Đó là một thương hiệu ảnh thượng lưu do một người làng Lai Xá (xã Kim Chung, H.Hoài Đức, Hà Nội) gây dựng hồi đầu thế kỷ 20.
Dịch vụ từ làng, chất lượng kiểu Pháp
Hà Trang, người thực hiện triển lãm Những ngày đợi nắng, đón cuốn album bìa nhung thêu rồng vàng từ tay ông Nguyễn Trường Vỹ (ngụ làng Lai Xá). Đó là một cuốn album gia đình. Chính xác hơn, đó là cuốn album mà nữ đạo diễn điện ảnh VN đầu tiên - bà Bạch Diệp đã soạn và để lại cho em mình là ông Vỹ lưu giữ.
|
“Tôi nhớ, phòng khách của gia đình bài trí khá nhiều đồ cổ. Bộ bàn ghế gỗ gụ kê sát tường trái. Trên tường treo tấm thư pháp đã từng được treo trong hiệu ảnh Luminor Photo trước đây. Trong album tôi được xem, có nhiều tư liệu về ông chủ hiệu ảnh ấy - ông Nguyễn Văn Chành. Ông Chành là cha của bà Diệp và ông Vỹ”, Hà Trang nhớ lại. Cô hiện là sinh viên ngành văn học Anh tại Mỹ. Triển lãm Những ngày đợi nắng khai mạc ngày 30.8, là thành quả của Trang cùng nhóm nhiếp ảnh Matca và nhà thiết kế Lê Quốc Huy.
Hà Trang cho biết, từ những tấm còn sót lại trong cuốn album, có thể thấy ảnh chụp tại Luminor được chụp và hoàn thiện rất chỉn chu. Cùng với chất lượng, giá thành chụp ảnh tại đây cũng đắt gấp cả chục lần so với các hiệu ảnh đương thời.
Làng Lai Xá (H.Hoài Đức, Hà Nội) vốn là làng nghề nhiếp ảnh. Người làng đi khắp nơi cũng gây dựng nhiều tên tuổi lớn đương thời như Hương Ký hay Phúc Lai bên cạnh Luminor. Sản phẩm ảnh cũng một chín một mười. “Vậy tại sao có người lại sẵn sàng bỏ ra gấp mười lần số tiền thông thường cho một tấm chân dung?”, Hà Trang băn khoăn.
Tư liệu mà cô tìm được tại Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá và phỏng vấn nhân chứng cho thấy, với 30 đồng tại Luminor, khách hàng sẽ được sử dụng gói dịch vụ rất hoàn chỉnh. Họ được chụp ảnh tại tiệm ảnh bài trí theo phong cách châu Âu sang trọng, được nhiếp ảnh gia dành thời gian tạo dáng, chỉnh sáng, hậu kỳ tỉ mỉ. Ảnh có dấu dập nổi của cơ sở Luminor và bọc trong phong bao cùng tên. Hiện ở Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá vẫn còn phong bao rất chuyên nghiệp này. “Đặc biệt nhất, khách có thể chụp hình ở một trong bốn cơ sở của tiệm tại Hà Nội, Hải Phòng,
Sa Pa (Lào Cai) hay Lạng Sơn và chọn nhận ảnh ở bất kỳ tiệm nào trong bốn cơ sở này mà không mất thêm phụ phí”, Hà Trang cho biết.
Tuy nhiên, không nhân chứng hoặc bằng chứng nào cho thấy rõ ông chủ Luminor đã áp dụng phương pháp chuyển phát nhanh nào vào thời điểm việc di chuyển còn hạn chế. Mặc dù vậy, Hà Trang cho rằng, đây rõ ràng là một ưu thế độc nhất, đặc biệt tiện lợi cho các quan khách Pháp - đối tượng khách hàng chính của tiệm.
“Người nông dân” chiếm thành phố lớn
Tư liệu của triển lãm Những ngày đợi nắng cho thấy, chủ hiệu ảnh - ông Nguyễn Văn Chành đã bộc lộ tầm nhìn và triết lý kinh doanh từ rất sớm. Người đàn ông sinh năm 1911 này đã được gửi đến Hải Phòng học nghề sau khi học hết tiểu học. Đây cũng là một việc thường thấy ở làng Lai Xá. Thanh niên khi lớn lên sẽ được gửi học nghề tại một hiệu ảnh của người làng, rồi sau đó có mở tiệm tiếp hay không lại do khả năng. Ông Chành ngay lập tức đã có ý định kinh doanh ở tuổi 15 và tự vay vốn ngân hàng Pháp để mở tiệm riêng. Hà Trang cho biết, trong cuộc trò chuyện, ông Vỹ luôn nhấn mạnh về triết lý kinh doanh của cha mình. “Quan điểm của ông là kinh doanh nghệ thuật, không phải làm dịch vụ đơn thuần”, ông Vỹ cho biết.
Tiệm ảnh của ông Chành do đó đã học hỏi cách bài trí nội thất từ các studio tại Paris (Pháp). Ông đích thân cầm máy trong thời gian đầu hoặc vào những dịp đặc biệt. Thời gian còn lại ông dành cho phát triển thương hiệu. Ông cũng định vị phân khúc khách hàng mục tiêu là giới thượng lưu. “Khác với những hiệu ảnh của người Lai Xá lúc ấy chỉ sử dụng tiếng Việt để phục vụ khách hàng nội địa, Luminor Photo viết toàn bộ nội dung quảng cáo bằng “tiếng Tây”. Từ tên Luminor Photo có nghĩa là Quang Minh ảnh viện, hay khẩu hiệu Tous travaux de photo, Tout pour la photo - Mọi việc về ảnh đều vì ảnh, tới nội dung định vị thương hiệu trên phong bao, nhãn dán”, Hà Trang chia sẻ.
Cũng theo Hà Trang, ông Chành sinh ra tại Lai Xá, nơi trước đây chủ yếu là nông dân. Tuy nhiên, theo lời ông Vỹ, gia đình ông cũng là gia đình trí thức và có điều kiện bởi ông nội ông Chành từng là quan ngự y Cửu phẩm thời vua Thành Thái. “Ông học tiểu học tại trường Pháp trên phố nên có thể nhận định rằng ông Chành tuy gốc Lai Xá nhưng về bản chất vẫn là người đô thị. Điều này cũng phần nào lý giải tư duy kinh doanh cởi mở và cấp tiến của ông, hoàn toàn thoát ly khỏi tư duy tiểu nông manh mún”, Hà Trang nói.
Bình luận (0)