Sài Gòn có một đặc sản hội tụ của nhiều nền văn hóa mà không nơi nào có, ấy là món cháo trắng. Gọi là cháo trắng nhưng không hề đơn giản chút nào, bởi có tới vài chục món có thể ăn kèm với cháo trắng. Chưa kể, cháo trắng còn được nấu với lá dứa cho mùi thơm thoang thoảng, thanh mát bầu trời xuân.
Cháo, món ăn ra đời từ nền văn minh lúa nước nhưng rất khác nhau ở các miền đất nước. Nếu chỉ tính nấu cháo không, nghĩa là khi nấu không bỏ kèm nguyên liệu cá thịt, tôm cua…thì miền Bắc nổi tiếng nhất là món cháo “Thị Nở” được nhà văn Nam Cao mô tả trong truyện Chí Phèo, thứ cháo không nấu với hành củ, thường dành cho người ốm ăn giải cảm hoặc cho dễ tiêu hóa.
Vào tới miền Trung, cháo trắng được ăn kèm với cá bống kho, cá cơm kho, tôm kho rim mặn mặn, ngọt ngọt, ngon ngậm mà nghe, "hao" cháo không kể xiết.
Ở Sài Gòn, món cháo trắng ngày nay đã trở nên rất khác xưa khi du nhập đủ thứ ăn kèm của nhiều vùng và nhiều nền văn hóa: thứ ăn kèm của miền Trung như các loại cá bống, cá cơm kho, tôm rim mặn ngọt, thịt nạc kho tiêu, thứ ăn kèm của người Hoa gốc Triều Châu như xá bấu (củ cải muối khô, được trộn với đường, ngũ vị hương, rượu), cốn xại (còn gọi là coóng xại, là loại cải người Việt hay dùng muối dưa chua, nhưng làm kiểu Triều Châu là phơi héo rồi trộn với muối hột, đường, rượu, củ riềng thái chỉ rồi để lên men), sau đó trộn với đường, tỏi, ớt, ăn hoài mà không ngán.
Cháo trắng cũng trở nên đặc biệt khi ăn kèm hột vịt muối và hột vịt bắc thảo, một phần ảnh hưởng từ lối ăn của người Hoa. Cái mằn mặn, beo béo của hột vịt muối sao mà hợp với cháo trắng đến lạ. Người ăn lần đầu tiên tự hỏi, tại sao một món ăn đơn giản mà lại ngon đến nhường ấy.
Lạ nhất và cũng hơi e ngại cho người ăn lần đầu là ăn cháo trắng với ba khía, bắt nguồn cách ăn của người Khmer ở Cà Mau và Bạc Liêu, cũng là nơi có nhiều nhất loài ba khía này. Vị mặn và ngọt đặc trưng của loài ba khía ăn vào cháo trắng người sành ăn cứ nắc nỏm rằng “ngon bá cháy”. Tuy nhiên, nhiều tiệm cháo trắng có thể chọn ba khía đã muối lâu ngày nên vị quá mặn, không ngon ngọt bằng ba khía mới muối chừng 7 đến 10 ngày.
Nếu không kể đến các món kim chi kiểu Sài Gòn hay dưa mắm ăn kèm với cháo trắng là một thiếu sót lớn. Dưa mắm ăn kèm cháo thường là dưa leo đã muối lâu ngày với muối và mắm, rất cầu kỳ. Mắm dưa giòn tan, mằn mặn, ngòn ngọt, ăn với cháo không cũng mỹ mãn lắm rồi. Kim chi kiểu Sài Gòn chắc chắn không giống kim chi Hàn Quốc, cũng không giống món dưa muối của người Việt, ăn giòn tan và vô cùng… “bắt” cháo.
Tìm ăn món cháo trắng Sài Gòn phong phú nhất, có lẽ phải kể đến quán cháo không tên nằm trước số nhà 211 đường Hải Thượng Lãn Ông (phường 13, quận 05), đối diện với chùa Ông Bổn. Chủ quán tự hào khoe, quán cháo của ông “vô địch thiên hạ” vì có tới 52 món ăn kèm, từ món mặn cho tới món chay.
Một tô cháo trắng ở đây chỉ có 5.000đ, muốn ăn với món mặn, món chay nào thì gọi, tùy loại mà tiền cao hay thấp, thường chỉ dao động từ 7.000đ tới trên 15.000đ, rẻ so với nhiều quán cháo trắng khác tại Sài Gòn. Quán mở từ hơn 6 giờ chiều tới 2-3 giờ đêm, vì vậy cũng là nơi tìm ăn của nhiều người thích lang thang đêm tại khu vực Chợ Lớn.
Món mặn ăn kèm cháo ở đây thì phong phú vô kể: cá lóc kho, cá bống trứng, cá kèo, khô cá tra, khô cá sặc, hột vịt muối, bắc thảo, thịt kho tiêu, tép ram, tôm khô, lạp xưởng, các loại kim chi, cà pháo, xá bấu, cốn xại giòn tan, hấp dẫn.,,
Gọi là cháo trắng mà không “trắng” chút nào nhờ phong phú đủ loại ăn kèm. Và danh sách các món ăn kèm như có thể kéo dài vô tận. Đi chơi khuya, ghé vào ăn một tô cháo trắng là bạn đã chạm tới một góc ẩm thực rất riêng của Sài Gòn.
P.V
Cháo trắng 211
211 đường Hải Thượng Lãn Ông, phường 13, quận 05
Mở cửa: từ 6h30 chiều đến 2-3h đêm
Giá: cháo trắng (5.000đ/tô), thức ăn kèm từ 7.000đ đến 15.000đ
Bình luận (0)