Thủy điện vẫn ở "mực nước chết", than dự trữ eo hẹp
Báo cáo của Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cập nhật đến nay cho thấy tình hình cung ứng điện ở miền Bắc hiện vẫn đang rất khó khăn và chưa được cải thiện nhiều dù nước về các hồ thủy điện đã "nhích" nhẹ. Hiện ngành điện lực đang nỗ lực tối đa để tăng sản lượng điện.
Theo cập nhật của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương), lưu lượng nước về các hồ thủy điện ngày 14.6 trên cả nước có tăng nhẹ do một số tỉnh thành miền Bắc và Bắc Trung bộ có mưa. Tuy vậy, các hồ chứa khu vực Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ vẫn ở mực nước thấp; khu vực duyên hải Nam Trung bộ, Tây nguyên có mực nước tối thiểu theo quy định của quy trình vận hành. Đa số nhà máy thủy điện xấp xỉ mực nước chết tập trung ở khu vực Bắc bộ, Bắc Trung Bộ phát điện cầm chừng.
Thủy điện hụt công suất 5.000 MW, miền Bắc tiếp tục phải cắt điện
Đặc biệt, trong điều kiện nhiều nhà máy thủy điện hạn chế vận hành do khô hạn nghiêm trọng, gánh nặng về điều tần và điều áp dồn cả lên Nhà máy thủy điện Hòa Bình nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống điện quốc gia. Thông tin từ EVN, với 8 tổ máy (mỗi tổ có công suất 240 MW), trong điều kiện bình thường, phát đủ công suất, thủy điện Hòa Bình đóng góp 9,832 tỉ kWh/năm cho hệ thống điện quốc gia. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, tổng sản lượng điện phát lên lưới của thủy điện Hòa Bình chỉ đạt khoảng 3,5 tỉ kWh, tương đương 37% kế hoạch năm 2023.
Lãnh đạo Công ty thủy điện Hòa Bình cho hay hiện nay hồ Hòa Bình đang ở mức nước xấp xỉ 102 m, cao hơn mực nước chết 22 m. Nếu khai thác công suất tối đa, sau khoảng 12 - 13 ngày nữa, thủy điện Hòa Bình sẽ về mức nước chết (80 m). Lúc đó việc thực hiện nhiệm vụ điều tần cho hệ thống điện quốc gia sẽ không thể thực hiện được nữa.
Nhiệt điện đang "gánh" một phần thiếu của thủy điện, nhưng khó có thể bù đắp đủ do phải huy động công suất lớn, liên tục nên một số tổ máy liên tục gặp sự cố. Tổ máy S1 của nhiệt điện Thăng Long 1, S2 của Thái Bình 1, tổ S1 của Nghi Sơn 1 tiếp tục gặp sự cố. Đặc biệt, tổ máy số 1 của nhiệt điện Nghi Sơn 1 vừa sửa chữa xong, vào lúc sáng sớm 14.6 buộc ngừng hoạt động do có tiếng kêu bất thường trong ống quá nhiệt và chưa xác định được tiến độ khắc phục sự cố. Tổng công suất các nhà máy nhiệt điện trên cả nước khoảng hơn 26.000 MW. Riêng khu vực phía bắc, tính từ Quảng Bình trở ra là 15.500 MW, chiếm hơn 59% tổng công suất các nhà máy nhiệt điện trên cả nước và khoảng hơn 50% công suất lắp đặt của toàn miền Bắc. Thế nhưng trong thực tế, công suất nhiệt điện chỉ huy động được tại khu vực miền Bắc chưa tới 12.000 MW, khoảng 76% (cập nhật ngày 6.6) công suất lắp.
Hơn nữa, nguồn cung than dự trữ phục vụ nhu cầu khẩn cấp, cao điểm hầu như chưa thấy. Ngày 14.6, EVN cho biết các nhà máy nhiệt điện ở khu vực miền Bắc vẫn được huy động công suất và sản lượng tối đa. Trong hai tháng 6 và 7, nhu cầu than cần sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện lên đến 6,03 triệu tấn than, nhưng hợp đồng đã ký với Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản VN (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc trước đó là 4,388 triệu tấn. Do đó, vào đầu tháng 6, EVN đã có buổi làm việc với 2 đơn vị cung ứng than và đề nghị cấp bổ sung 1 triệu tấn ngoài khối lượng hợp đồng đã ký kết để đảm bảo đủ than cho nhu cầu sản xuất điện trong tháng 6 và 7. Đồng thời, tăng khối lượng than dự trữ trong kho lên mức phù hợp trước mùa mưa. Nguồn cung theo hợp đồng không thiếu, nhưng cung than dự trữ vô cùng khó khăn.
Thế nên, tình trạng cắt điện luân phiên vẫn diễn ra đều đặn tại nhiều tỉnh thành phía bắc, gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân. Rất nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất khu vực phía bắc cho biết phải "xoay xở đủ đường để giảm thiệt hại" do bị cắt điện luân phiên, thậm chí có nơi bị cắt nguyên ngày khiến sản xuất bị lỗi nhiều, trễ đơn hàng, hàng thực phẩm đông lạnh bị hư hỏng do cắt điện…
Khắc phục sớm để ổn định sản xuất
Trong bối cảnh đó, Văn phòng Chính phủ vừa phát đi trong thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp về tình hình cung ứng điện hiện nay. Đặc biệt, Phó thủ tướng lưu ý: "Trong điều kiện phải điều tiết cắt giảm điện, EVN phải tổ chức thực hiện theo đúng quy định và có giải pháp giảm thiểu tác động hoạt động sản xuất, đời sống nhân dân".
Đại diện EVN lý giải thông thường tập đoàn tập trung tăng nguồn cung, phân bổ về cho Tổng công ty Điện lực miền Bắc, từ đó Tổng công ty sẽ phân bổ về cho điện lực các địa phương. Điện lực địa phương sẽ có báo cáo cho UBND các tỉnh, thành phố để xem xét, chỉ đạo phân bổ nguồn theo thứ tự ưu tiên của mình. Chẳng hạn, có tỉnh chỉ ưu tiên điện cho phát triển kinh doanh du lịch, nơi khác ưu tiên điện cho sản xuất... Như vậy, việc tối ưu hóa nguồn cung và giảm thiểu tác động việc cắt điện đến sản xuất, đời sống người dân còn tùy thuộc vào chọn lựa ưu tiên điện cho lĩnh vực nào của mỗi tỉnh thành trong khu vực.
536,52 MW điện tái tạo chuyển tiếp phát lên lưới
Cập nhật đến ngày 13.6, đã có 68/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp (tổng công suất 3791,86 MW) gửi hồ sơ; 59 dự án (tổng công suất 3211,41 MW) thống nhất giá tạm. Trong đó, EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 55/59 dự án, Bộ Công thương đã phê duyệt giá tạm cho 43 dự án; 11 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó có 10 dự án/phần dự án với tổng công suất 536,52 MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới.
Sản lượng điện phát lũy kế của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp tính từ thời điểm COD đến ngày 12.6, đạt 29.270,02 MW. Trong đó, ngày 11.6, sản lượng điện phát của các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp đã COD là hơn 3,2 triệu kWh, trong khi sản lượng điện tiêu thụ trong ngày là 751 triệu kWh. Như vậy, sản lượng điện phát các dự án chuyển tiếp đã COD chỉ chiếm 0,43% sản lượng điện toàn hệ thống. Hiện vẫn còn 17 dự án với tổng công suất 942,70 MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.
Cũng theo EVN, nguồn cung thiếu chủ yếu từ Hà Tĩnh đổ ra phía bắc, sản lượng điện thiếu trung bình khoảng 2.500 - 3.000 MW trong một số thời điểm. Trong thực tế, nước về các hồ thủy điện đến nay có nhích thêm một tí, nhưng chỉ bổ sung bớt tiêu hao, điều hòa dòng chảy, chưa đáng kể để giúp thủy điện tăng được. Thế nên, tình trạng cắt điện luân phiên tại một số khu vực phía bắc vẫn tiếp tục diễn ra trong tháng nắng nóng tới. Ngành điện kêu gọi người dân, DN cần nâng cao ý thức trách nhiệm, đẩy mạnh chương trình tiết kiệm điện nhằm tránh áp lực cho hệ thống điện quốc gia, nhất là ở miền Bắc.
Ông Đỗ Hòa, chuyên gia tư vấn chiến lược, Giám đốc Công ty tư vấn Tinh Hoa Quản Trị, cho rằng điện bị cắt gián đoạn hay nguyên ngày đều ảnh hưởng rất lớn đến DN. Nhưng sẽ nguy hiểm hơn nếu cắt đột xuất, máy móc đang vận hành bị hư hỏng, tỷ lệ lỗi trong quy trình sản xuất rất cao, thậm chí ngay cả làm thủ công, lỗi cũng bị nhiều hơn nếu rơi vào tình trạng cắt điện ngắn. Đối với những nơi cắt điện có lịch trình báo trước, năng suất và chi phí sản xuất của DN sẽ bị ảnh hưởng. Vì thế, cần khắc phục sớm tình trạng thiếu điện, cắt điện hiện nay để ổn định sản xuất cho nền kinh tế.
Bình luận (0)