Nhưng để có được những cú nhấp chuột đem lại doanh thu hơn 200 tỉ USD vào năm 2018, thứ mà Amazon nói riêng và nhiều doanh nghiệp bán hàng trực tuyến nói chung trên thế giới phải mua vào trước tiên chính là niềm tin.
Vậy Amazon đã mua niềm tin bằng cách nào? Câu trả lời là hàng hóa được bày bán trên Amazon.com luôn được đảm bảo đúng chất lượng kèm theo những dịch vụ tốt và uy tín nhất. Để làm được điều đó, tỉ phú Jeff Bezos, người sáng lập kiêm CEO của Amazon, đã trực tiếp đọc khiếu nại của khách hàng từ một địa chỉ mail công khai. Sau đó ông chuyển nó tới những nhân viên liên quan, kèm theo một ký tự duy nhất dấu chấm hỏi và mọi việc sau đó sẽ được xử lý. Cách làm này giúp tiếng nói của khách hàng luôn được lắng nghe. Đó chính là 1 trong các bí quyết đem lại thành công cho nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới hiện nay.
Tại VN, mua hàng trên mạng hiện cũng khá phổ biến. Có những cá nhân thu hàng trăm triệu đến hàng tỉ đồng mỗi tháng từ bán hàng qua mạng xã hội Facebook; nhiều “chợ” điện tử cũng trở nên quen thuộc với người tiêu dùng, nhất là giới trẻ như Lazada, Shopee, Tiki, Adayroi... Phải khẳng định là mua bán trực tuyến hết sức tiện lợi, đỡ tốn thời gian - công sức, nhiều trường hợp giá lại mềm hơn do không tốn chi phí mặt bằng. Thế nên doanh thu của các "chợ" điện tử tăng rất nhanh. Thế nhưng tỷ lệ nghịch với tăng doanh thu là chất lượng hàng hóa, dịch vụ ở nhiều trang ngày càng tệ. Đầu tiên là hàng nhái, hàng giả bán công khai nhiều năm nay, dư luận phản ánh nhưng không khắc phục. Đặc biệt, tình trạng mua hàng chính hãng, nhưng bị giao hàng dỏm..., khi bị phản ánh thì giải thích không thỏa đáng, không chịu đền bù khiến nhiều người mất niềm tin.
Cá biệt sàn thương mại điện tử Lazada còn quy định không cho khách hàng được kiểm tra hàng hóa trước khi trả tiền. Nhưng thanh toán xong mới được mở xem, chẳng may không vừa ý món hàng đặt mua thì rất khó để đổi, trả.
Phải khẳng định là, mua bán trực tuyến là xu hướng tất yếu. Với xấp xỉ 100 triệu người, dân số trẻ, sức mua tăng trưởng tốt... VN vẫn được đánh giá là một trong những thị trường bán lẻ tiềm năng nhất, thu hút các thương hiệu lớn trên thế giới tham gia. Đầu năm nay Amazon cũng chính thức vào VN, người tiêu dùng trong nước có thể trực tiếp mua bán hàng trên trang thương mại điện tử Amazon.com mà không cần phải qua khâu trung gian nữa.
Thế nên, nếu không mua niềm tin của người tiêu dùng, các trang bán hàng trực tuyến sẽ tự giết mình trước cả khi cuộc cạnh tranh chính thức được châm ngòi.
Bình luận (0)