Nhắm đến Trung Quốc
Hôm qua (3.4), 2 thượng nghị sĩ Tom Cotton và Josh Hawley công bố đạo luật Trách nhiệm y tế công toàn cầu Lý Văn Lượng, cho phép chính quyền Mỹ tước thị thực (visa) và phong tỏa tài sản của các quan chức nước ngoài cố tình che giấu hoặc sửa đổi thông tin về vấn đề y tế khẩn cấp, gồm cả dịch Covid-19.
Dự luật mang tên vị bác sĩ Trung Quốc đã cảnh báo sớm với chính quyền về mức độ nguy hiểm của Covid-19 nhưng lại bị khiển trách. Chính quyền Trung Quốc chỉ vào cuộc điều tra vì áp lực từ cộng đồng trong nước lẫn quốc tế sau khi bác sĩ Lý nhiễm bệnh và tử vong.
Báo The Washington Free Beacon dẫn lời thượng nghị sĩ Cotton cáo buộc Trung Quốc “đã biến một bệnh dịch địa phương có thể kiểm soát được thành đại dịch toàn cầu, sẽ gây tổn thất cho người dân Mỹ và cả thế giới hàng ngàn tỉ đô la, hàng trăm ngàn người thiệt mạng, nếu không muốn nói là hàng triệu người”. Đạo luật dự kiến sẽ được thượng viện xem xét trong tháng này.
Đạo luật Lý Văn Lượng được công bố sau khi giới truyền thông dẫn báo cáo tình báo Mỹ cho rằng Trung Quốc đưa con số về dịch Covid-19 thấp hơn thực tế, khiến nước này lên tiếng phủ nhận. Trước đó, ông Cotton cũng công bố dự luật cấm chính quyền liên bang mua dược phẩm của Trung Quốc sau khi cáo buộc Bắc Kinh đe dọa cắt nguồn cung các loại thuốc quan trọng cho Mỹ giữa thời điểm đại dịch.
Gia tăng sản xuất
Cũng vào hôm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump viện dẫn đạo luật Sản xuất quốc phòng (DPA), cho phép Cục Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang (FEMA) được quyền mua khẩu trang y tế N95 của Công ty 3M (trụ sở bang Minnesota) với số lượng tùy ý.
Viết trên mạng Twitter, Tổng thống Trump cho rằng đó là đòn trừng phạt 3M sau những gì công ty này đã làm, nhưng không nói rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, tờ Financial Times dẫn nguồn tin tiết lộ 3M trước đó không chấp hành yêu cầu của các quan chức Nhà Trắng về việc gửi 10 triệu khẩu trang sản xuất ở Singapore cho thị trường châu Á về Mỹ.
Cùng ngày, Tổng thống Trump viện dẫn DPA để ủy quyền Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh (HHS) tập trung mọi nguồn vật liệu cần thiết cho 6 công ty được chỉ định nhằm gia tăng sản xuất máy thở, giúp điều trị bệnh nhân Covid-19 trong khu chăm sóc đặc biệt. Trước đó, Tổng thống Trump cũng áp dụng DPA để bắt buộc Tập đoàn General Motors phải sản xuất máy thở cho chính quyền Mỹ sau khi chỉ trích công ty này làm việc chậm chạp và muốn vòi tiền.
DPA được thông qua năm 1950, cho tổng thống quyền bắt buộc các doanh nghiệp dân sự cung cấp các sản phẩm cần thiết cho an ninh quốc gia và mục đích khác. Cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro, điều phối viên giám sát việc thi hành DPA, hôm qua cho biết Tổng thống Trump sẽ tiếp tục vận dụng đạo luật này để ban hành thêm quy định chống Covid-19, trước mắt là ngăn đầu cơ và bán trang thiết bị y tế, thiết bị bảo hộ cá nhân ra nước ngoài, theo Reuters.
Các đặc vụ liên bang hồi đầu tuần bắt một người ở New York vì đầu cơ và bán khẩu trang N95 “với giá cao hơn giá thị trường 700%”. HHS sau đó dùng thẩm quyền theo DPA để phân phối hàng trăm ngàn khẩu trang, bao tay y tế của nghi phạm cho các bệnh viện đang thiếu thốn, theo CNN.
Mặt khác, Tổng thống Trump trước đó cũng ký ban hành một số đạo luật về việc cung cấp ngân sách để hỗ trợ chống dịch, trong đó có đạo luật Cứu trợ và an ninh kinh tế vi rút Corona (CARES Act) trị giá 2.000 tỉ USD (47,3 triệu tỉ đồng).
Tổng thống Donald Trump hôm qua thông báo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) sẽ sớm đưa ra khuyến cáo về việc đeo khẩu trang khi ra đường, nhưng nhấn mạnh đây là điều không bắt buộc, theo CNN. Trong khi đó, chính quyền các thành phố New York hay Los Angeles kêu gọi người dân nên che mặt khi ra đường, có thể bằng khăn trùm thay vì đeo khẩu trang vì mặt hàng này đang khan hiếm. Trước đó, CDC khuyến cáo chỉ người bệnh và nhân viên y tế mới cần đeo khẩu trang, nhưng dữ liệu gần đây cho thấy người bị nhiễm không có triệu chứng vẫn có thể lây bệnh cho người khác.
|
Bình luận (0)