Chiều 10.10, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, trong 24 giờ qua (từ 13 giờ ngày 9.10 đến 13 giờ ngày 10.10), khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận và Kon Tum có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to.
Đặc biệt, nhiều nơi đã ghi nhận lượng mưa rất lớn như Kỳ Thượng (Hà Tĩnh) 140,8 mm; Minh Hóa (Quảng Bình) 267,2mm; Ba Nàng 215,8 mm, A Bung (Quảng Trị) 210,6mm; Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) 692 mm; Bà Nà (Đà Nẵng) 503 mm; Giao Thủy (Quảng Nam) 524,4 mm; Sơn Lỳ (Quảng Ngãi) 373,4 mm; An Hưng (Bình Định) 237,1 mm…
Ngã ba Túy Loan (thôn Túy Loan Đông 2, xã Hòa Phong, H.Hòa Vang, Đà Nẵng) nước sông dâng cao khiến các phương tiện không thể di chuyển |
Mạnh Linh |
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng cho biết, mô hình độ ẩm đất cho thấy độ ẩm đất ở một số khu vực thuộc các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa và Bình Thuận đã đạt trạng thái gần bão hòa (trên 95%).
Trong khi đó, dự báo thời tiết trong chiều và tối nay 10.10, khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, Bình Thuận và Kon Tum tiếp tục có mưa vừa và mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa tích lũy phổ biến ở các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum từ 70 - 130 mm, có nơi trên 220 mm; các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị từ 30 - 60 mm, có nơi trên 90 mm.
Theo đó, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cảnh báo, trong 12 giờ tới, nguy cơ xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc, sụt lún đất tại khu vực các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, Bình Thuận và Kon Tum.
Thất thần kể lại khoảnh khắc lốc xoáy kinh hoàng thổi tung nóc nhà ở Quảng Ngãi |
Hỏa tốc cảnh báo các địa phương ứng phó mưa lũ
Cũng trong sáng nay 10.10, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, Văn phòng Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã có công điện hỏa tốc gửi các tỉnh Trung bộ từ Quảng Bình đến Phú Yên.
Công điện nhấn mạnh, mưa lớn do ảnh hưởng của không khí lạnh sẽ gây lũ trên các sông trong khu vực từ Thừa Thiên Huế - Quảng Ngãi, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông và các khu đô thị.
Các địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.
Các địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động tổ chức di dời, sơ tán dân khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt sâu, lũ quét, sạt lở đất; triển khai các biện pháp tiêu úng, bảo vệ sản xuất, phòng chống ngập úng khu vực đô thị, khu công nghiệp.
Bình luận (0)