp, tổ dân phố, tổ nhân dân, thành viên Tổ Covid-19 cộng đồng... Tổ quản lý có nhiệm vụ tiếp nhận thông tin về các hộ dân, lập danh sách người dân có mặt thực tế trong khu phong tỏa, ghi số điện thoại để liên hệ khi cần thiết, phân loại nguy cơ theo từng gia đình, tổ chức đi chợ thay, tiếp nhận nhu yếu phẩm từ bên ngoài, tiếp nhận phản ánh của người dân để cấp thẩm quyền giải quyết kịp thời. Lực lượng công an, quân đội thường xuyên tuần tra, giám sát, đảm bảo thực hiện quy định về giãn cách của người dân, các hộ gia đình trong khu vực phong tỏa; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm cũng như cưỡng chế, xử phạt thật nghiêm đối với các hành vi vi phạm.
Cũng trong ngày 27.7, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức ký văn bản khẩn đề nghị Sở Y tế TP.HCM khẩn trương hướng dẫn TP.Thủ Đức và các quận, huyện triển khai và ban hành quyết định thành lập các khu tập trung F0, F1 ở mỗi địa phương. Nội dung hướng dẫn cần dễ hiểu, dễ làm với điều kiện bảo đảm, thành phần, lực lượng tham gia; đồng thời có cơ chế, quy chế phối hợp cụ thể giữa y tế, địa phương và gia đình để theo dõi, chăm sóc F0, F1 tại nhà cũng như phân công trách nhiệm cụ thể trong khâu vận chuyển, giao nhận các ca có triệu chứng nặng về tuyến trên điều trị. UBND TP.HCM cũng giao Sở TN-MT phối hợp Sở Y tế nghiên cứu, thực hiện việc xử lý các ca bệnh Covid-19 tử vong đảm bảo quy định chặt chẽ và chu đáo.
Theo BS Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại TP.HCM, Chỉ thị 16 hiện nay chủ yếu được thực thi ngoài đường phố chứ ít thực thi trong hẻm. Nhiều người trong hẻm tụ tập, ít giữ khoảng cách, nếu không siết chặt thì tình hình sẽ càng khó khăn hơn. Chính quyền phải đi sâu vào trong các khu hẻm, khu phong tỏa thì mới hiệu quả.
Bình luận (0)