Muôn chuyện về A tâu

30/10/2021 06:04 GMT+7

Ngược với chuyện sinh, lão, bệnh, tử như quy luật thông thường, hàng trăm người bản địa ở cao nguyên tìm về thế giới A tâu - thế giới bên kia hay cõi chết theo nghĩa của tiếng dân tộc Ba Na - bằng cách tự tử.

Buồn vì không đãi thông gia chu đáo: tự tử; nghĩ rằng bạn coi thường mình: tự tử; đi uống rượu say về bị vợ mắng: tự tử… Vấn nạn này là cả một câu chuyện buồn dài vắt từ năm này qua năm khác ở những bản làng xa vắng. Không có lời ai điếu cuối cùng nào cho một cuộc tiễn đưa người về A tâu như thế để khép lại nỗi buồn dằng dặc ở các làng buôn cao nguyên…

Trẻ con nơi làng nghèo chỉ có những trò chơi đơn giản, thiếu thốn

TRẦN HIẾU

Nắm lá ngón định mệnh

Anh Đinh Văn Dũng cùng người làng Kon Lanh, xã Đăk Rong, H.K’bang (Gia Lai), ngày hôm ấy tỏa đi khắp nơi tìm vợ là chị Đinh Thị Reo. Cuối cùng họ phát hiện chị Reo nằm vật vã trong rừng vì đã trót ăn lá ngón tự tử. Chỉ kịp cầm tay chồng nói: “Anh nuôi con nhé, em sợ lắm!”, rồi chị Reo tắt thở. Người làng lặng người!

Quãng đời của chị Reo như một cuộc nổi trôi phận người. Người làng Kon Lanh còn nhớ Reo xinh có tiếng, lắm chàng ngấp nghé muốn được lọt vào mắt người đẹp. Mới 18 tuổi, Reo bắt chồng. Người cô chọn là Đinh Văn Dũng, hơn cô một tuổi, nhanh nhẹn, làm việc ở xã. Một cuộc kết hợp viên mãn. Già làng hể hả: “Chúng nó được đôi mà! Cả làng ai cũng vừa ý”. Chuyện vui bỗng chốc như cuộc rượu tàn canh. Chẳng biết tự bao giờ, chồng Reo đã đổ đốn rượu chè, bê tha, chẳng còn ham việc như trước.

Cái khổ đổ xuống cô gái bản địa nơi nghèo khó khiến Reo không còn nét cười vui của cô gái thuở trăng tròn. Cô ngày càng lầm lì, ít nói. Đứa con ra đời. Khổ càng khổ thêm. Dũng cưới vợ được ít lâu cũng bỏ việc, sa đà trong men rượu. Cuộc vui chưa có hồi kết viên mãn, người làng đã sớm chứng kiến cảnh buồn. Họ ái ngại cho cảnh khổ của Reo. Cũng muốn giúp đỡ, nhưng ai cũng nghèo cả, giúp làm sao được!

Nát rượu, chồng Reo bỏ bê ruộng rẫy. Nói miết mà cái tai của Dũng cứ như bỏ đi đâu. Buồn càng thêm buồn. Lại thêm cơn túng quẫn thường trực. Hai đứa con, đứa lớn 8 tuổi, đứa nhỏ 4 tuổi đang độ ăn độ lớn càng oằn thêm lưng của cô gái xinh miền sơn cước ngày nào. Uống rượu nhiều, Dũng bị xơ gan. Mấy năm gần đây mắc tiểu đường nặng. Nhà nghèo quá, tiền đâu mà chạy chữa. Gia cảnh túng lại thêm túng. Mọi việc lớn nhỏ đổ xuống. Một tay Reo phải cáng đáng.

Một ngày của tháng hai vừa rồi, cả làng có việc. Mọi người uống rượu say sưa. Reo cũng uống! Có lẽ buồn quá, cô uống muốn quên sầu muộn chăng!? Ngồi với người làng một lúc thì Reo lẻn ra ngoài. Chẳng ai quan tâm cô đi đâu. Đến trưa thì Dũng không tìm thấy vợ. Người làng cùng Dũng túa đi tìm. Mọi người chia nhau chạy ra rừng và giật mình khi thấy Reo lả đi bên một cây to. Reo nói mình đã ăn cả nắm lá ngón rồi. Mọi người xốc cô lên đưa đi bệnh viện nhưng đã muộn.

Lúc chúng tôi đến, Dũng đang ngồi bệt dưới đất, ánh mắt thất thần. Bệnh nặng khiến Dũng chẳng thể làm việc như bình thường. Căn nhà nhếch nhác lúc trước vừa được chính quyền xã giúp đỡ tiền để làm mới. Trong nhà chả có thứ gì đáng giá. Có lẽ, sự sống của Dũng không thể tính nổi bằng năm.

Thiếu bàn tay phụ nữ đảm đang trong nhà, tất cả như hoang lạnh. Hai đứa con gái của họ lặng lẽ chơi với nhau trên giường. Hỏi nhớ mẹ không, cả hai rơm rớm gật đầu. Mắt con thơ như vương cả chiều muộn buồn tênh nơi làng vắng.

Vợ tự vẫn, anh Đinh Văn Dũng bệnh nặng, phải nuôi hai con nhỏ

Muôn chuyện tự tử

Chỉ vì những chuyện không đâu cũng dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Một chức sắc của làng Kon Lanh kể cho chúng tôi về một vụ tự tử lãng nhách. Số là hai người bản địa cùng đi làm với nhau. Chiều về, hai người hẹn nhau tới nhà uống rượu. Anh bạn đồng ý rồi lấy xe máy chạy trước đến quán mua rượu. Người còn lại về nhà chờ lâu quá, có lẽ nghĩ quẫn rằng bạn chê mình gì nên không tới như lời hứa thế rồi ra sau vườn thắt cổ tự tử. Anh bạn chờ chủ quán có việc, lúc mua được rượu về thì bạn mình đã tự tử. Cả nhà ngỡ ngàng, đau xót!

Những cây lá ngón mọc bên đường hay những lối đi ven rừng có hoa rất đẹp lại là thứ cây có độc chết người. Cây có lá và rễ cực độc. Hầu hết đều đã muộn khi người làng tìm thấy, chở ra chưa đến bệnh viện đều phải chở về. Ngoài lá ngón, nhiều người bản địa nơi đây còn tự hủy hoại mình bằng cách treo cổ hoặc uống thuốc sâu, thuốc cỏ cháy.

Mới đây, lại thêm một vụ tự tử xảy ra tại làng H’tăng, TT.K’bang, H.K’bang. Vì mâu thuẫn gia đình, anh Đinh H’lơm (34 tuổi) đã treo cổ tự tử. Ông Đinh Blinh, Bí thư chi bộ của làng H’tăng, cho biết: “H’lơm có 4 đứa con, đứa lớn mới 16 tuổi, đứa nhỏ nhất mới 3 tuổi. Nhà thuộc diện hộ nghèo. Hai vợ chồng cũng hay cãi nhau. Hôm đó không hiểu bức xúc chuyện gì mà H’lơm đã dại dột. Mấy đứa con vậy, vợ làm sao nuôi nổi. Khổ cho cả nhà”.

Hai đứa con của H’lơm đã phải nghỉ học cùng làm việc lo cái ăn, cái mặc cho cả nhà. Cứ thiếu tiền là họ lại tìm đến quán tạp hóa đầu làng mượn rồi đi làm thuê trả dần. Chị Chan, vợ của anh H’lơm, nói: “Nó muốn vậy mà, mình sao biết mà ngăn cản kịp. Nhà không có đất để làm, đi làm thuê suốt thôi!”.

Nhiều người bản địa đã giải tỏa bức xúc cá nhân bằng cách tự tử. Đây là vấn đề đau đầu với chính quyền cũng như cả hệ thống chính trị của H.K’bang trong những năm qua. Từ những mâu thuẫn lặt vặt hay cả nghĩ, nhiều người đồng bào đã chọn cách kết thúc cuộc sống bằng tự tử.

Ông Võ Phúc Quán, Phó trưởng ban Dân vận Huyện ủy K’bang, cho biết: “Nguyên nhân của các vụ tự tử là do nhận thức của người dân chưa cao, dân trí thấp. Cảm xúc bi quan, chán nản dễ đưa họ đến hành động tiêu cực”.

Chuyện buồn nơi vùng xa

Ông Đinh Nao, Bí thư Đảng ủy xã Đăk Rong, chia sẻ: “Một số gia đình hay xảy ra mâu thuẫn vợ chồng, chúng tôi cũng đã giao cho đoàn thanh niên, hội phụ nữ, mặt trận… tới thăm hỏi, động viên, nhưng những hành động bột phát dẫn đến hậu quả đáng tiếc thì thật sự không lường trước được”.

Theo thống kê của Ban Dân vận Huyện ủy K’bang, từ năm 2016 đến nay, toàn huyện có 244 vụ tự tử với 202 người chết. Trong số này, hầu hết là người bản địa. Và hầu hết đều rơi vào những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Con số trên cũng phản ánh những bất thường trong nhiều cộng đồng bản địa. Trong số 15 vụ tự tử ở H.K’bang, riêng xã Đăk Rong xảy ra đến 8 vụ.

Ngoài mâu thuẫn gia đình, nhiều vụ tự tử cũng liên quan đến nạn uống rượu. Đây là vấn nạn đau đầu đối với các cơ quan chức năng trong phương cách giải quyết. Ở trong các cộng đồng bản địa, cứ mỗi khi làng có việc là có rượu. Nguy hiểm nhất là thứ rượu họ uống mua từ các hàng quán tạp hóa là rượu trắng pha với cồn thực phẩm. Nhiều người nghiện rượu nặng, uống thứ rượu này lâu ngày ảnh hưởng đến thần kinh, sức khỏe. Không ít trường hợp bị mù mắt hay phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc rượu.

Khi chúng tôi đến các làng để thực hiện phóng sự này đã chứng kiến nhiều người như được… nhúng trong rượu dù mới đầu giờ chiều. Một số người say nằm ngủ, bên cạnh là can rượu uống dở.

Ông Phan Trần Thọ, Phó bí thư Huyện ủy K’bang, nói: “Nạn tự tử gây nên hiện tượng tiêu cực trong xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội và đặc biệt là các hộ gia đình. Ngoài ra, những vụ việc như thế này nếu kéo dài sẽ làm nảy sinh các vấn đề tiêu cực trong các quan hệ xã hội, gây khó khăn cho gia đình, mất người lao động. Nguồn nhân lực trong đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở những gia đình có người tự tử cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hơn 80% số trường hợp tự tử có liên quan đến việc sử dụng rượu bia”.

Không chỉ ở H.K’bang, nạn tự tử cũng xảy ra ở các huyện phía đông Gia Lai với hàng trăm người chết trong vài năm trở lại đây. Câu chuyện về với thế giới A tâu đã trở thành bất thường và là lời cảnh báo đối với những cộng đồng làng.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.