Muốn quan hệ tình dục với ai đó phải 'rủ' họ đi xét nghiệm ?

Tấn Đạt
Tấn Đạt
02/12/2022 10:29 GMT+7

Một số người trẻ thắc mắc làm sao quan hệ tình dục an toàn, không lây nhiễm HIV nói riêng cũng như tránh nhiễm trùng phổ biến lây truyền qua đường tình dục nói chung?

Làm sao quan hệ tình dục để không lây nhiễm HIV cũng như tránh nhiễm trùng phổ biến lây truyền qua đường tình dục là một trong những nội dung của Chương trình Safe sex’s never easy (tạm dịch: Tình dục an toàn chưa bao giờ là dễ dàng) do Trường CĐ Việt Mỹ (TP.HCM) phối hợp với Glink Việt Nam tổ chức vào chiều 1.12.

Bật đèn khi quan hệ tình dục, có giúp an toàn trước HIV và STIs?

SHUTTERSTOCK

Theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), trước đây lây nhiễm HIV tại Việt Nam chủ yếu qua đường máu ở nhóm nghiện chích ma túy và lây qua đường tình dục ở nhóm phụ nữ mại dâm. Tuy nhiên, việc lây truyền qua đường quan hệ tình dục, trong đó có nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, đang có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2014, tỷ lệ nhiễm HIV trung bình trong nhóm MSM là 6,7%; đến năm 2017 tăng lên 12,2%; và đến năm 2020 là 13,3%. Nam quan hệ tình dục đồng giới đang được cảnh báo là một trong những nhóm nguy cơ chính của dịch HIV tại Việt Nam hiện nay.

Trước thực trạng trên một số người trẻ tham dự không khỏi lo lắng và thắc mắc: “Làm sao quan hệ tình dục an toàn, không lây nhiễm HIV nói riêng và STIs nói chung?”.

Chương trình Safe sex’s never easy

TẤN ĐẠT

“Lần đầu làm chuyện ấy” phải cẩn thận, dè chừng

Tại buổi trò chuyện, bác sĩ chuyên khoa I Trần Lê Viết Thanh, Giám đốc Y khoa Glink Việt Nam, chuyên gia chăm sóc sức khỏe cộng đồng LGBTQ+ chia sẻ hiện nay Việt Nam có 7 nhiễm trùng phổ biến lây truyền qua đường tình dục (gọi tắt là STIs) như HIV, giang mai, lậu, chlamydia, sùi mào gà, viêm gan B/C, Herpes sinh dục. Để tránh được những STIs, chúng ta cần phải tuân thủ theo những nguyên tắc về quan hệ tình dục an toàn như hai bên cần phải đồng thuận/chấp nhận trước khi quan hệ, cũng như cần chung thủy.

“Có nhiều nghiên cứu thế giới cho rằng, một ai đó có nhiều bạn tình trong cuộc đời thì khả năng mắc HPV (nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung, sùi mào gà...), STIs khác sẽ cao hơn người khác từ 6-10 lần”, bác sĩ Thanh nói.

Các bạn trẻ thắc mắc về STIs

TẤN Đạt

Bác sĩ Thanh nhấn mạnh: “Muốn quan hệ với ai đó phải "rủ" họ đi xét nghiệm. Hoặc đối tượng có giấy chứng nhận “rau sạch” hay không? Cuối cùng là chúng ta phải biết sử dụng biện pháp an toàn như: dùng bao cao su đúng cách, tiêm vắc xin ngừa viêm gan B, ngừa HPV, uống PrEP (thuốc dự phòng HIV trước phơi nhiễm) và uống PEP (thuốc dự phòng HIV sau phơi nhiễm) khi nghi ngờ đối phương có “khả năng” sau khi quan hệ…”.

“Tôi hay dặn dò mấy bạn trẻ rằng khi “lần đầu làm chuyện ấy” phải cẩn thận, dè chừng, đừng vì sự ham muốn mà quên đi lý trí. Theo đó, trước khi quan hệ nên bật đèn quan sát đối phương để tránh tiếp cận STIs sẵn có mà không hề hay biết, cần quan sát thật kỹ bạn tình, xem có triệu chứng “đặc biệt” ở bộ phận sinh dục hay không. Khi phát hiện thì phải hỏi kỹ đó là cái gì, còn khi nhìn thấy một vết loét, một giọt mủ, nốt thịt dư ra hay mùi hôi khó chịu... thì hãy dừng lại để bảo đảm an toàn cho bản thân”, bác sĩ Trần Lê Viết Thanh nói thêm.

Bác sĩ Thanh cho hay: “STIs hầu như không có triệu chứng trong giai đoạn đầu. Có một số người nhiễm HIV phải mất gần 1 năm mới biết triệu chứng cụ thể như sụt ký, sốt, nổi hạch… Chúng ta nên khám sức khỏe định kỳ 3-6 tháng/lần trong năm để cuộc sống chúng ta an toàn hơn”.

Có người không dám đến bệnh viện thăm khám...

Theo Trung tâm kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), năm 2012 số ca nhiễm HIV mới được ghi nhận vào khoảng 2.000 người, đến năm 2021 con số này là gần 4.500 người. Thời kỳ đầu của đại dịch, nhóm tiêm chích ma túy nhiễm HIV là chủ yếu, đến giai đoạn hiện nay, nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới nhiễm HIV chiếm tỷ lệ lớn, có đến 76% số ca nhiễm HIV mới được ghi nhận trong năm 2021 thuộc nhóm này.

Nói về những số liệu trên, bác sĩ Thanh cho hay việc lây nhiễm HIV ngày càng tăng cao là do việc phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội, việc tìm kiếm bạn tình rất dễ dàng, trong khi kiến thức về an toàn tình dục chưa thể truyền thông, tiếp cận rộng rãi và thật sự hiệu quả đến nhóm có nguy cơ này.

Bác sĩ cChuyên khoa I Trần Lê Viết Thanh tổ chức các chương trình về sức khỏe tình dục đến với các bạn trẻ

NVCC

“Một số chương trình tôi tổ chức mọi người đến rất đông. Tuy nhiên, những đối tượng đang có vấn đề liên quan đến STIs ít tiếp cận được. Sở dĩ, họ ngại tham gia hay chưa can đảm “bước ra ánh sáng” là vì bản thân còn chịu sự kỳ thị của xã hội. Mọi người gắn mác cho họ với những cụm từ “người bị bệnh xã hội” ghê gớm, không đàng hoàng trong cuộc sống. Càng soi mói, họ càng “ẩn mình” đi. Trong khi đó, cá thể STIs đôi khi phải mất một thời gian dài mới có triệu chứng, song song là nhu cầu tình dục của mọi người luôn hiện hữu, do đó có khi họ vô hình trung trở thành một người đi lây STIs cho người khác”, bác sĩ Thanh nói.

Bác sĩ Trần Lê Viết Thanh còn nhấn mạnh: “Tôi hy vọng từ đây trở về sau mọi người không dùng cụm từ “bệnh xã hội” để nói về những cá nhân nhiễm HIV, giang mai, lậu… mà thay bằng cụm từ người có nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục hay là người có STIs”.

Bác sĩ chuyên khoa I Trần Lê Viết Thanh cho rằng không dùng cụm từ “bệnh xã hội” để nói về những cá nhân nhiễm HIV, giang mai, lậu…

“Hiện nay, một số người đang nghi ngờ bản thân hoặc quan hệ không an toàn với người có dấu hiệu nhiễm HIV, giang mai, lậu... không dám đến bệnh viện thăm khám, điều trị. Bởi vì họ còn bị ám ảnh bởi cụm từ “bệnh xã hội” mà người đời áp đặt... Đó cũng là rào cản lớn khiến họ khó tiếp cận được dịch vụ chăm sóc y tế liên quan đến các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục", bác sĩ Thanh nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.