Mỹ 'cầu cứu' ngành tư nhân phát triển vũ khí bội siêu thanh

24/09/2022 18:08 GMT+7

Chính quyền Mỹ đang kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tư nhân chế tạo máy bay bội siêu thanh nhằm phục vụ cho việc phát triển các loại vũ khí để có thể so kè với Nga và Trung Quốc .

Quân đội Mỹ được cho là đang bị Nga và Trung Quốc vượt qua về việc phát triển các loại vũ khí bội siêu thanh dù Washington bác bỏ nhận định này.

Trong một động thái nhằm đẩy nhanh tốc độ phát triển, Đơn vị đổi mới quốc phòng (DIU) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ trong tháng 9 này đã đăng thông báo cho dự án Các năng lực thử nghiệm trên không bội siêu thanh và tần suất cao (HyCAT), tìm kiếm các đề xuất thương mại cho việc phát triển các thiết bị bội siêu thanh, nhằm hỗ trợ thử nghiệm và đánh giá các công nghệ bội siêu thanh mới. Thông báo đăng kèm những năng lực cần có của thiết bị mà DIU tìm kiếm.

Cơ sở hạ tầng để phục vụ việc thử nghiệm vũ khí bội siêu thanh của Mỹ bị cho là đã làm cản trở việc phát triển dòng vũ khí này, hầu hết các chương trình vũ khí lớn đều chỉ thử nghiệm vài lần mỗi năm.

Mô phỏng một loại vũ khí bội siêu thanh

Lockheed Martin

Hôm 1.9, giám đốc kỹ thuật phụ trách mảng không gian của DIU Barry Kirkendall cho rằng tần suất thử nghiệm mỗi tuần một lần là điều lý tưởng, theo website quốc phòng C4ISRNET. Ông Kirkendall còn nói rằng HyCAT có mục đích dỡ bỏ những trở ngại ảnh hưởng đến chương trình thử nghiệm vũ khí bội siêu thanh của Mỹ trong một thập niên qua.

Hồi tháng 2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã triệu tập cuộc họp với lãnh đạo các doanh nghiệp quốc phòng hàng đầu tại Mỹ để thảo luận về những trở ngại với chương trình vũ khí bội siêu thanh.

Các vị điều hành của các nhà thầu quốc phòng đã chỉ ra nhiều thách thức như hạn chế trong chuỗi cung ứng, rào cản thu mua, bất ổn ngân sách và khó tiếp cận được các cơ sở thử nghiệm. Các vị này lưu ý rằng Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ gặp khó khăn với cách tiếp cận “thử nghiệm thường xuyên, thất bại nhanh và học hỏi” nếu thiếu các cơ sở thử nghiệm phù hợp.

Mỹ tiếp tục thử nghiệm thành công vũ khí bội siêu thanh

Ông Kirkendall nói DIU đã đạt được những kết quả tốt khi dự án HyCAT đang giải quyết các vấn đề thử nghiệm công nghệ bội siêu thanh và tăng cường mối quan hệ với lĩnh vực thương mại.

Việc mời gọi tham gia dự án HyCAT được đưa ra giữa lúc có những dấu hiệu cho thấy có khoảng cách trong việc phát triển vũ khí bội siêu thanh giữa Mỹ với Nga và Trung Quốc, dù các quan chức Mỹ phủ nhận điều này.

Theo Asia Times, dù các quan chức Mỹ phủ nhận đang trong cuộc chạy đua vũ khí bội siêu thanh, họ có thể đang thay đổi ý kiến về giá trị răn đe của loại vũ khí này.

Tướng Steven Rudder, chỉ huy lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ tại Thái Bình Dương tuần trước nhấn mạnh rằng các năng lực tấn công tầm xa của vũ khí bội siêu thanh là điều quan trọng giúp Mỹ và Nhật Bản răn đe Trung Quốc tại Thái Bình Dương.

Theo đó, Mỹ đang đối thoại với Nhật để triển khai một đơn vị tên lửa chống hạm vào năm 2027. Theo Asia Times, thủy quân lục chiến Mỹ có một hệ thống tên lửa bội siêu thanh phóng từ trên bộ gọi là OpFires, được thử nghiệm thành công hồi tháng 7. OpFires có thể bổ trợ không lực và hải lực của Mỹ và đồng minh bằng cách hiện diện thường trực tại các khu vực nóng và bao quát cho các hoạt động hải quân và không quân.

Tổng tham mưu trưởng Mỹ nói gì về hiệu quả vũ khí bội siêu thanh của Nga ở Ukraine?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.