Mỹ đẩy nhanh kế hoạch triển khai bom hạt nhân nâng cấp tại châu Âu

29/10/2022 14:00 GMT+7

Mỹ đã quyết định đẩy nhanh kế hoạch triển khai loại bom hạt nhân tại châu Âu, hành động được cho là nhằm trấn an các đồng minh trong khu vực.

Tờ Politico mới đây đưa tin Mỹ sẽ triển khai bom hạt nhân B61-12 đã được nâng cấp đến các căn cứ NATO tại châu Âu trong tháng 12 này, sớm hơn với kế hoạch ban đầu là vào mùa xuân sang năm.

Một quả bom B61-12 không mang đầu đạn hạt nhân gắn trên tiêm kích F-15 của Mỹ

Không quân Mỹ

Thông tin được các quan chức Mỹ thông báo với đồng minh NATO trong một cuộc họp kín tại Brussels (Bỉ) trong tháng 10, theo một bức điện tín ngoại giao chưa từng được công bố và được viết để chia sẻ trong Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Mỹ nhằm báo cáo cho các nhà hoạch định chính sách những điều được thảo luận tại hội nghị bộ trưởng quốc phòng của NATO.

Hai người thông thạo với việc triển khai sắp tới cũng xác nhận với Politico về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai như được thông báo trong bức điện tín.

Một quả B61-12 không mang đầu đạn hạt nhân chuẩn bị được gắn lên oanh tạc cơ B-2

Không quân Mỹ

B61 là một dòng bom hạt nhân được Mỹ phát triển vào đầu thập niên 1960 và thử nghiệm lần đầu trong hầm ngầm ở bang Nevada. Nhiều phiên bản đã được phát triển sau đó nhưng hầu hết đã được cho “về hưu”. Mỹ đã lập ra chương trình kéo dài tuổi thọ cho bom B61-12 trị giá 10 tỉ USD do Bộ Năng lượng quản lý. Chương trình nhằm thay mới các loại bom cũ, gồm khoảng 100 quả đang được lưu trữ tại các căn cứ ở Bỉ, Đức, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ và Ý.

B61 là bom trọng lực hay bom rơi tự do, không dẫn đường, có thể được thả từ máy bay tiêm kích hoặc máy bay ném bom của Mỹ và đồng minh. Những nâng cấp trong phiên bản mới không liên quan đến phần hạt nhân mà chỉ là loại bỏ phần dù để thay bằng một bộ đuôi mới cùng một số cải tiến nhằm tăng độ chính xác của quả bom, theo chuyên gia Hans Kristensen, giám đốc Dự án thông tin hạt nhân tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ.

Chiến đấu cơ F-35 thử nghiệm thả bom B61-12

Bộ Quốc phòng mỹ

Việc Mỹ đẩy sớm thời hạn thay thế các quả bom hạt nhân tại châu Âu khiến một số nhà quan sát bất ngờ và lo sợ có thể gây gia tăng căng thẳng tình hình tại châu Âu. Gần đây, giới chức phương Tây tăng cường bày tỏ lo ngại về việc Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine và đã xuất hiện lời kêu gọi phương Tây cần làm nhiều hơn để ngăn Moscow vượt qua lằn ranh đó.

Bộ ba hạt nhân Nga phô trương sức mạnh trong tập trận do Tổng thống Putin giám sát

Tuy nhiên, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Patrick Ryder nói rằng việc hiện đại hóa chương trình B61 đã diễn ra trong nhiều năm và kế hoạch thay thế an toàn phiên bản cũ bằng phiên bản B61-12 được nâng cấp là một phần của chương trình. “Việc đó không thể nào liên kết với những sự kiện thời sự tại Ukraine và đã không được đẩy nhanh”, ông Ryder nói.

Ông Tom Collina, giám đốc chính sách của tổ chức ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân Ploughshares Fund, nhận xét rằng động thái đẩy nhanh triển khai bom hạt nhân của Mỹ được cho là nhằm gửi thông điệp trấn an các đồng minh NATO châu Âu hơn là nhắm đến Nga. “Những quả B61 cũ hơn đã ở đó và người Nga biết điều đó. Chúng khá hiệu quả. Những quả mới sẽ mới hơn nhưng không mấy khác biệt. Nhưng đó có thể là cách để đảm bảo với các đồng minh khi họ đang cảm thấy đặc biệt bị đe dọa bởi Nga”, ông Collina nói.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.