Di dời nhiều hộ dân để tránh sạt lở
Tính đến chiều 11.10, tại Quảng Bình vẫn còn 25 điểm ngập do mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua, nhiều bản làng tại các huyện vùng cao Minh Hóa, Tuyên Hóa, Quảng Ninh bị chia cắt. Mưa lớn gây sạt lở trên đường Hồ Chí Minh nhánh đông, đoạn vào 3 bản làng của đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa (H.Minh Hóa) với khối lượng đất đá sạt lở lên đến 100 m3. Tại Km 123+200 đường Hồ Chí Minh nhánh tây thuộc xã Lâm Thủy (H.Lệ Thủy), phía bắc cầu 123 sạt lở dài khoảng 10 m, tràn hết taluy âm, xe cộ không thể lưu thông.
Xe cơ giới khắc phục sạt lở ở Trà Bồng, Quảng Ngãi |
PHẠM ANH |
Phố cổ Hội An ngập chìm trong nước lũ, hệt như miền Tây mùa nước nổi |
Tại Quảng Trị, nước sông, suối dâng cao khiến một số ngầm, cầu tràn bị ngập nặng, chia cắt giao thông các xã ở H.Đakrông và H.Hướng Hóa. Rạng sáng 11.10, vụ sạt lở đất xảy ra ở đường Hồ Chí Minh nhánh tây đoạn xã Hướng Lập (H.Hướng Hóa) với hàng ngàn khối đất đá ở taluy dương đổ ập xuống khoảng 60 m đường, gây tắc lưu thông ra hướng Quảng Bình.
Ngày 11.10, tại Quảng Nam đã ngừng mưa, nhưng do nước rút chậm nên nhiều nơi vẫn còn ngập sâu, giao thông vẫn bị chia cắt cục bộ. Đáng chú ý, hàng trăm ngôi nhà tại những vùng trũng thấp, “rốn lũ” như Đại Lộc, Hội An, Duy Xuyên... vẫn ngập lụt. Học sinh ở TP.Tam Kỳ và TP.Hội An phải nghỉ học hết ngày 11.10. Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết tỉnh đang theo dõi tình hình ngập lụt ở hạ du trong đêm 11.10 và hôm nay (12.10). Nếu tình hình cải thiện sẽ đề nghị các hồ thủy điện, hồ thủy lợi điều tiết xả lũ để đón đợt mưa sắp tới.
Trạm điều hành thủy điện Kà Tinh 1 (H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) sau khi núi sạt lở |
PHẠM ANH |
Cùng ngày, UBND H.An Lão (Bình Định) cho biết đã di dời 4 hộ dân trong vùng sạt lở đất ở xã An Vinh (H.An Lão) đến khu vực an toàn. Do mưa lớn, tuyến đường ĐT629 độc đạo từ TX.Hoài Nhơn (Bình Định) đi các xã ở H.An Lão bị ngập tại nhiều điểm và sạt lở, hư hỏng. Tuyến đường thôn 4 đi thôn 2 ở xã An Nghĩa (H.An Lão) cũng bị sạt lở.
Tìm người mất tích do vách núi đổ sập
Ngày 11.10, dưới trời mưa nặng hạt, các lực lượng và phương tiện cơ giới nỗ lực khắc phục sạt lở núi ở tỉnh lộ 622B, khu vực thủy điện Kà Tinh, H.Trà Bồng (Quảng Ngãi) để sớm thông đường và tìm kiếm anh Nguyễn Văn Nam (27 tuổi, ở TP.Quảng Ngãi), kỹ sư của Nhà máy thủy điện Kà Tinh 1, đang mất tích.
Điểm sạt lở tại suối Tình Cảm (xã An Quang, H.An Lão, Bình Định) trên tuyến đường ĐT629 ở Bình Định |
TRẦN PHÚC |
Tại hiện trường vụ sạt lở, PV Thanh Niên chứng kiến cả khu vực tan hoang do vách núi đổ ập xuống đường. Ông Nguyễn Vỹ Thuyên, Giám đốc Nhà máy thủy điện Kà Tinh 1, cho biết: Chiều 10.10 là ca trực của kỹ sư Nam. Tổ trực có 2 kỹ sư và một bảo vệ. Do mấy ngày liền trời mưa liên tục nên ca trực có kỹ sư Nam đi kiểm tra lần cuối an toàn cho thủy điện rồi rút về tránh lũ. Một bảo vệ và một kỹ sư đi hướng khác, còn kỹ sư Nam thì kiểm tra an toàn tại trạm điều hành điện của nhà máy.
“Khoảng 18 giờ 30 ngày 10.10, vách núi đổ ập xuống tỉnh lộ 622B, đất đá chảy qua Trạm điều hành thủy điện”, ông Thuyên nói. Ngay sau đó, lãnh đạo và nhân viên Nhà máy thủy điện Kà Tinh 1 không liên lạc được với kỹ sư Nam. Trạm điều hành thủy điện Nhà máy thủy điện Kà Tinh 1 đã chìm trong bùn đất, mái, vách xiêu vẹo.
Đại tá Nguyễn Ra, Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi, cho biết cán bộ, chiến sĩ cùng thiết bị máy móc vẫn đang tích cực đào ủi hàng nghìn khối đất đá để tìm nạn nhân mất tích.
Thủy điện đồng loạt xả lũ
Ngày 11.10, Sở Công thương tỉnh Kon Tum cho biết nhiều thủy điện trên địa bàn tỉnh đang thông báo xả lũ để điều tiết nước, bảo vệ hồ đập. Ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Kon Tum, cho biết sở đã chỉ đạo các thủy điện chủ động xả lũ đảm bảo quy trình được duyệt; đồng thời thường xuyên báo cáo lưu lượng nước về hồ 3 tiếng 1 lần và dự báo cho 3 tiếng tiếp theo.
Đức Nhật
Bình luận (0)