Mong manh giữa trào phúng - phản cảm
Vẫn đang được nghe (ở các quán cà phê) và chia sẻ trên mạng xã hội dù ra mắt 1 tháng nay là ca khúc Vì mẹ anh bắt chia tay (của bộ 3 Miu Lê - Karik - Châu Đăng Khoa). Sau khi ra mắt, lời bài hát lẫn những câu rap trong ca khúc này nhanh chóng được trích đăng trên Facebook của người yêu thích, đồng cảm… Dưới kênh YouTube Miu Lê, giọng hát của cô và giọng rap của Karik đã nhận được rất nhiều lời khen và phần lớn bình luận bày tỏ cảm giác ấn tượng, đã tai dành cho phần âm nhạc. Tuy nhiên, nội dung của MV với cái kết phá lễ cưới của cô gái (Miu Lê đóng) khiến không ít người xem tiếc cho vẻ đẹp đáng ra có thể hoàn hảo hơn từ “phần nhìn” cho ca khúc sớm thành hit này. MV đang thu hút với hình ảnh đẹp đẽ của một cô gái cá tính với tình yêu cuồng nhiệt bỗng “lật mặt” thành “điên nữ” đập tung tóe (bánh cưới, ly rượu mừng văng tứ tung) đám cưới, vì “mẹ anh bắt chia tay!”.
Mới đây, nhạc sĩ Mew Amazing bỗng chia sẻ - diễn giải trên trang cá nhân của mình về ca khúc Sáng mắt chưa (do Trúc Nhân thể hiện): “Đây là bài hát cường điệu và đầy tính giải trí” và mục đích của bài hát này chỉ để “lôi được cái sự đanh đá trong người mỗi chúng ta ra” để “cùng vui vẻ”. Sáng mắt chưa khi ra mắt (2019) đã nhanh chóng vào top trending, và đến nay lượt view đã hơn 132 triệu. Trong đó, nếu lời hát trong Sáng mắt chưa có “thời gian thấm thoát thoi đưa, thể nào anh cũng sẽ lừa được em, chàng trai đang sánh bước bên em, đằng nào rồi cũng sẽ thuộc về anh” từng gây ít nhiều tranh cãi, thì câu chuyện của MV - đồng tính nam lấy vợ cũng dấy lên làn sóng phản ứng vì cảnh chàng trai có tình yêu với chồng cô gái đã đến quậy tung đám cưới (dù là trong tưởng tượng của anh). Vì thế, Sáng mắt chưa, dù có âm nhạc cùng giọng hát không thể chê vào đâu được của Trúc Nhân, dù theo tác giả lẫn ca sĩ đó là ca khúc - MV mang tính trào phúng để truyền cảm hứng sống là chính mình…, vẫn là vết gợn, đúng hơn là xát muối khi vô tình giễu cợt người cùng cảnh ngộ mà câu hát dành cho họ là “đáng đời”.
Cảnh phá đám cưới trong Vì mẹ anh bắt chia tay… |
Trở lại với các MV thời gian gần đây, sẽ thấy hàng loạt ca khúc được minh họa kèm hình ảnh kẻ thứ ba xen vào mối quan hệ yêu đương hay hôn nhân của người khác. Đó là loạt MV Anh đang ở đâu đấy anh của Hương Giang với 4 phần, Anh nghĩ anh là ai của Midu, Ai cần anh của Bảo Anh, Sao chẳng phải là anh của Chi Dân, Có như không có của Hiền Hồ, Không thể cùng nhau suốt kiếp của Hòa Minzy… thu hút lượt xem lớn khi ra mắt. Và âm nhạc hay phim ảnh cũng phản ánh thực trạng xã hội cùng thông điệp tích cực. Nhưng cứ nhan nhản những cảnh giật người yêu/chồng trong các sản phẩm âm nhạc của ca sĩ đang là thần tượng của một bộ phận giới trẻ, với lượt xem hàng chục triệu view, lượt chia sẻ ồ ạt trên nhiều nền tảng, liệu thông điệp đưa ra là gì?
… và trong Sáng mắt chưa |
từ MV |
Sáng tạo có trách nhiệm
Theo PGS-TS, chuyên gia tâm lý Trần Thành Nam (Trường ĐH Giáo dục - ĐH Quốc gia Hà Nội), trong bối cảnh cấu trúc gia đình ngày càng dễ gãy vỡ, mối quan hệ cha mẹ - con cái ngày càng cách xa, những bạn trẻ càng có xu hướng gắn bó hơn với thần tượng, thay đổi ngoại hình theo thần tượng, thay đổi cảm xúc cá nhân đối với những người thích hay không thích thần tượng, thậm chí thay đổi cả các giá trị, quan điểm niềm tin theo những phát ngôn, hành xử của thần tượng. Vì vậy, ông cho rằng một ca sĩ thần tượng có hành vi ứng xử hay phát ngôn lệch chuẩn, cái nhìn về thế giới bi quan, nhận thức lệch lạc kể cả ở trong tác phẩm văn hóa giải trí của họ cũng đều có nguy cơ dẫn đến nảy sinh những ý tưởng tiêu cực ở những người trẻ (nhất là người đang ở trong tâm trạng cuồng thần tượng, không làm chủ được cảm xúc và hành vi xung động của mình…).
Khai thác các vấn đề thời sự để phản ánh trong ca khúc hay MV là điều hiển nhiên của người sáng tạo, người nghệ sĩ. Nhưng, sẽ dễ trở thành hiệu ứng ngược nếu lợi dụng hay lạm dụng những bi kịch, đau khổ của xã hội… để thu hút sự chú ý, tăng tương tác cho sản phẩm của mình mà không lường đến các hệ lụy, nguy cơ có thể mang lại. PGS-TS Trần Thành Nam cho rằng một người bình thường muốn sáng tạo các nội dung trên mạng xã hội đã cần phải tuân thủ các nguyên tắc ứng xử cơ bản như an toàn và lành mạnh, tức phải cân nhắc xem những nội dung mình chia sẻ có đảm bảo sự an toàn cho cộng đồng không. Ngoài ra, cũng phải cân nhắc những nội dung chia sẻ có hướng người nghe/xem tới những giá trị tích cực hay không. “Vì vậy, là nghệ sĩ, là thần tượng của giới trẻ càng phải tư duy nhiều hơn để giới thiệu với công chúng những sản phẩm tích cực, nhân văn”, ông nói.
Bình luận (0)