Muốn phát triển thì nhất thiết phải làm chủ khoa học

Hồ Chủ tịch là người đặc biệt nhạy cảm trước cái mới và luôn có thiên hướng vươn tới ánh sáng của khoa học.

Quyết định sang phương Tây tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh không chỉ muốn hiểu rõ hơn về kẻ thù của dân tộc mà còn muốn tìm hiểu về một nền văn minh được tạo dựng bởi các phát minh khoa học và nền sản xuất đại công nghiệp.
Là một nhà kiến tạo vĩ đại, sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người thành lập Đảng, quân đội và Nhà nước cách mạng mà còn là người tạo dựng nền văn hóa mới, nền khoa học - kỹ thuật non trẻ ở nước ta.
Bác Hồ thăm xưởng cơ khí Nhà máy ô tô 1.5 vào tháng 12.1963 Ảnh: T.L
Bác Hồ thăm xưởng cơ khí Nhà máy ô tô 1.5 vào tháng 12.1963
Ảnh: T.L
Thực sự tin vào lòng yêu nước của trí thức Việt Nam, ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh đã thu phục và trọng dụng đông đảo các nhà khoa học trẻ do phương Tây đào tạo như Trần Đại Nghĩa, Võ Quý Huân, Hồ Đắc Điềm, Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Huyên, Phạm Huy Thông, Trần Hữu Tước, Phan Anh, Vũ Trọng Khánh, Tôn Thất Tùng... và nhanh chóng đưa họ trở thành những “con chim đầu đàn” của nền khoa học mới. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, những con người tài trí đó đã tích cực tham gia vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc với tinh thần “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách”.
Chỉ riêng trong lĩnh vực quân sự, kỹ sư Trần Đại Nghĩa và các cộng sự của ông đã chế tạo thành công đạn Bazoca, súng SKZ, DKZ để góp phần hóa giải sự thiếu thốn trầm trọng về vũ khí của quân đội ta. Trong thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, rõ ràng là không thể thiếu vắng công lao to lớn của các chiến sĩ trên mặt trận khoa học - kỹ thuật.
Khi miền Bắc nước ta bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, để giải quyết mâu thuẫn lớn nhất của thời kỳ quá độ ở Việt Nam là mâu thuẫn giữa nhu cầu phát triển cao của đất nước theo hướng hiện đại và thực trạng kinh tế - xã hội còn thấp kém của đất nước, Đại hội lần thứ III của Đảng đã đề ra đường lối công nghiệp hóa và coi cách mạng khoa học kỹ thuật là then chốt. Để hiện thực hóa chủ trương đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo thành lập Hội Phổ biến khoa học và kỹ thuật Việt Nam và đề ra hệ thống quan điểm đúng đắn về lĩnh vực khoa học - kỹ thuật.
Trước hết, Người nhấn mạnh: Là sản phẩm sáng tạo của đầu óc con người nhưng khoa học không bao giờ có mục đích “tự thân” mà luôn xuất phát từ sản xuất và phải trở lại phục vụ sản xuất nhằm nâng cao năng suất của lao động, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân và bảo đảm cho chủ nghĩa xã hội thắng lợi. Khoa học có nhiệm vụ cải tiến tình trạng lạc hậu, đưa dân tộc ta tiến tới sự văn minh và tiến bộ, đưa nhân dân ta tiến tới sự ấm no và hạnh phúc. Muốn hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình là “chấn hưng dân tộc”, những người làm khoa học không được phép “nhốt mình” trong “tháp ngà” mà phải chịu khó đi xuống cơ sở, gần gũi với nhân dân để hiểu rõ yêu cầu của thực tiễn đất nước và dùng chính thực tiễn để kiểm định kết quả nghiên cứu, sáng tạo của mình theo nguyên tắc lý luận phải gắn liền với thực tiễn, phục vụ con người.
Với tư tưởng dân chủ và bình đẳng, Hồ Chí Minh cho rằng, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, khoa học là tài sản chung của nhân dân, mọi con người đều có cơ hội tiếp cận tri thức. Vì thế, Đảng và Nhà nước có trách nhiệm phải xóa nạn mù chữ, phổ cập văn hóa, truyền bá tri thức khoa học thường thức cho nhân dân lao động để tất cả mọi người đều có thể ứng dụng tri thức vào công việc cụ thể của mình.
Trong lần gặp gỡ với sinh viên Việt Nam vào năm 1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Thời đại của chúng ta bây giờ là thời đại vệ tinh nhân tạo, khoa học sẽ phát triển như vũ bão nên muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì nhất thiết phải dựa vào sức mạnh của khoa học, phải làm chủ khoa học.
Sự bùng nổ của cách mạng khoa học công nghệ cuối thế kỷ 20 và cách mạng 4.0 hiện nay đã chứng minh tính đúng đắn trong nhận định của Người. Với sức mạnh kỳ diệu của mình, cách mạng 4.0 sẽ tạo cơ hội cho nhiều quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam với mục tiêu nâng cao vị thế trong bản đồ kinh tế thế giới nếu chủ động nắm bắt và tận dụng sức mạnh của nó. Ý thức sâu sắc về sức mạnh của khoa học trong thời đại kinh tế tri thức, tại Đại hội XII, Đảng Cộng sản Việt Nam đặt ra nhiệm vụ “phát triển mạnh mẽ khoa học và công nghệ, làm cho khoa học và công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu, là động lực quan trọng nhất để phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, kinh tế tri thức, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Chủ trương đó của Đảng chính là sự cụ thể hóa những quan điểm của Hồ Chí Minh về khoa học - kỹ thuật trong một hoàn cảnh mới. Chiến lược thì đã rõ, vấn đề còn lại chỉ là thực hiện lộ trình theo phương châm “biện pháp một, kế hoạch mười và quyết tâm hai mươi” như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ dạy.
Thực sự tin vào lòng yêu nước của trí thức Việt Nam, ngay sau Cách mạng Tháng Tám, Hồ Chí Minh đã thu phục và trọng dụng đông đảo các nhà khoa học trẻ do phương Tây đào tạo như Trần Đại Nghĩa, Võ Quý Huân, Hồ Đắc Điềm, Hồ Đắc Di, Nguyễn Văn Huyên, Phạm Huy Thông, Trần Hữu Tước, Phan Anh, Vũ Trọng Khánh, Tôn Thất Tùng... và nhanh chóng đưa họ trở thành những “con chim đầu đàn” của nền khoa học mới
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.