Nhọc nhằn mưu sinh bằng lưới thúng
Chừng 4 giờ sáng, ngư dân Nguyễn Phương (ở tổ dân phố Thạnh Đức 1, P.Phổ Thạnh,TX.Đức Phổ, Quảng Ngãi) đội đèn pin trên đầu rồi cất bước rời nhà, bắt đầu hành trình mưu sinh đầy nhọc nhằn trên biển Sa Huỳnh. Ra đến bờ biển, anh ráng sức kéo chiếc thúng chai cùng ngư cụ bên trong xuống mép nước. Lội qua khỏi những cơn sóng gần bờ, anh leo lên thúng rồi khua mái chèo. Những ngày cuối năm, gió từ khơi xa thổi vào bờ lạnh buốt
Thúng chai hướng ra khơi. Khi khoảng cách với bờ 100 - 150 m, anh Phương buông lưới vào làn nước. Phía khơi xa, ánh đèn trên những tàu cá nhấp nháy tựa phố thị từ đêm chuyển dần về sáng.
Anh cần mẫn thả 7 tấm lưới với tổng chiều dài tầm 350 sải tay, sâu cỡ chục sải. Hai đầu lưới gắn đèn pin nhấp nháy báo hiệu cho tàu bè tránh sang nơi khác. Anh xoa hai bàn tay vào nhau rồi áp vào thái dương cho đỡ lạnh rồi cần mẫn kéo lưới, gỡ cá.
Cá quá ít nhưng rác và củi khô dính đầy lưới khiến anh buông tiếng thở dài. Rác cùng củi khô từ thượng nguồn và xóm làng theo nước lũ sông Thoa đổ ra biển qua cửa Mỹ Á (P.Phổ Quang, TX.Đức Phổ). Hải lưu đưa củi lẫn rác xuôi về phương nam và dập dềnh trên sóng nước gần bờ, dính vào lưới của ngư dân.
Khi mét lưới cuối cùng kéo lên khỏi mặt nước, anh quay thúng chai vào bờ, nơi người vợ thân yêu đang đón đợi. "Mấy bữa nay cá ít quá. Mỗi bữa thả lưới chỉ bán được năm bảy chục ngàn. Vậy nhưng ngày nào tôi cũng đi...", anh cho biết.
Trước đây, anh Phương đánh bắt trên biển cả đêm lẫn ngày. Trưa nắng như đổ lửa hay đêm đông rét buốt, anh luôn ra biển thả lưới. Bữa may mắn kiếm được vài ba trăm nghìn đồng, có khi lên đến tiền triệu. Nhưng cá tôm ngày càng cạn kiệt nên lắm lúc về không hay chỉ đủ chế biến món ăn trong bữa cơm gia đình.
"Biển động tôi mới ở nhà chứ không là ra biển thả lưới. Gặp bữa trúng cá ham lắm, thả hết mẻ này đến mẻ khác, không thấy mệt gì cả. Cứ mang cá về cho vợ bán rồi tiếp tục ra biển. Nhưng có lúc thả cả mẻ lưới chỉ được vài con, không đủ kho ăn trong ngày", anh Phương tâm sự.
Với đôi tay rắn chắc, anh Huỳnh Hữu Vị (ở P.Phổ Thạnh,TX.Đức Phổ) cầm dầm cột vào bên thúng ngoáy lia lịa xuống nước trông rất vội vã. Thúng chai lướt sóng hướng ra khơi. Đến nơi đã định, anh Vị lom khom chèo và thả lưới với niềm hy vọng trúng đậm cá ấp ủ trong lòng. Đêm tối hay ngày nắng chói chang, mình anh âm thầm buông, kéo lưới trên biển. Gặp bữa may trúng cá, niềm vui ngời lên trong mắt. Anh bước về nhà dang rộng vòng tay đón hai con thơ ùa vào lòng. Lắm lúc, nỗi buồn hiện lên trên gương mặt sạm đen vì nắng gió bởi lưới chẳng dính cá.
"Nghề lưới thúng chỉ đắp đổi qua ngày. Biển giã ngày càng ít cá nên cuộc sống khó khăn", anh Vị tâm sự.
"Chúng tôi ở đây thì chỉ có đi biển chứ biết làm nghề gì nữa đâu! Chịu khó chèo thúng ra giăng lưới để kiếm ít cá về cho vợ chạy chợ", ngư dân Nguyễn Công (ở P.Phổ Thạnh,TX.Đức Phổ) góp chuyện.
Thuở cá chen chúc vào gần bờ
Những bậc cao niên ở Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ) hào hứng kể chuyện thả lưới bắt cá ngày xa. Thuở ấy, phương tiện đánh bắt thô sơ. Ngư dân chỉ có chiếc ghe nan cùng những tấm lưới để mưu sinh trên vùng biển gần bờ.
Ban ngày, họ ra bờ biển hứng những cơn gió từ khơi xa thổi vào xóm làng. Họ ngồi trên bãi cát mịn màng nhìn những cơn sóng tiếp nối vỗ vào bờ.
Trưa hè, họ ngồi trong mui (gồm những tấm tranh cột vào khung tre đặt trên cát thành hình chữ V ngược) để tránh nắng. Khi phát hiện cá vào bờ, lòng rộn ràng niềm vui. Cá chen chúc bơi lượn, tung mình lên cao giữa sóng nước lô xô.
Hai ngư dân đẩy ghe ra mép nước rồi hối hả chèo, vượt qua những con sóng bạc đầu. Nhiều ghe nối tiếp rời bờ. Ngư dân khua chèo nhịp nhàng, đôi tay bạn chài thoăn thoắt buông lưới vào lòng biển. Ghe và người lắc lư trên sóng nước như đang trình diễn vũ điệu mưu sinh.
Hồi lâu, họ thu lưới. Cá dính lưới vùng vẫy tìm cách thoát thân khi bị kéo lên khỏi mặt nước. Gương mặt sạm đen vì nắng gió rạng ngời niềm vui. "Lúc trước cá nhiều lắm, thả lưới hay buông câu bắt được khá nhiều chứ không như bây giờ...", một lão ngư dạn dày nắng gió cho biết.
Ghe vào bờ và được kéo lên bãi cát mịn màng. Những người mẹ, người vợ ùa đến gỡ cá ra khỏi lưới, cười nói xôn xao. Nhiều loại cá như: trác, trích, hố, nục, liệt, quẩn... được cho vào đôi thúng và gánh về làng.
"Lúc trước cá nhiều lắm, ăn không hết nên phơi khô, muối mắm hay gánh đi bán dạo. Cá cơm, cá nục, cá chuồn... thì muối để ăn và bán vào mùa biển động. Nhiều người trụng cá tươi rồi gánh đi bán ở các nơi...", bà Bùi Thị Vân (ở P.Phổ Thạnh) nhớ lại.
"Bây giờ, cá đánh bắt ở biển gần bờ bán giá khá cao. Bởi vì lượng cá bắt được ít hơn trước nhưng nhiều người lại thích ăn cá tươi vừa vớt lên từ biển. Cá gần bờ mà đem kho, chiên, nấu cháo... hay làm gỏi đều ngon. Những du khách phương xa đến tham quan và ở trọ tại nhà được tôi nấu nướng những món ăn từ cá vùng biển Sa Huỳnh đều tấm tắc khen ngon...", bà Bùi Thị Sen (ở P.Phổ Thạnh) góp chuyện.
Bình luận (0)