Mùi hương cũ

11/02/2021 13:00 GMT+7

Chuyện giữa những người trung niên từng học chung lớp ở trường phổ thông hồi mới lớn, quanh đi quẩn lại cũng chỉ về bạn cũ, thầy cô xưa.

Một người nhắc lại hồi năm lớp 8, ở góc bàn của cô bạn trong lớp luôn tỏa ra mùi thơm nhẹ. Ai đến gần mới cảm thấy nhưng không rõ từ đâu. Sau có người kể là mỗi buổi sáng đi học, bạn ấy luôn mang theo một nhánh bông dạ lý hương ngắt từ vườn nhà và bỏ vào hộc bàn.
Câu chuyện dễ thương ấy bỗng dưng kéo cả đám sồn sồn gần tuổi 60 về lại hơn 40 năm trước. Từ câu chuyện trên, những hồi tưởng về mùi hương mở rộng ra. Họ nhắc lại mùi nước hoa thoảng nhẹ của cô giáo dạy Anh văn, mùi ban mai tinh khiết ở khu lớp sân sau, bên cạnh mấy cây cổ thụ. Một anh bảo có ai nhớ mùi sâm đại hành hồi học Trường Nguyễn Thượng Hiền không, nó the the cay cay, nhất là khi lén bứt đọt non đưa lên mũi ngửi. Một anh bảo: Tao nhớ mùi tóc... mấy đứa con gái. Đi tập văn nghệ, mình ôm đàn đánh cho mấy nhỏ đó hát, tóc đứa nào cũng thơm. Tóc con gái miệt Bà Quẹo thơm mùi bồ kết, tóc con gái khu ông Tạ xài xà bông Trầm, Lux thơm nức.
Những mùi hương cũ, sao có thể buộc chúng ta nhớ nhiều đến vậy! Chúng đánh thức ký ức và những mộng tưởng đã mất, kéo về thời tuổi trẻ thần thánh không bao giờ quay lại.
Người ta cho rằng khứu giác cũng quan trọng như tất cả các giác quan khác như nhìn, nghe, nếm và chạm. Nhưng đối với nhiều người, khứu giác quan trọng hơn cả, vì nó dựa vào tiềm thức để tồn tại, có thể dẫn chúng ta đến những điều từng không hiểu rõ, thậm chí được cho là không đáng quan tâm. Nó có thể mang lại niềm hạnh phúc, cũng có thể mang đến ký ức về một điều nguy hiểm đã từng xảy ra.
Trong tâm trí tôi, có một mùi clo trong nước hồ bơi công cộng tỏa ra vào những ngày hè ở trên bờ hồ bơi Nhà văn hóa Lao động thập niên 1990. Nắng thời tuổi trẻ ấy lung linh vàng lóa dưới mặt nước và những cô gái bận áo tắm đi qua gợi cảm giác vui thú và nhàn tản của một mùa hè rong chơi. Cảm giác về mùi clo ấy tưởng chừng như không hề có trong tiềm thức, chợt đến đột ngột khi tôi quay lại chính cái hồ ấy lúc mới thay nước.
Mùi nước hoa Pháp là những gì sâu đậm nhất về mùi hương của má tôi những ngày tết, không phải từ mùi nhang trầm thắp đêm giao thừa. Những sáng mùng một, má diện áo dài màu ruốc nhạt hay nhung đen, xức chút nước hoa sau gáy, trên cườm tay... đi chùa cùng bạn hàng xóm, sau đó là đi chúc tết. Lúc đó, tôi trông má đứng trước gương chải lại mái tóc trước khi đi, để được ôm bà, cảm nhận mùi nước hoa với mùi vải áo dài.
Sau này, khi nhớ về người mẹ đã khuất, tôi nhớ thêm mùi hương khác, không dễ chịu cho lắm, là mùi giấm chua ngai ngái thấm vào cục bột nhão mà má nắm lấy để lăn trên lưng cho tôi đang trong cơn sốt. Trong cơn mệt mỏi của đứa trẻ 7 tuổi, tôi biết có giọt nước mắt má nhỏ xuống lưng mình.

Những mùi hương cũ, sao có thể buộc chúng ta nhớ nhiều đến vậy! Chúng đánh thức ký ức và những mộng tưởng đã mất, kéo về thời tuổi trẻ thần thánh không bao giờ quay lại

Lần đầu tiên ra nước ngoài hơn 20 năm trước, tôi ở Nhật cả tháng trời và mùi hương tôi nhớ nhất là mùi... khoai tây chiên tỏa ra từ các trung tâm thương mại. Sau này, món khoai tây chiên ở đâu cũng có, nhưng khi trở lại Nhật, tôi nhận ra đó là một mùi rất riêng biệt - mùi thành phố của nước Nhật, có khi chỉ mình tôi nghĩ vậy. Chắc chắn mỗi thành phố, mỗi khu phố có một mùi riêng. Mùi của vài con phố ở Hà Nội là mùi giấm tỏi trong món phở và mùi chả cá. Mùi của Chợ Lớn là mùi thuốc bắc khi quẹo khúc cua trên đường Hải Thượng Lãn Ông. Mùi của xóm tôi một thời là mùi bông nguyệt quế ban đêm. Mùi của nhà tôi hồi còn nhỏ là mùi thuốc tẩu của ba tôi và mùi sơn dầu của ông anh trước cái giá vẽ. Mùi của đường rầy cổng số tám cắt ngang đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển) là mùi bò nhúng giấm cộng với mùi bia tỏa ra từ quán Ánh Hồng của ông bà Tư Khá. Mùi của nhà hàng xóm sát bên là mùi chuối nếp nướng chuẩn bị cho buổi bán chiều.
Mùi hương cũ1

Mùi hoa hàng rào và mùi khoai bắp nướng trên lò than, những mùi hương đời thường gần gũi

TRANH: PHẠM CÔNG TÂM

Khi nhớ đến những mùi hương thoảng qua đời mình như vậy, tôi nhận lại nhiều ký ức lung linh. Những ký ức đó đẹp vì diễn ra trong thời thơ ấu, lúc không vướng bận trách nhiệm và lo toan của tuổi trưởng thành. Có thể khi nhớ lại, chúng ta lý tưởng hóa chúng dù trải nghiệm thật sự không dễ chịu. Dầu biết vậy, tôi cảm thấy điều đó thật tốt cho một “người lớn” sau này, khi luôn trong trạng thái đối diện cuộc sống trần trụi.
Tôi đọc đâu đó rằng ở nước Mỹ, những người sinh trước năm 1930 có xu hướng nhớ lại những mùi liên quan đến thiên nhiên nhiều hơn những người sinh ra trong những thập kỷ sau đó. Điều này có thể phản ánh sự đô thị hóa ngày càng tăng sau những năm 1930 ở nước Mỹ. Ở Việt Nam, thế hệ nào còn nhớ nhiều nhất những mùi hương của thiên nhiên?
Hương gây mùi nhớ, trà khan giọng tình, Để tưởng nhớ mùi hương, Mùi của ký ức những câu thơ, tên sách, tên truyện đậm cảm xúc về một mùi hương xa xưa. Những mùi hương một thuở ấy, có thể vô can vô cớ đến với ta lúc bất ngờ nhất, có thể khiến một người chai sạn mùi đời ngẩn ngơ và thả nỗi nhung nhớ đi rất xa.
Tôi đọc một đoạn văn trong cuốn sách Sống và viết với… có bài phỏng vấn nhà văn Nguyễn Hiến Lê của Nguyễn Ngu Í. Ông Nguyễn Hiến Lê giữa thập niên 1960 sống trên đường Huỳnh Tịnh Của. Một lần đi bộ đến cuối đường Pasteur, ông bắt gặp một mùi hương nhẹ khiến cảm thấy như “lạc vào một thế giới khác”. Đó là mùi hương của cây sao. Ông kể chuyện làng Ngọc Hà ngoài Hà Nội khi ông còn nhỏ và cảnh phố Hàng Đường gần chợ Đồng Xuân những ngày rằm và mùng một. Ngày đó người ta quý bông ngọc lan hay hoàng lan, chỉ ngắt từng đóa chứ ít khi bẻ trọn cành để chưng hay để bán. Một xu được năm sáu bông quế hay hồng, lan, sói, móng rồng... Tất cả gói trong lá chuối, mang về chưng trong đĩa sứ. Khi vào sống ở Sài Gòn, ông trồng hoàng lan trong góc sân. Khi ngồi viết, hương hoa thoang thoảng khiến ông có cảm tưởng mùi hương đến thăm ông, an ủi hay nhắc nhở, cười cợt tùy lúc. Ông nói: “Sắc thì ta phải đi tìm nó để thưởng nó, hương thì nó tìm ta để làm dịu hồn ta. Nó âm thầm, kín đáo, tế nhị, chỉ cho thôi chứ không cần đáp. Nó bỗng tới rồi bỗng đi, nó phảng phất, nó phiêu diêu...”. Nguyễn Hiến Lê tự nhận mình là người không lãng mạn, nhưng khi nói lên điều này, ông thể hiện tâm hồn lãng mạn và yêu thiên nhiên sâu sắc.
Nhớ mấy chục năm trước, sau hai tháng đi công tác xa, tôi về tới nhà vào buổi tối và chìm ngay vào giấc ngủ. Sáng sớm, thoang thoảng hương cà phê lan tỏa từ cái phòng nhỏ bên cạnh bếp, nơi ba tôi ngồi pha cà phê uống mỗi sáng sớm. Lúc đó, cảm giác bình yên ập tới khiến tôi thấy yêu gia đình biết bao nhiêu. Mùi cà phê quen thuộc giúp tôi định vị được cái ổ an toàn và thân thuộc từ hồi tấm bé của mình. Sau này, khi lập gia đình, loại mùi hương quan trọng đó là mùi thịt nướng dưới bếp, mùi xoài chín từ Cam Ranh gửi vào, mùi nắng trên sân thượng ấm nồng trên chồng quần áo vừa khô... và mùi mồ hôi thân thuộc của những người thân yêu trong gia đình nhỏ. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.