Mưa trên đỉnh Tà Năng - Truyện ngắn dự thi của Nguyên Hậu

Nguyên Hậu
Phú Yên
27/10/2024 16:00 GMT+7

Cơn mưa rừng ầm ào đến rồi đi như thác đổ, bỏ lại sau lưng vạt rừng sực lên mùi ẩm mục. Lũ rết, bọ cạp bắt đầu túa ra, bâu kín những chiếc lá rụng ẩm ướt.

Quản phóng tầm mắt khắp dãy Tà Năng. Phía đầu nguồn đổ bóng tối loang lổ trên những vạt rừng xanh thẫm. Càng về chân núi, những cánh rừng non tươi xanh bao quanh những khoảnh đất trống khi vừa dọn thực bì nham nhở. Quản nhẩm tính, chỉ non hai tuần trăng nữa, chỉ cần trời hửng nắng lên, những người ở xóm Đồng, xóm Mây, xóm Cối sẽ bắt đầu đốt rẫy, trồng vụ mới. Trước lúc đó, Quản phải rà soát cho bằng hết.

Đã hơn mười năm nay, chưa bao giờ Quản có giấc ngủ trọn vẹn. Chỉ cần nhắm mắt lại thì những cơn mơ rõ mồn một cảnh tượng hoang tàn, mùi da thịt cháy khét trộn lẫn trong mùi đất đá bị xới lên. Bao giờ Quản cũng thức dậy lúc rừng đã thật khuya. Có khi mảnh trăng non vừa kịp trườn qua dãy núi. Có khi chỉ là bóng đêm đặc quánh ken dày và tiếng cú vọng liên hồi từ phía suối xa.

Mười năm trước, sau khi xuất ngũ, Quản dắt díu vợ con ra riêng, dựng ngôi nhà nhỏ bên cạnh mấy héc ta đất rẫy khai hoang để tiện gieo trồng. Con Bồ Quân thích nghi với nắng gió núi rừng nhanh đến bất ngờ. Đôi chân sáu tuổi của nó có thể chạy băng băng từ khoảnh rẫy này qua khoảnh rẫy khác. Nó thích thú hít căng lồng ngực gió rừng, chạy thoăn thoắt vào lán trại tránh mưa và bắt những con côn trùng hiền lành để chơi đùa. Đặc biệt con bé có niềm yêu thích vô hạn với mấy loại quả rừng. Nó có thể đã tự tìm trong vòm lá xanh um những trái găng gai chín vàng, trái chùm mồi trâu ngọt lịm và những quả gùi dây màu cam tươi rói. Những lúc không đi hái quả, con bé ngồi vẽ trên nền đất bằng bất cứ vật gì có được, khi thì bằng những mẫu cây nhỏ, khi thì những hòn than nơi góc bếp. Những người làm rừng thường đùa với nhau rằng, dẫu bỏ con nhỏ ở góc rừng nào cũng không bao giờ bị lạc, bởi cứ theo dấu vẽ thì sẽ tìm thấy nó. Than bếp màu đen nhưng dưới bàn tay Bồ Quân, những cánh rừng nối tiếp nhau hiện ra và ngay cả trận mưa rừng mang cơn lũ tới cũng chỉ ngập ngừng đứng lại phía sau lưng những vòm cây cao lớn. Bởi vậy nên hai bàn tay Bồ Quân lúc nào cũng có màu nhựa lá hoặc lem nhem than bếp và mái tóc phảng phất mùi trái chín.

Mưa trên đỉnh Tà Năng - Truyện ngắn dự thi của Nguyên Hậu- Ảnh 1.

ẢNH: ĐỘC LẬP

Căn nhà nằm gọn lỏn dưới bóng cây xay được chia làm hai ngăn, một làm chỗ ngủ, ngăn còn lại để nấu nướng ăn uống và để đủ thứ đồ từ cuốc thuổng dao rựa cho đến những chiếc muỗng sắt ghè lỗ cùng vô số ống tre tra hạt. Nơi cuối chái, chỗ trũng xuống vì mưa hay thấm tạt lại là thế giới riêng của Bồ Quân. Con bé mang về cả mớ hạt cầy. Sau mùa hè, trái cầy chín vàng cây, lũ chồn và sóc tranh nhau ăn suốt ngày rồi thả xuống gốc cơ man là hạt. Hạt cầy khi được nướng trong than lửa, đập lấy phần nhân sẽ có vị bùi, béo và ngọt nhẹ. Bồ Quân gom chúng lại, bỏ xuống chỗ mưa dột ẩm và thường ngắm chúng từ ngày này sang ngày khác, từ khi lớp vỏ còn vàng nâu cho đến khi chúng lặng lẽ vươn hai lá mầm chắc mẫm. Con bé khẳng định chắc nịch rằng: "Rồi con sẽ trồng thật nhiều cây cầy trên khắp rẫy nhà mình. Con sẽ chạy từ bên này qua bên kia mà không cần đội mũ!". Quản nghe con gái nói nhưng không mấy bận tâm bởi mải lo khi thì tra lại cán cuốc đã bị gãy trong lúc dỡ những tảng đá to dời ra bìa rẫy, khi thì bận mài lại lưỡi rựa đã cùn lủn sau mùa tỉa chầu cây, đến khi nhìn lại đã thấy con bé ngủ ngon lành bên thềm cửa.

Đã mấy hôm liền có sấm về đêm. Quản vẫn nhớ cha thường dặn "Sấm trên non ẵm con đi trốn/ Sấm dưới biển nằm hầm mà ăn". Ngày Quản còn đóng quân tại đơn vị gần biển, họa hoằn lắm mới nghe một tiếng sấm rền và mỗi lần như thế, Quản càng nhớ nhà hơn. Năm nào sấm núi cứ rền rĩ thì y như rằng năm đó lũ lớn về. Trên dải Tà Năng này thật lạ, nắng thì đảo điên cây cối, bao nhiêu người dưới chân núi chờ mưa mòn mỏi. Đến lúc mưa về được thì ầm ào thác lũ. Vậy nên quanh năm bốn phía chỉ có hai màu tương phản, nắng đứng dựng chân trời mây lên như khói và bầu trời sầm sập tối bởi những cơn mưa. Vì sự khắc nghiệt đó nên những xóm làng dưới chân núi cũng quẩn quanh trồng hai loại đậu đỏ và lúa rẫy, loại lúa tra hạt vào các hốc đá, thô ráp và gan lì dưới nắng. Đến mùa thu hoạch, nếu gặp mưa cũng khó ngã đổ như giống lúa nước dưới đồng bằng.

Vừa chặn màn ngăn đám muỗi đen dày, vợ Quản nói trong ánh sáng loang lổ của ngọn đèn dầu: "Chắc chỉ mấy ngày nữa có mưa. Mai mình về tranh thủ đốt hết đám cây khô để kịp xuống hạt". Giống đậu đỏ này phải làm đồng loạt, cùng xuống giống, cùng dọn chầu, cùng ra bông kết trái và thu hoạch kịp tháng giêng. Nếu rẫy nào không kịp canh đúng vụ mưa xuống giống, chỉ trễ ít ngày thôi sẽ chín muộn, lúc đó đám thú rừng sẽ tập trung lại để cắn phá thì coi như mất trắng. "Bên mé tây năm nay vẫn trồng lúa? Mình nhớ mua thêm ít bẫy chuột". "Mình cứ để đó, tôi tính". Quản vừa nói vừa ngồi dậy quấn lại lá thuốc tra vào cán gỗ để xắt sợi. Tiếng thở của con Bồ Quân đều đều lẫn trong tiếng côn trùng rỉ rả.

Sáng, vợ Quản cẩn thận ép cơm nắm cùng đỗ rang trộn muối giã ớt xiêm để Quản đi mua giống cùng với vài vật dụng cho vụ mới. Quản nhẩm tính từng khoản, thong thả phải mua thêm mấy bóng chụp đèn và dầu hỏa vì nếu mưa lớn kéo dài, phải mấy ngày mới qua suối được. Và dù thiếu đủ gì đi nữa, nhất định sẽ mua cho con Bồ Quân một chiếc mũ rộng vành mới, che trọn mái tóc khét nắng trước khi những ngọn đồi xanh bóng như ước mơ của nó thành hiện thực. Nó cũng sắp vào lớp một rồi còn gì!

Chiều vừa tắt nắng thì Quản về tới xóm Đồng dưới chân dãy Tà Năng. Quản bất an trong lòng khi thấy phía lán trại của những người làm rẫy nghỉ chân nhốn nháo người. Phía mé đồi khói lên và đôi cánh chim bay tan tác. Phải đến khi người ta ấn vào tay anh túi nilon với vài ba thứ lẫn lộn, Quản mới như tỉnh cơn mê và khuỵu xuống. Ngôi nhà dưới bóng xay già bỗng chốc chỉ còn lại hoang hoải gió. Ngay đêm hôm đó, mưa về như thác đổ. Lũ từ phía thượng nguồn ào qua những khoảnh đồi trống. Xóm Đồng, xóm Mây, xóm Cối giờ chỉ thấy mênh mông nước. Phải đến trưa ba ngày sau mưa mới ngớt, lũ rút tới đâu bỏ lại ngổn ngang cây gỗ mục và những vết nứt sâu hun hút chia cắt giữa những ngọn đồi đến đó. Trong đống hoang tàn ấy, chỉ những cây cầy vẫn gan lỳ bám trụ. Bộ rễ xù xì của nó ăn sâu dưới bao nhiêu tầng đất đá nên dẫu tán rộng oằn mình trong gió mưa vẫn kiên cường đứng lại.

Đã bao nhiêu năm nay, cùng với chiếc máy rà phế liệu, dấu chân Quản in trên khắp dãy Tà Năng và xa hơn nữa. Quản không đếm ngày tháng mà ước chừng con trăng. Cứ qua đợt trăng tròn Quản sẽ về lại căn nhà cũ để lấy vài ba vật dụng, chằm thêm mấy tán lá chà là rừng thay những chỗ mưa dột và quan trọng hơn là mang cả ba lô trái cầy khô xếp đầy dưới chái. Quản ngồi đúng chỗ đứa con gái bé bỏng vẫn ngồi. Quản vẽ giấc mơ thơ trẻ của Bồ Quân sáu tuổi. Những mầm cây cầy theo chân Quản đi khắp nơi, vươn bộ rễ qua từng hốc đá, trải dài những vành đai quanh các khoảnh rẫy. Cũng có khi mảnh đồi Quản đi qua còn nhiều mìn sót lại, phải chờ chính quyền địa phương hỗ trợ tháo dỡ đi nên mấy mùa trăng Quản chưa về, thế nhưng ngôi nhà nhỏ vẫn ấm áp tinh tươm bởi những người đi làm rừng ghé lại. Họ đặt những chùm quả xay chín đầu mùa lên chiếc bàn nhỏ của Bồ Quân, lau đi mạng nhện chăng từ chái nhà qua chiếc mũ rộng vành treo ngoài hiên gió.

Những khi tỉnh dậy sau giấc chiêm bao, bốn phía là màn đêm vọng tiếng nai rừng tác vào vực tối, Quản ấp chiếc khăn buộc cổ của Bồ Quân lên má. Chiếc khăn màu lá non bị cháy loang lổ cùng với nước mắt của Quản giờ trở thành màu chàm cũ. Chắc là hôm đó cũng như bao hôm khác, Bồ Quân nhặt đầy quả khô đựng tràn vành mũ, và trước khi chạy qua khoảnh đồi, con bé đã kéo chiếc khăn lên để che đầu. Nếu như hôm đó sấm đừng rền vang để vợ anh vội vã châm lửa đốt đám thực bì khô. Giá như hôm đó con bé Bồ Quân còn mải mê nhặt quả rừng trên đỉnh đồi xa hơn một chút. Giá như hôm đó Quản không rời đỉnh Tà Năng thì có lẽ trong hố sâu kia sẽ là da thịt anh hòa cùng đất đá… Quản gặm nhấm bao cái "giá như" qua những mùa trăng tròn khuyết, qua cơn mưa dữ dội và qua tháng năm đơn độc gió rừng. Sau mấy lần xảy ra tai nạn trong lúc đốt dọn thực bì bởi đâu đó trên những ngọn đồi này, vẫn còn sót lại bom mìn chiến tranh, Quản đã vận động mọi người dọn vành đai đường biên thật kỹ để để đám cháy không lan ra và khi châm lửa đốt, phải tránh xa đủ khoảng cách an toàn, vậy mà cái hố sâu nghiệt ngã kia lại lồ lộ trước mắt Quản.

Đã bao năm, ngôi nhà nhỏ vẫn thoang thoảng mùi quả chín. Quản xếp đầy những cây cầy con trong chiếc giỏ đan bằng dây giang rừng. Sau cơn mưa, dãy Tà Năng xanh trong màu lá. Xen giữa những rẫy đậu là những đường biên xanh rợp bóng cây cầy. Trong bao nhiêu thứ thanh âm của rừng, Quản tựa hồ nghe rõ tiếng cựa mình của những hạt cầy trong lòng đất và tiếng cười giòn tan của con Bồ Quân khi chạy băng băng từ ngọn đồi này sang ngọn đồi khác…

Mưa trên đỉnh Tà Năng - Truyện ngắn dự thi của Nguyên Hậu- Ảnh 2.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.