Mức án 1 năm 6 tháng tù về tội “cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần kích động mạnh” mà TAND Q.Tân Phú (TP.HCM) tuyên đối với bị cáo - một người bị chính nạn nhân bất ngờ tấn công sau đó đánh trả khiến nạn nhân tử vong - gây nhiều tranh luận.
Nón bảo hiểm thuộc hung khí nguy hiểm ?
Ông Nguyễn Đức Thành, thẩm phán - chủ tọa vụ án trên, cho biết các cơ quan tố tụng Q.Tân Phú đã áp dụng tình tiết bị hại là người có lỗi để chuyển tội danh ban đầu là “cố ý gây thương tích”, với mức hình phạt cao nhất là 14 năm tù, sang “cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh” với khung hình phạt từ 6 tháng đến 3 năm.
Theo ông Thành, đối với mức án 1 năm 6 tháng, dưới 3 năm tù, tòa cũng đã xem xét đến việc cho bị cáo được hưởng án treo hoặc cải tạo không giam giữ. Tuy nhiên, tại phiên tòa, bị cáo có thái độ quanh co, không thừa nhận đã dùng nón bảo hiểm đánh vào đầu của nạn nhân mà chỉ đập vào vai. Bên cạnh đó, gia đình bị cáo chỉ bồi thường được 24,5 triệu đồng - số tiền quá thấp so với mất mát của gia đình bị hại.
Ngoài ra, vật bị cáo dùng để đánh lại bị hại là nón bảo hiểm, thuộc hung khí nguy hiểm và dẫn đến chết người. Từ những chi tiết trên, thẩm phán Thành cho rằng mức án 1 năm 6 tháng tù giam đã tuyên đối với Nguyễn Hùng Hải là hợp lý.
Về số tiền bồi thường hơn 200 triệu đồng mà phía bị hại yêu cầu, chủ tọa phiên tòa cho biết, gia đình nạn nhân đã cung cấp đầy đủ giấy tờ chứng minh. Cũng như bị cáo Hải, hoàn cảnh gia đình của nạn nhân đặc biệt khó khăn; nạn nhân là lao động chính trong gia đình, phải nuôi vợ, mẹ già và con nhỏ. “Sau khi cân đo đong đếm, cân nhắc các tình tiết, hoàn cảnh của hai bên gia đình, HĐXX đã đưa ra một mức phạt tù và phạt tiền như vậy”, ông Thành cho biết.
Phòng vệ chính đáng ?
Tuy vậy, một số luật sư (LS) cũng đưa ra nhiều nhận định khác liên quan đến pháp lý. Cụ thể, theo LS Hoàng Cao Sang (Đoàn LS TP.HCM), việc TAND Q.Tân Phú xử Nguyễn Hùng Hải 1 năm 6 tháng tù về tội cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần kích động mạnh khi Hải bị P.V.A liên tục tấn công là bất hợp lý. Trong trường hợp này cần xác định, Hải là người phòng vệ chính đáng, bởi lẽ khi A. tấn công, Hải đã bỏ chạy nhưng nạn nhân vẫn tiếp tục truy đuổi Hải và nắm áo nắm mũ của Hải. Lúc này bản thân Hải đã bị nguy hại đến sức khỏe, tính mạng nên Hải buộc phải phản ứng để phòng vệ.
LS Sang phân tích thêm: “Theo điều 22 bộ luật Hình sự năm 2015 (BLHS), phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình... mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên. Và phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm. Việc Hải phản ứng bằng cách lấy nón bảo hiểm chống trả lại bị hại là hành vi tương xứng khi Hải bị A. truy đuổi đến cùng và nạn nhân không có ý định dừng hành vi truy đuổi của mình. Nếu Hải không chống cự lại và với sự tấn công mang tính quyết liệt của A., có khả năng Hải sẽ là nạn nhân và có thể tử vong.
“Tinh thần của pháp luật là để bảo vệ lẽ phải, bảo vệ người ngay chứ không để những kẻ lợi dụng pháp luật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Nếu không xử đúng tinh thần của pháp luật, sẽ tạo cớ và khuyến khích cho tội phạm phát triển, và người dân hiền lành sẽ là nạn nhân của pháp luật”, LS Sang nêu ý kiến.
Đủ điều kiện hưởng án treo
Tuy nhiên, TS Phan Anh Tuấn (Trưởng bộ môn luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM) cho rằng trường hợp của bị cáo Hải không phải là trường hợp phòng vệ chính đáng, bởi thời điểm xảy ra sự việc, nạn nhân là người say xỉn, đánh Hải bằng tay không. Vì vậy, việc Hải chống trả bằng mũ bảo hiểm là không tương xứng. Do vậy, việc tòa xét xử Hải về tội danh “cố ý gây thương tích trong trạng thái tinh thần kích động mạnh” là phù hợp. Tuy nhiên, khung hình phạt của Hải không quá 3 năm thì HĐXX có thể xem xét lỗi người bị hại; Hải có nhiều tình tiết giảm nhẹ để áp dụng án treo cho Hải.
LS Lê Quốc Việt (Đoàn LS TP.HCM) cũng cho rằng, Hải hoàn toàn đủ các điều kiện để tòa xem xét áp dụng án treo. Bởi, căn cứ theo quy định tại điều 65 BLHS, điều 2 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP TAND tối cao về việc hướng dẫn áp dụng điều 65 của BLHS về án treo, thì người bị kết án phạt tù có thể được hưởng án treo khi đủ các điều kiện sau đây: bị xử phạt tù không quá 3 năm; có nhân thân tốt; có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 1 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 điều 51 BLHS và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 điều 52 BLHS; có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục; xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Trong khi đó, hồ sơ vụ án thể hiện Hải là người có nhân thân tốt (phạm tội lần đầu, luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân tại nơi cư trú, nơi làm việc), có nơi cư trú rõ ràng. Tại phiên tòa sơ thẩm, HĐXX cũng nhận định Hải có 3 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 điều 51 BLHS.
Mức bồi thường cho phía bị hại quá cao ?Trong vụ án, ngoài mức hình phạt thì tòa tuyên buộc bị cáo Hải phải bồi thường cho gia đình nạn nhân hơn 224 triệu đồng và tiếp tục cấp dưỡng cho con của bị hại 2 triệu đồng/tháng, sinh năm 2012, đến khi cháu bé 18 tuổi. Theo LS Trịnh Công Minh (Đoàn LS TP.HCM), cần xem lại mức bồi thường thiệt hại, vì có thể mức bồi thường quá cao so với khả năng kinh tế của gia đình bị cáo, cũng như xét về yếu tố lỗi của bị hại P.V.A.
|
Bình luận (0)