Giám đốc công nghệ của Mỹ Michael Kratsios hôm 7.11 nói rằng các công ty Trung Quốc không đáng tin cậy vì luật pháp ở đại lục buộc họ phải hợp tác và chia sẻ thông tin với cơ quan chức năng, đặc biệt là cơ quan tình báo.
Phát biểu tại một hội nghị công nghệ ở Lisbon của Bồ Đào Nha, ông Kratsios nói rằng châu Âu cần “đồng hành” với Mỹ và loại bỏ sản phẩm của những công ty công nghệ Trung Quốc. Ông Kratsios đã gặp người đứng đầu cơ quan chống độc quyền của châu Âu Margrethe Vestager để thảo luận “vấn đề kỹ thuật số”.
“Chúng ta có thể không nhìn thấy hết mọi khía cạnh của chính sách công nghệ, nhưng tất thảy đều đồng ý về nguyên tắc rằng đó là vấn đề quan trọng nhất (đối với an ninh quốc gia)”, ông Kratsios cũng là người có tiếng nói quyết định định hình nên chính sách của Mỹ về công nghệ và dữ liệu phát biểu.
Tuy nhiên, các công ty châu Âu dường như không bận tâm lo ngại của Washington. Bởi theo số liệu của Huawei công bố hồi tháng 10.2019, trong số 65 thỏa thuận thương mại mà Huawei đã ký kết, một nửa là với khách hàng châu Âu. Bên cạnh đó, các nhà lập pháp EU tránh né nói đến Trung Quốc và Huawei khi đề cập đến rủi ro về an ninh trong một báo cáo gần đây về nguy cơ tấn công mạng gia tăng và được chính quyền giúp sức.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump hồi tháng 5.2019 đưa ra chính sách kiểm soát xuất khẩu đối với Huawei nhằm hạn chế sự bành trướng của công nghệ Trung Quốc trên lãnh thổ nước Mỹ. Washington đang thực hiện chính sách “bao vây công nghệ” đối với Bắc Kinh. Trong tháng 11 này, giới chức Mỹ sẽ bỏ phiếu để quyết định loại bỏ sản phẩm của Huawei và ZTE khỏi những dự án sử dụng nguồn quỹ quốc gia phát triển những vùng chưa hoặc kém phát triển.
Trong bài phát biểu của mình, Kratsios đã nhắc lại cáo buộc được tờ Le Monde của Pháp công bố hồi năm 2018 rằng Bắc Kinh đã chuyển dữ liệu từ trụ sở của Liên minh châu Phi tại Addis Ababa, Ethiopia về đại lục liên tục trong 5 năm nhờ thiết bị công nghệ của Huawei. Trụ sở này được Bắc Kinh tài trợ xây dựng hồi năm 2012 trị giá 200 triệu USD.
Huawei đã lên án những bình luận của ông Kratsios, nói rằng đó là “đạo đức giả và sai trái”, đồng thời khẳng định Bắc Kinh không có quyền truy cập vào dữ liệu của Liên minh châu Phi. Trong khi liên minh này trước đây đã bác bỏ cáo buộc nói rằng Huawei có liên quan đến bất kỳ vi phạm an ninh mạng nào.
Bình luận (0)