Chiều 27.7, UBND tỉnh Cà Mau tổ chức họp báo thông tin về tình hình phòng chống dịch Covid-19 của địa phương, trong đó có việc nhiều người Cà Mau đang làm việc, lao động ở vùng dịch ngoài tỉnh mong muốn về quê.
Cà Mau có 240 giường điều trị Covid-19 và 150 máy thở
Thông tin trong buổi họp báo, ông Nguyễn Đức Thánh, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, toàn tỉnh chỉ có 1.200 giường bệnh, số người đang cách ly tập trung hiện đã khoảng 900 người. Thời gian tới tỉnh có thể bố trí thêm được hơn 400 giường. Về năng lực của ngành y tế, hiện nay chỉ có thể điều trị 240 người bệnh, với 150 máy thở. Cà Mau hiện cũng chỉ có 2 máy xét nghiệm Covid-19.
|
Trong khi đó, số lượng người dân có nhu cầu trở về Cà Mau lên đến vài chục nghìn người. Đã có hơn 3.000 người gặp khó khăn đăng ký trực tiếp Ban liên lạc đồng hương Bạc Liêu - Cà Mau để về quê. Đa số người dân đang ở những địa phương có diễn biến dịch bệnh phức tạp, có nguy cơ lây nhiễm rất cao. Chỉ khoảng 10% số người nhiễm bệnh, số giường bệnh của tỉnh đã không đáp ứng được yêu cầu.
Trước tình hình khó khăn, Cà Mau vận động bà con cố gắng ở lại tại chỗ. Tỉnh sẽ triển khai hỗ trợ, đợt 1 sẽ tiến hành trong tuần này với 1 tỉ đồng, 2 tấn cá khô và nhu yếu phẩm vận động được từ nhà hảo tâm. Đợt 2 sẽ được thực hiện vào tuần sau.
"Tuy nhiên, ngành chức năng địa phương cũng đang thống kê lại những người thuộc diện đặc biệt khó khăn để trình lãnh đạo quyết định phương án tiếp theo. Trước đó, vào giữa tháng này, các thành viên Ban Thường vụ Cà Mau đã thống nhất 100 % sẽ đón người dân về quê. Tuy nhiên, điều kiện chưa đảm bảo nên chưa thể triển khai ngay”, ông Thánh nói.
Rước về phải an toàn chứ không để tạo ổ dịch mới
Thiếu tướng Hồ Việt Lắm, Trưởng Ban liên lạc Đồng hương Bạc Liêu - Cà Mau cho biết, mỗi ngày 17 thành viên của đơn vị liên tục nghe điện thoại tiếp nhận thông tin bà con trình bày khó khăn do dịch bệnh. Ban đã tiến hành cứu trợ đợt 1 được 1.200 suất; đợt 2 đang triển khai dự kiến 3.000 suất là tiền mặt hoặc nhu yếu phẩm tương đương 500.000 đồng/suất/người. Ông Lắm nói còn rất nhiều người gặp khó khăn, cần giúp đỡ, Ban liên lạc sẽ tiếp tục huy động để cứu trợ đợt 3.
|
Thiếu tướng Hồ Việt Lắm dẫn chứng trường hợp 1 người dân Cà Mau không còn tiền, đi bộ từ Bình Phước để về quê, được 2 ngày đến Bình Dương thì chốt kiểm dịch chặn lại. Sau đó, thông qua Ban liên lạc, người này được chính quyền địa phương tiếp nhận ở lại hỗ trợ.
Thiếu tướng Hồ Việt Lắm cho rằng, số lượng bà con đăng ký về quê rất lớn, tuy nhiên, tỉnh Cà Mau nên xem xét hoàn cảnh, điều kiện cụ thể. "Rước bà con về, phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch, rước về mà tạo ổ dịch mới thì không nên. Tuy nhiên, cần tạo điều kiện cho những trường hợp thật đặc biệt. Ban liên lạc đã kiến nghị UBND tỉnh Cà Mau tiếp tục vận động bà con ở lại, nhưng những trường hợp hết sức khó khăn, không thể sống tại đất khách quê người nữa thì nên xem xét điều kiện để đưa về", thiếu tướng Hồ Việt Lắm nêu quan điểm
Thiếu tướng Hồ Việt Lắm cũng cho rằng, nguồn lực tài chính, vật phẩm còn hạn chế. Ban liên lạc đang nỗ lực tiếp tục vận động và cứu trợ cho bà con đồng hương đang ở vùng dịch căng thẳng. Nếu tình hình dịch Covid-19 còn kéo dài, đời sống của bà con Cà Mau ở các địa phương gặp rất nhiều khó khăn.
Bình luận (0)