Hiểu con ong như hiểu chính mình…
Mùa hoa nhãn, hoa vải cũng là "mùa con ong đi làm mật", mùa vui của nhiều thợ nuôi ong xứ Tuyên. Dưới những tán cây nhãn, vải quyện trong những làn khói mỏng, tiếng ong vo ve, tiếng bà con nói cười râm ran, í ới gọi nhau mở những đõ ong để đón những "giọt vàng".
Có dịp về thăm làng nuôi ong ở xã Tiến Bộ, H.Yên Sơn đúng lúc các hộ nuôi ong người Cao Lan ở 2 thôn Đèo Tượng và Thống Nhất cùng nhau thu hoạch mật, chúng tôi được biết mùa nào ong cũng đi lấy mật, cứ hoa nở là ong đi lấy mật. Thế nhưng, khoảng thời gian này là ong lấy được nhiều mật nhất và mật mùa này cũng là ngon nhất.
Ông Trần Văn Đức, chủ một hộ nuôi ong ở xã đưa chúng tôi nếm thử chút mật như lời chào đón khách. Ông bảo đó là cách để những "vị khách lạ" làm quen với bầy ong nơi đây. Thử một chút mật nơi đầu lưỡi thôi, vị ngọt ngào, thanh thanh của cả hương hoa vườn nhà đã lan đến tận cuống họng.
Đỡ lấy những cầu ong với những ô hình lục giác đã lấp đầy mật ngọt, bà Phạm Thị Hiền, thôn Thống Nhất, bảo rằng nghề nuôi ong không vất vả, nhưng cũng lắm công phu và còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Cây có sinh trưởng, phát triển tốt, cho ra nhiều hoa thì ong mới có nguồn lấy phấn, làm mật. Đặc biệt, hoa trên cây cũng phải đảm bảo sạch 100%, không có thuốc trừ sâu, nếu không là dễ "đi cả đàn".
Gắn bó với nghề nuôi ong lấy mật đã 5 năm nay, ông Trần Thế Chung, thôn Thống Nhất, xã Tiến Bộ giải thích cho chúng tôi về cấu tạo những đõ ong, cách làm chân tầng, cầu ong già đạt chuẩn và cách sử dụng bình khói… Ông Chung bảo, ai chưa nuôi ong thì chắc "mê" nhất là cách người làm nghề chúng tôi "săn" ong chúa vào thời điểm phấn hoa và mật hoa dồi dào.
"Mỗi ong chúa sẽ có một mùi đặc trưng để hút đàn ong, người ta có thể phân biệt ong chúa theo cách tạo nên chúng như ong chúa cấp tạo, ong chúa nhân tạo và ong chúa chia đàn tự nhiên. Dù được tạo ra bằng cách nào, thì "nữ hoàng" cũng phải là những con chất lượng nhất được đặc cách nuôi bằng chế độ đặc biệt giúp chúng có khả năng sinh sản và phát triển đàn tốt", ông Chung phân tích.
Hơn 1 tháng nay, ông Triệu Sinh Tiến, thôn Tân Lập, xã Tân Trào luôn sát cánh cùng những đàn ong. Gia đình ông Tiến hiện nuôi 50 đàn ong. Mặc áo và mũ choàng màu đen, đeo găng tay bảo vệ, ông Tiến nhẹ nhàng tiến vào khu vườn đặt các thùng gỗ nuôi ong. Cẩn thận mở nắp thùng, đàn ong lao ra, ông nhấc từng cầu ong đầy mật ra khỏi thùng, đưa cho người đứng cạnh để mang đi quay mật.
"Tôi hiểu đàn ong rừng như hiểu bản thân mình. Không phải tôi nuôi chúng, mà là chúng đã nuôi tôi có ngày hôm nay", ông Tiến tâm sự. Rồi ông cẩn thận gỡ từng cầu mật căng tràn ra khỏi tổ trong niềm phấn khởi. Lớp sáp mỏng phía trên được ông gạt nhẹ đi, lần lượt từng cầu ong được xếp vào "cỗ máy" quay mật, những giọt vàng óng tuôn ra, được lọc và chia vào từng chai theo cách thủ công nhất. Mọi công đoạn đều được tiến hành cẩn thận, tỉ mỉ như nâng niu tinh hoa đất trời, nâng niu sự cần mẫn chắt chiu của từng đàn ong với biết bao công sức, niềm tin, hy vọng của bà con nông dân. Đó là niềm khát khao một mùa mật lên hương.
Hương mật bay xa
Nhiều năm qua, nghề nuôi ong lấy mật trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang được chú trọng và có dấu hiệu khởi sắc, mở ra hướng phát triển mới trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Theo Sở NN-PTNT, hiện toàn tỉnh Tuyên Quang có trên 30.000 đàn ong, nhiều nhất là thành phố Tuyên Quang với trên 15.000 đàn, H.Yên Sơn trên 10.000 đàn, H.Sơn Dương 8.000 đàn…
Trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, UBND tỉnh đã xác định chăn nuôi ong lấy mật như một ngành giàu tiềm năng, hiệu quả kinh tế cao. Tỉnh thực hiện quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung phát triển đàn ong và nghề nuôi ong tại một số vùng thuộc các huyện Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa và TP.ATuyên Quang…
HTX chăn nuôi ong Phong Thổ, thôn Phúc Lộc A, xã An Khang, TP.Tuyên Quang có trên 10.000 đàn ong. Anh Trần Xuân Phong, Giám đốc HTX, cho biết nhờ nuôi ong theo quy trình VietGAP, mỗi năm ong cho thu hoạch 4 vụ, sản lượng 150 tấn mật ong các loại, sữa ong chúa và phấn hoa. Ngoài ra, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động với mức thu nhập từ 4 - 15 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự, với gần 4.000 ha rừng đặc dụng, trên 3.100 ha rừng tự nhiên và hơn 2.000 ha rừng sản xuất, có hệ thống thực vật đa dạng, nguồn hoa phong phú, xã Tân Trào, H.Sơn Dương được coi là nơi có tiềm năng rất lớn, thuận lợi cho sự phát triển nghề nuôi ong lấy mật.
Ông Hà Hữu Tiệp, Bí thư Đảng ủy xã Tân Trào, thông tin hiện cả xã có gần 30 hộ tham gia nuôi ong, bình quân mỗi năm cho từ 1.000 đến 1.200 lít mật. Nghề nuôi ong đã giúp nhiều hộ dân nơi đây thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng.
Xác định tiềm năng lớn từ nghề nuôi ong, tỉnh Tuyên Quang thời gian qua cũng khuyến khích, tạo điều kiện để các tổ hợp tác, doanh nghiệp, hộ gia đình chăn nuôi ong trên địa bàn liên kết sản xuất, đầu tư phát triển mở rộng quy mô chăn nuôi. Đặc biệt, từng bước xây dựng nhãn hiệu cho sản phẩm mật ong theo từng vùng địa lý.
Theo ông Trịnh Duy Hùng, Giám đốc HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hùng Hậu, năm 2019, ông tập hợp những người nuôi ong ở xã Thái Bình, H.Yên Sơn thành lập HTX. Năm 2020, sản phẩm mật ong rừng Bình Ca và mật ong nhãn Bình Ca, xã Thái Bình được cấp chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Nhờ biết cách quảng bá, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm, năm 2021, 2 sản phẩm này đã được chứng nhận VietGAP. Năm 2022, HTX xây dựng điểm bán và giới thiệu sản phẩm nông sản tại thôn 4, xã Thái Bình, đưa sản phẩm vào chuỗi liên kết hàng hóa cung ứng thực phẩm an toàn.
Trước đây, nghề nuôi ong ở các xã còn manh mún, nhỏ lẻ. Từ khi có sự quan tâm của các ngành, địa phương, các HTX, tổ hợp tác xã nuôi ong được thành lập đã giúp người nuôi ong gắn kết và phát triển hơn, từng bước nâng tầm giá trị, nâng hạng sản phẩm để hương mật ong bay xa.
Bình luận (0)