Đi bộ, chạy bộ không chỉ giúp duy trì cân nặng tốt mà còn cải thiện sức khỏe tim mạch, kiểm soát cao huyết áp, tăng cường sức khỏe cơ xương và cải thiện tâm trạng, theo The Healthy.
Bàn chân của mỗi người sẽ có những đặc điểm khác nhau. Đôi giày êm ái với người này nhưng có thể sẽ khó chịu với người kia. Tuy nhiên, để sở hữu đôi giày phù hợp, mọi người có thể dựa trên những tiêu chí sau:
1. Nâng đỡ vòm bàn chân
Đôi giày tốt thì phần đế giày phải ôm và nâng đỡ được vòm bàn chân. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn chạy hoặc đi trên quãng đường hàng cây số.
Vòm bàn chân được đế giày nâng đỡ tốt sẽ giúp các khớp ngón chân được linh hoạt hơn, không tạo cảm giác khó chịu khi bước đi, bác sĩ phẫu thuật người Mỹ Dawn Figlo, cho biết.
2. Kích thước
Đừng bao giờ mua một đôi giày mà bạn mang không vừa. Điều này nghe có vẻ là điều dĩ nhiên nhưng trên thực tế, nhiều người đang cố mang những đôi giày có size nhỏ hơn so với bàn chân. Họ vẫn mang vì tin rằng giày sẽ giãn ra sau một thời gian sử dụng.
Khi mua giày, mọi người nên mua giày vào thời điểm cuối ngày. Với những người mắc một số bệnh như giãn tĩnh mạch, bàn chân có thể hơi phù vào thời điểm này. Nếu thử giày mà bạn cảm thấy vừa thì hãy chọn đôi giày đó, theo The Healthy.
3. Thoáng khí
Thoáng khí là yếu tố rất quan trọng khi chọn giày. Vì nếu không thoáng khí tốt, bàn chân sẽ dễ bị đổ mồ hôi và gây cảm giác khó chịu. Hãy ưu tiên tìm những đôi giày được may từ các loại vải thoáng khí, nhờ vậy mà kiểm soát tốt độ ẩm và hạn chế mùi hôi chân.
4. Điểm uốn phù hợp
Khi chúng ta nhón chân, lòng bàn chân sẽ uốn cong. Vị trí uốn cong đó là điểm uốn của bàn chân. Để có sự thoải mái khi mang, điểm uốn của bàn chân phải khớp với điểm uốn của giày.
Để kiểm tra điểm uốn của đế giày, hãy đặt giày theo chiều thẳng đứng, chĩa mũi giày lên mặt đất và ấn đế giày xuống. Vị trí bị bẻ cong của giày chính là điểm uốn. Nếu điểm uốn của giày và chân không khớp sẽ dễ gây đau vòm bàn chân và viêm cân gan chân, theo The Healthy.
Bình luận (0)