Muốn giảm ùn tắc giao thông, cần nhiều giải pháp đồng bộ

22/11/2021 06:06 GMT+7

Nhiều bạn đọc cho rằng để giảm ùn tắc giao thông , cần thực hiện nhiều giải pháp như tăng cường xe buýt chất lượng cao, xây dựng tuyến cáp treo, tàu điện ngầm… và đặc biệt là nâng cao ý thức người tham gia giao thông.

Như Thanh Niên đã đưa tin, sau 11 ngày hoạt động, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam ghi nhận hệ số sử dụng ghế trung bình mới đạt 16,3%, ở mức khá thấp so với công suất khai thác tối đa. Mặc dù Công ty TNHH MTV đường sắt Hà Nội (Metro Hanoi) đã sắp xếp, bố trí thêm điểm đỗ xe tại 2 ga đầu (Cát Linh) và ga cuối (Yên Nghĩa) để người dân tới gửi xe máy, đồng thời mở mới, điều chỉnh lộ trình nhiều tuyến xe buýt kết nối, nhưng người dân vẫn chưa mấy mặn mà.

Trước tình trạng ùn tắc giao thông tại 2 thành phố lớn nhất nước, nhiều ý tưởng táo bạo đã được đề xuất

ĐẬU TIẾN ĐẠT

Trong khi lãnh đạo Hà Nội đang tìm phương án giải bài toán kết nối, kéo người dân đi metro, rất nhiều ý tưởng giao thông độc, lạ từng nhận nhiều ý kiến trái chiều của dư luận, nay được mang lên bàn cân trở lại. Trong đó có đề xuất xây dựng cáp treo đô thị.

Trao đổi với báo chí, đại diện Tập đoàn Poma của Pháp, đơn vị từng đề xuất với TP.Hà Nội ý tưởng xây cáp treo vượt sông Hồng, cho biết trong bối cảnh hạ tầng giao thông dưới đất đã quá tải, các đô thị lớn cần tính toán phát triển mạnh hạ tầng trên cao với sự dẫn dắt của đường sắt đô thị. Cáp treo cũng sẽ là một phần trong tổ hợp mạng lưới giao thông công cộng (GTCC) tích hợp. Do hoạt động trên không và đi trên làn đường riêng (dây cáp) nên cáp treo vận hành ổn định, đúng giờ, xác suất được tính theo giây.

Trước đó, năm 2017, Công ty cổ phần Bilco cũng đưa ra ý tưởng xây tuyến cáp treo dài hơn 1 km từ Công viên Gia Định tới sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) với công suất 3.000 - 4.500 hành khách mỗi giờ, để “chia lửa” với các tuyến đường quanh sân bay. Ý tưởng này khi ấy đã vướng phải nhiều ý kiến trái chiều của các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực giao thông. Chủ đơn vị đề xuất ý tưởng sau đó cũng thông tin đã dừng việc xây dựng đề án chi tiết do thấy không còn phù hợp, khó thực hiện ở điều kiện thực tế của TP.

Tranh luận về cáp treo đô thị

Liên quan ý tưởng làm cáp treo đô thị, bạn đọc (BĐ) “chia phe” tranh luận khá sôi nổi. BĐ Tran Thung bày tỏ quan điểm ủng hộ, viết: “Cáp treo tại Hà Nội và TP.HCM là hướng đáng để suy nghĩ vì cả hai TP này đều không còn đất, đường để phát triển GTCC. Tàu điện phát triển hiệu quả cần hệ thống giao thông vệ tinh để chuyển khách. Trong trường hợp này cáp treo là phương án khả thi. Thực tế hiện nay hệ thống tàu điện không được hỗ trợ hệ thống gửi xe 2 bánh, thiếu hệ thống trung chuyển khách nên hoạt động không hiệu quả khi đầu tư ban đầu và vận hành quá lớn. Cáp treo nếu không hiệu quả tại tuyến này có thể chuyển sang tuyến khác một cách dễ dàng chứ không phải thải bỏ hoàn toàn. Đề nghị nghiên cứu và thí điểm vài tuyến cáp treo cho những cung đường có lưu lượng người đi nhiều”.

Tuy nhiên, nhiều BĐ khác lại không đồng tình. BĐ NPHONG viết: “Dùng cáp treo để giảm ùn tắc giao thông? Đây là ý tưởng táo bạo, nhưng thôi cứ để nó là ý tưởng đi ạ, vì tính khả thi hoàn toàn không có đâu, đừng theo đuổi mất thời gian!”. Cùng quan điểm, BĐ Anh Dung Nguyen cũng cho rằng: “Một ý tưởng và đề xuất thiếu thực tế”.

Hệ thống giao thông công cộng phải thật mạnh

Không bàn chuyện cáp treo, nhiều BĐ tập trung đề xuất giải pháp giảm ùn tắc giao thông. “Theo tôi, muốn giải quyết bài toán ùn tắc giao thông thì cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ. Trước hết, phải có quy hoạch mạng lưới giao thông với nhiều loại hình giao thông phù hợp từng tỉnh, thành trong từng giai đoạn. Cần hết sức chú ý đến sự kết nối giữa các loại phương tiện với nhau. Đó là vĩ mô. Còn trước mắt, cần phải phát triển mạnh hệ thống GTCC. Ví dụ xe buýt phải nâng chất lượng phục vụ lên, tiện lợi, an toàn và nhanh chóng. Hệ thống GTCC phát triển mạnh thì sẽ thay đổi được thói quen sử dụng xe máy cá nhân”, BĐ Chiến bày tỏ.

Khi nào lấy lại được vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ thì hãy nghĩ đến những thứ khác. Khuyến khích người dân đi bộ để đi phương tiện công cộng thì phải có vỉa hè để đi bộ.

Hai Sáu

Hạ tầng kết nối liên tục và cấm xe máy hoàn toàn thì sạch đẹp thôi, cấm cả ô tô vào nội ô. Như vậy không gian sẽ lan tỏa dần ra vùng ngoại thành chứ không dồn cục vào nội thành như từ xưa đến nay.

Đặng Sơn

Cần làm cho các tuyến xe buýt lúc nào cũng đầy khách và nâng công suất của xe buýt bằng cách tháo bớt ghế giống như trang bị trên metro. Ở nước ngoài, xe buýt chỉ có vài hàng ghế cho người già và phụ nữ có thai, còn tất cả đều đứng.

Nguyễn Văn Đông

Trong khi đó, BĐ TRAMWAY lại đề xuất hình thành tramway (xe điện chạy trên đường), vì cho rằng: “Đây là giải pháp tốt nhất, chi phí rẻ hơn, thời gian xây dựng nhanh hơn metro, skytrain. Q.2, Q.9 (TP.HCM) đang quy hoạch thì rất dễ xây tramway. Khu trung tâm TP.HCM hơi khó vì đường có bề ngang không rộng nhưng các đường chính như Cách Mạng Tháng 8, 3 Tháng 2, Nguyễn Văn Trỗi... có thể làm với điều kiện bỏ làn xe hơi”.

“Cần kết hợp nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân để xây dựng các bến giữ xe tự động và thu phí tự động, mức phí theo giờ quy định. Các TP lớn như Tokyo (Nhật Bản) họ làm thế, mình nên học tập. Có nơi giữ xe thuận tiện, người dân sẽ chọn phương tiện công cộng”, BĐ Hải Lý nêu ý kiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.