Một phụ nữ nhập viện nghi do bỏng axit khi khám sàng lọc ung thư miễn phí

Cù Hiền
Cù Hiền
03/07/2024 11:48 GMT+7

Bà Trần Thị T. sau khi được bác sĩ thăm khám sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú đã có dấu hiệu bất thường, phải nhập viện điều trị 7 ngày.

Những ngày qua, thông tin đến Báo Thanh Niên, một số phụ nữ sau khi khám sàng lọc ung thư cổ tử cung, ung thư vú tại Trạm Y tế xã Thụy Quỳnh (H.Thái Thụy, Thái Bình) cho rằng bác sĩ đã sử dụng axit nồng độ cao trong lúc thăm khám khiến nhiều bệnh nhân bị bỏng.

Một phụ nữ nhập viện nghi do bỏng axit khi khám sàng lọc ung thư miễn phí- Ảnh 1.

Trạm Y tế xã Thụy Quỳnh ngày các bác sĩ về khám sàng lọc cho người dân

C.H

Cụ thể, sau khi thăm khám, 7 người có dấu hiệu âm đạo bị rát và bị rỉ nước. Đặc biệt, trường hợp của bà Trần Thị T. (42 tuổi, trú tại xã Thụy Quỳnh, H.Thái Thụy, Thái Bình) có dấu hiệu bị bỏng, phải điều trị tại bệnh viện 7 ngày.

Trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Thơm, Giám đốc CDC Thái Bình, cho biết ông đã nắm được sự việc. Để thông tin chi tiết, bác sĩ Thơm đề nghị bà Nguyễn Thu Hằng, bác sĩ chuyên khoa 1 sản phụ khoa (Khoa Sức khỏe sinh sản, CDC Thái Bình), người trực tiếp thăm khám cho những trường hợp này làm việc trực tiếp với phóng viên.

Tại buổi làm việc, bác sĩ Nguyễn Thu Hằng cho biết, theo lịch phân công, ngày 3.6, Khoa Sức khỏe sinh sản tổ chức đoàn khám sàng lọc ung thư cổ tử cung tại Trạm Y tế xã Thụy Quỳnh cho 44 trường hợp.

"Đây là chương trình hoàn toàn miễn phí, chúng tôi sử dụng biện pháp VIA để sàng lọc ung thư cổ tử cung cho kết quả nhanh và chính xác. Sau khi khám, đến ngày 17.6, chúng tôi nhận được phản hồi từ trạm y tế xã nói có 7 trường hợp có dấu hiệu rát âm đạo kèm theo dấu hiệu âm đạo bị rỉ nước", bà Hằng cho biết.

Ngay sau khi nhận thông tin, sáng 18.6, bác sĩ Hằng đã xin ý kiến lãnh đạo trung tâm và quay trở lại địa phương này một lần nữa để đánh giá tình hình. Qua kiểm tra sơ bộ, 7 bệnh nhân trên cho hay, các dấu hiệu rát và rỉ nước âm đạo đã không còn. Ngoài ra, không có thêm bất cứ dấu hiệu nào khác.

"Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn thực hiện thăm khám lần thứ 2 cho họ. Kết quả cho thấy cổ tử cung bình thường, các bệnh nhân cũng cho biết không còn dấu hiệu đau rát và không bị rỉ nước như trước đó. Bên cạnh đó, chúng tôi hướng dẫn các cán bộ trạm y tế thực hiện khám lại những ca đã đến khám sàng lọc ngày 3.6. Tất cả đều cho kết quả bình thường", bác sĩ Hằng cho biết thêm.

Theo thông tin từ bác sĩ Hằng, quá trình thăm khám đã dùng hóa chất axit acetic để thử phản ứng. Đây không phải là trường hợp hy hữu, bởi có nhiều trường hợp bị kích ứng khi sử dụng hóa chất, có người bị kích ứng nhẹ, có người bị nặng hơn.

"Trong số 7 người bị kích ứng có trường hợp bà Trần Thị T. bị kích ứng nặng hơn. Do đó, sau khi thăm khám lại, tôi đã hỗ trợ 2 triệu chi phí tiền thuốc cho bà T.", bác sĩ Hằng chia sẻ thêm.

Thông tin thêm về các dấu hiệu khi khám sàng lọc, vị này nhận định, ngoài cộng đồng cũng thường xuyên xảy ra những hiện tượng trên khi phụ nữ đi khám sàng lọc. Đặc biệt, phụ nữ có âm đạo teo, mỏng; những người ở tuổi mãn kinh, tiền mãn kinh, mô âm đạo luôn mỏng hơn nên sự kích ứng xảy ra mạnh và nhanh hơn so với những phụ nữ trẻ.

"Tất cả các trường hợp khi khám sàng lọc có sử dụng biện pháp VIA chúng tôi đều nhắc nhở họ nếu xảy ra dấu hiệu gì bất thường, phải thông báo với chúng tôi hoặc thông báo với trạm để có biện pháp xử lý kịp thời", bác sĩ Hằng cho hay.

Lý giải nếu các trường hợp trên gặp phải là dấu hiệu kích ứng bình thường, vậy vì sao bác sĩ Hằng đã chủ động dùng 2 triệu đồng tiền của cá nhân để hỗ trợ bà T.?, bác sĩ chuyên khoa II Lưu Thị Ánh Tuyết, Phó giám đốc CDC Thái Bình, cho biết: "Bất kỳ người phụ nữ nào khi thăm khám sàng lọc, sử dụng biện pháp đó đều cảm thấy xót một chút để biết cổ tử cung có bị viêm, bị xâm lấn hay không. Sau khi khám, do sát khuẩn lại bằng cồn Iod nữa nên hơi xót và dịch sẽ phải chảy ra, đó là hiện tượng bình thường".

Vị này cũng cho biết thêm: "Cơ bản là cán bộ CDC chưa chú ý tư vấn kỹ cho bệnh nhân. Hơn nữa, bác sĩ Hằng còn trẻ, không có kinh nghiệm nên tự chủ động hỗ trợ bệnh nhân khiến họ cho rằng bác sĩ đã sai. Sau khi nắm được sự việc, chúng tôi đã chấn chỉnh và yêu cầu các bác sĩ rút kinh nghiệm, đồng thời khi có sự việc xảy ra phải báo cáo kịp thời để lãnh đạo có phương án xử lý phù hợp".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.